Khô mắt là bệnh đặc trưng bởi sự mất cân bằng nội môi của màng nước mắt, với các dấu hiệu ở mắt như chảy nước mắt, nóng rát, cảm giác xốn cộm, nhạy cảm với gió, khói và ánh sáng, có thể có viêm và tổn thương bề mặt mắt. Bệnh khô mắt được coi là tình trạng bệnh kéo dài suốt đời.
Ước tính, Việt Nam có khoảng 4 – 6 triệu người bị khô mắt ở các mức độ khác nhau. Tình trạng khô mắt tập trung ở người già và đặc biệt là nữ giới, những người thường xuyên làm việc ở môi trường máy lạnh, sử dụng các thiết bị điện tử nhiều, những người sau phẫu thuật tật khúc xạ hay đục thủy tinh thể…
Màng nước mắt đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ bề mặt mắt khỏi môi trường bên ngoài, nó có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng, độ ẩm, làm mịn bề mặt quang học cũng như giúp loại bỏ vi khuẩn. Thành phần chính của màng nước mắt bao gồm nước, chất điện giải, protein, lipid và chất nhầy. Từ ngoài vào trong, màng nước mắt có 3 lớp:
– Lớp lipid bên ngoài: Được sản xuất bởi các tuyến Meibomian nằm trong mí mắt, lớp lipid có vai trò ngăn chặn quá trình bốc hơi của lớp nước và duy trì độ dày của màng phim nước mắt. Chúng hoạt động giống như chất hoạt động bề mặt giúp dàn đều lớp màng phim nước mắt. Thiếu hụt lớp lipid này gây ra khô mắt do bốc hơi nước nhanh.
– Lớp nước: Thành phần nước của nước mắt do tuyến lệ tiết ra, trong đó có chứa các chất điện giải, nhầy tan, các yếu tố tăng trưởng và tăng lên khi đáp ứng với chấn thương, các chất tiền viêm. Chức năng lớp nước tạo môi trường giàu oxy cho lớp biểu mô giác mạc, chống nhiễm khuẩn thông qua vai trò của các protein như IgA, lysozym và lactoferrin, loại bỏ các chất cặn bã và các kích thích có hại, tạo điều kiện cho bạch cầu di chuyển tới nơi bị tổn thương, tạo bề mặt trơn láng cho giác mạc bằng cách loại đi các vị trí lồi lõm nhỏ.
– Lớp chất nhầy: Chất nhầy là những glycoprotein có trọng lượng phân tử cao, bao gồm loại dạng keo không tan và dạng có thể tan được. Lớp nhầy có vai trò tạo môi trường ẩm ướt cho bề mặt nhãn cầu do chuyển tiếp lớp biểu mô từ kỵ nước thành ưa nước, giúp làm trơn láng bề mặt nhãn cầu.
Lượng nước mắt tiết ra không đủ, hoặc chất lượng nước mắt không tốt là nguyên nhân dẫn đến khô mắt. Căn bệnh này gây khó chịu ở mắt, mệt mỏi và rối loạn thị giác, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến rối loạn thị giác và mất ổn định màng nước mắt với khả năng gây tổn thương bề mặt mắt.
Trong số các chiến lược điều trị khô mắt, sử dụng tại chỗ các chất thay thế nước mắt, còn được gọi là nước mắt nhân tạo được cho là một cách tiếp cận an toàn để bổ sung (ít nhất là một phần) màng nước mắt tự nhiên.
Các thành phần nước mắt nhân tạo
Các thành phần chính được sử dụng trong sản phẩm thay thế nước mắt là chất tăng độ nhớt, chất điện giải, chất nhờn, chất chống oxy hóa và chất bảo quản.
✔ Chất tăng độ nhớt
Các chất tăng độ nhớt là thành phần được sử dụng thường xuyên nhất, có vai trò làm tăng độ dày màng nước mắt và giữ nước mắt ở bề mặt mắt. Hơn nữa, các hợp chất này hoạt động như một chất giữ nước, giữ ẩm cho bề mặt mắt nhờ ngăn chặn sự mất nước.
Natri carboxymethylcellulose (CMC), một dẫn xuất cellulose từ thực vật, đã được chứng minh là có lợi cho bệnh nhân khô mắt từ nhẹ đến trung bình bằng cách cải thiện khả năng thấm ướt bề mặt giác mạc và tính toàn vẹn của màng nước mắt.
Các chất tăng cường độ nhớt khác được sử dụng trong các loại nước mắt nhân tạo như hydroxypropyl methylcellulose (HPMC), carbomer, acid hyaluronic (HA), polyvinyl, povidon, dextran và hydroxylpropyl-guar (HP-guar). Các tác nhân này có khả năng bám dính và tạo niêm mạc do cấu trúc phân nhánh của chúng tương tự như một mucin có vai trò bảo vệ bề mặt mắt. Do đó, các chất làm tăng độ nhớt có thể được sử dụng để bổ sung và giúp duy trì lớp mucin trong trường hợp khô mắt do thiếu hụt mucin.
