Nội soi dạ dày hay nội soi tiêu hóa trên, trước nay vẫn được thực hiện thông qua đường miệng, bệnh nhân nằm trên giường ở tư thế nghiêng trái, bác sĩ nội soi sẽ đưa ống soi vào miệng xuống thực quản, dạ dày, tá tràng để quan sát chẩn đoán hay điều trị các bệnh lý mắc phải. Trong lúc soi, người bệnh phải ngậm ống ngáng răng để duy trì đường soi và tránh không cắn vào ống soi. Với cách soi này người bệnh không thể nói chuyện được với bác sĩ, có cảm giác buồn nôn nhiều vì ống soi đè vào phần gốc lưỡi, người bệnh dễ bị mỏi hàm do phải há miệng lâu nếu quá trình soi kéo dài vì có thực hiện thêm thủ thuật. Đã có trường hợp do khớp hàm bị lỏng lẻo trước đó nên sau khi soi người bệnh bị trật khớp thái dương - hàm. Những bệnh nhân lo lắng quá mức hay không hợp tác, buộc phải gây mê, dù thời gian soi chỉ cần khoảng 3 – 5 phút.
Với kỹ thuật mới, dùng ống nội soi kích thước nhỏ, đường kính chỉ 5,9mm, ống soi được đưa vào đường tiêu hóa qua ngã mũi, người bệnh không còn cảm giác nôn ói hay khó chịu như phương pháp nội soi qua đường miệng. Trong lúc soi người bệnh vẫn nói chuyện và trao đổi bình thường với bác sĩ đang soi. Người bệnh không có cảm giác buồn nôn vì ống soi không đè vào gốc lưỡi, có thể chịu đựng được cuộc soi lâu hơn so với soi qua ngã miệng nên rất thích hợp với những trường hợp: người già, trẻ em…
Có bị nội soi qua ngã miệng rồi mới biết cảm giác buồn nôn rất khó chịu của người bệnh, nhiều người nhạy cảm nôn rất nhiều, nam giới nôn nhiều hơn nữ giới nhất là những người hay uống rượu. Khi nôn, dạ dày tống hơi ra ngoài nên xẹp lại, khó soi, bắt buộc bác sĩ nội soi phải bơm hơi thêm vào dạ dày, thời gian soi bị kéo dài thêm không cần thiết, người bệnh bị khó chịu lâu hơn. Khi soi qua mũi, người bệnh không phải ngậm ống ngáng răng nên với những trường hợp người bệnh già yếu có những chiếc răng cửa lung lay nhiều vẫn có thể soi được mà không sợ bị gãy.
Ống nội soi qua mũi dù rất nhỏ nhưng vẫn có đầy đủ chức năng như ống nội soi lớn, kênh sinh thiết đủ rộng để đưa dụng cụ thủ thuật vào tận nơi có bệnh lý.
Trước khi nội soi qua ngã mũi, người bệnh được kiểm tra sự thông thoáng của hai lỗ mũi, nếu cả hai đều thông thoáng thì mũi ưu tiên được chọn để đặt ống soi là mũi bên trái (bệnh nhân cũng nằm nghiêng trái như khi soi qua đường miệng). Để tạo cảm giác dễ chịu trong lúc soi, bệnh nhân sẽ được gây tê trước, nếu như gây tê khi nội soi qua miệng đơn giản chỉ bằng cách xịt vài nhát Xylocain 10% vào họng cho bệnh nhân nuốt xuống thì gây tê để chuẩn bị nội soi qua mũi công phu hơn, phải dùng dụng cụ nhỏ hơn và chuyên biệt hơn để tránh sang thương cho niêm mạc mũi. Người bệnh được gây tê nhiều giai đoạn hơn và cẩn thận từng chút một để thuốc tê ngấm từ từ vào niêm mạc mũi. Trong quá trình soi, ống soi cũng được bôi trơn liên tục để tránh sang thương cho niêm mạc mũi.
Nội soi đường tiêu hóa trên qua ngã mũi chỉ khác nội soi qua ngã miệng ở vị trí đưa ống soi vào cơ thể và kích thước của ống soi, thời gian và khả năng điều trị như nhau, nhưng cảm giác của người bệnh rất khác nhau ở hai phương pháp soi. Sau khi soi xong, những người bệnh đã từng trải qua 2 phương pháp soi dạ dày bằng đường miệng trước đây và đường mũi hiện nay cho biết nội soi bằng đường mũi dễ chịu hơn nhiều, không có cảm giác buồn nôn, không có cảm giác nghẹt thở, không khó chịu ở mũi, ở họng sau khi soi và nếu cần phải soi lại lần nữa thì họ vẫn chọn phương pháp soi qua ngã mũi.
Khoa học ngày càng tiến bộ, phương tiện kỹ thuật ngày càng được cải tiến thì người bệnh ngày càng được chăm sóc tốt hơn.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}