✔ Chất điện giải
Các chất điện giải được bài tiết tự nhiên tạo thành màng nước mắt, có tác dụng duy trì sự cân bằng thẩm thấu của bề mặt mắt. Vì lý do này, mà các chất điện giải (natri, kali, clorua, magiê và calci) được sử dụng trong các chế phẩm thay thế nước mắt.
✔ Tác nhân dầu và chất hoạt động bề mặt
Lipid và protein đóng một vai trò quan trọng trong sức căng bề mặt của màng nước mắt và duy trì độ ẩm của bề mặt mắt. Sự bay hơi của nước mắt tăng lên ở những bệnh nhân bị thay đổi lớp lipid. Do đó, các chất nhờn đã được sử dụng trong các công thức của chất thay thế nước mắt để bổ sung lớp này. Lipid trong nước mắt nhân tạo có thể ở dạng liposom hay nhũ tương dầu trong nước.
Khô mắt cũng có thể liên quan đến stress oxy hóa, gây tổn thương mô và làm tăng tình trạng viêm. Do đó, một số sản phẩm nước mắt nhân tạo đã được bổ sung các chất chống oxy hóa hoặc loại bỏ gốc tự do vào công thức như vitamin A, vitamin E, co-enzym Q10 hoặc acid lipoic. Một nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng việc bổ sung vitamin A trong chất thay thế nước mắt đã cải thiện các dấu hiệu khô mắt. Tuy nhiên, vitamin A lại gây rối loạn chức năng tuyến Meibomian ở các mô hình động vật. Việc sử dụng acid lipoic như một chất chống oxy hóa có cải thiện độ ổn định của màng nước mắt.
✔ Tác nhân thúc đẩy chữa lành vết thương và giảm viêm
Ngoài đặc tính tạo độ nhớt, CMC và acid hyaluronic (đặc biệt là loại trọng lượng phân tử cao), cũng đã được chứng minh in vivo có tác dụng đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương của biểu mô sau khi giác mạc bị tổn thương.
Mặc dù nước mắt nhân tạo không thể thay thế được màng nước mắt tự nhiên nhưng ít ra chúng giúp giảm triệu chứng và giảm tình trạng khô mắt. Hiện nay, có nước xếp nước mắt nhân tạo là vật tư y tế, có nơi lại coi là thuốc OTC (không cần toa bác bác sĩ), nhưng vẫn có nhiều sản phẩm thay thế nước mắt cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Những lưu ý khi dùng nước mắt nhân tạo
✔ Do một số loại nước mắt nhân tạo có thể mua và sử dụng không cần đơn bác sĩ nên cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Lưu ý, có một số loại cần được lắc trước khi sử dụng, vì vậy nên kiểm tra xem sản phẩm của mình có cần lắc trước khi sử dụng hay không.
✔ Thông thường, thuốc có thể được sử dụng thường xuyên nếu cần nhưng có một số dạng thuốc chỉ cần sử dụng ít hơn, ví dụ thuốc mỡ dùng 1 – 2 lần mỗi ngày hoặc dạng gel 4 – 6 lần. Nếu sử dụng thuốc mỡ mỗi ngày một lần, tốt nhất dùng thuốc trước khi đi ngủ.
✔ Các chế phẩm dùng cho mắt đều phải đạt tiêu chuẩn vô trùng nhất là các sản phẩm đóng gói đa liều, trong quá trình sử dụng thuốc nhỏ mắt nói chung và nước mắt nhân tạo nói riêng, cần chú ý để duy trì tiêu chuẩn này. Vì vậy, phải rửa sạch tay trước khi dùng các sản phẩm dành cho mắt. Với loại nước mắt nhân tạo đa liều, khi dùng chú ý không để ống nhỏ giọt hoặc đầu ống thuốc chạm vào mắt và đậy chặt nắp sau mỗi lần sử dụng.
✔ Tháo kính áp tròng trước khi nhỏ mắt, tuy nhiên, cũng có một số nước mắt nhân tạo dùng được cho kính áp tròng (chứa polysorbates).
✔ Nếu đang sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt khác, nên dùng cách nhau ít nhất 5 phút và dùng dạng thuốc dạng lỏng trước rồi đến dạng thuốc mỡ sau.
✔ Sau khi dùng nếu thấy xốn, đỏ, đau mắt hoặc tình trạng mắt tệ hơn trước nên ngưng sử dụng và hỏi ý kiến của bác sĩ.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}