Nhờ cấu trúc của cơ tim nên van 2 lá thường đóng rất kín ở thì tâm thất thu (co bóp). Bình thường vào thời kỳ tâm thất co bóp tống máu ra động mạch chủ thì van 2 lá đóng kín không cho máu phụt ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ và ở thời kỳ tâm trương thì van 2 lá mở rộng tối đa (4 – 6cm2) để máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất (tâm nhĩ cũng co bóp đẩy máu xuống tâm thất nhưng chỉ chiếm 30%).
Hẹp van 2 lá thường từ tình trạng thấp tim
Bình thường van 2 lá sẽ mở rộng tối đa diện tích 4 – 6cm2 trong thời kỳ tâm thất giãn ra (tâm trương) để máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất nhưng với một tổn thương nào đó làm cho 2 lá van như 2 cánh cửa không mở rộng hết mức được thì gây hẹp. Nếu van 2 lá chỉ mở rộng được không quá 2 cm2 thì được chẩn đoán là hẹp van 2 lá.
Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ 2014, hẹp van 2 lá được chia thành 4 giai đoạn: A (nguy cơ hẹp van), B (hẹp van nhẹ - vừa), C (hẹp van nặng, không triệu chứng), D (hẹp van nặng, có triệu chứng) tùy thuộc hình thái van và diện tích lỗ van. Giai đoạn D với diện tích lỗ van nhỏ hơn 1,5cm2 (nếu nhỏ hơn 1cm2 là hẹp rất nặng).
Ở các nước đang phát triển và bị vấn đề hậu thấp nhiều thì nguyên nhân gây hẹp van 2 lá thường là do thấp tim nhưng bên cạnh đó có thể do bẩm sinh (dị dạng van, tổn thương đơn độc hoặc phối hợp thông liên nhĩ trong hội chứng Luctembacher), vôi hóa vòng van 2 lá, bệnh tim carcinoid, biến chứng của các bệnh tự miễn (Lupus ban đỏ hệ thống), xơ chun hóa nội tâm mạc,… Hẹp van 2 lá với tổn thương ở 3 mức: dây chằng, lá van và mép van.
Tổn thương van trong thấp tim có thể làm dính mép van, dính lá van, dính dây chằng làm van không thể mở to ra như bình thường được. Hậu quả của việc hẹp lỗ van là máu từ nhĩ xuống thất khó khăn gây ứ đọng ở nhĩ (lâu ngày sẽ giãn ra), áp lực ở nhĩ tăng sẽ làm tăng áp lực ở mao mạch phổi và đưa đến áp lực động mạch phổi tăng và áp lực thất phải tăng (thất phải bơm máu ra động mạch phổi để lên phổi trao đổi khí, sau đó qua tĩnh mạch phổi đổ về nhĩ trái). Thất phải cố gắng co bóp tống máu ra động mạch phổi đã bị tăng áp lâu ngày sẽ đưa đến suy thất phải. Thất trái lúc đầu chưa bị ảnh hưởng, tuy nhiên cung lượng tim không được duy trì, nhất là khi gắng sức thì đưa đến suy chức năng thất trái.
Chẩn đoán hẹp van 2 lá tương đối thuận lợi
Bệnh hẹp van 2 lá hay gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi, thường gặp ở nữ. Triệu chứng thường gặp là khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, khó thở nặng dần đến cơn khó thở kịch phát về đêm.
Tại sao lại khó thở khi gắng sức? khi gắng sức sẽ làm tăng nhịp tim và chênh lệch áp suất giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái càng lớn, nghĩa là áp suất ở mao mạch phổi càng lớn, điều này làm người bệnh khó thở. Không chỉ gắng sức làm bệnh nhân khó thở mà còn gặp khi bệnh nhân có cường tuyến giáp trạng, có thai, sốt, rung nhĩ, giao hợp, sang chấn tình cảm. Một yếu tố có thể gây khó thở là khi người bệnh nằm, vì ở tư thế này máu đổ về tim nhiều hơn làm tăng áp mao mạch phổi gây khó thở. Ngoài triệu chứng khó thở, còn có thể bị ho ra máu (bọt hồng). Một số trường hợp có thể bị khàn tiếng do tâm nhĩ trái quá to giãn hoặc động mạch phổi giãn chèn ép vào dây thần kinh quặt ngược hoặc nuốt nghẹn do chèn ép thực quản, xẹp phổi trái do chèn phế quản chính trái. Bệnh nhân cũng có thể đau ngực giống đau thắt ngực (do tăng áp lực động mạch phổi hoặc do phì đại thất phải). Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi do giảm cung lượng tim và thường xảy ra ở bệnh nhân hẹp van 2 lá nhẹ - vừa.
Nếu hẹp van 2 lá từ nhỏ thì có thể dấu hiệu “lùn hai lá” do tình trạng chậm phát triển thể chất hoặc tình trạng biến dạng lồng ngực. Ngoài ra, có thể có tình trạng ứ trệ tuần hoàn ngoại biên do suy thất phải (gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù chi dưới).
Bác sĩ chuyên khoa thăm khám bệnh nhân sẽ phát hiện ra nhiều triệu chứng khi nghe tim giúp cho việc xác định sơ bộ chẩn đoán. Để xác định chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được làm siêu âm doppler qua thành ngực để đánh giá chính xác tổn thương của van tim (tính chất lá van, vòng van, diện tích mở van, kích thước buồng tim, huyết khối) và hậu quả huyết động của hẹp van (áp lực động mạch phổi, chênh lệch áp suất, chức năng thất trái, thất phải…). Điện tâm đồ và X quang tim phổi được thực hiện để đánh giá hậu quả của bệnh, đã gây biến đổi như thế nào. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được làm siêu âm qua thực quản để thấy rõ hơn hình thái van 2 lá, sùi nhỏ và huyết khối nhĩ trái mà siêu âm qua thành ngực bị hạn chế. Thậm chí một số tình huống đặc biệt cần phải thông tim để do chính xác các thông số…
Điều trị dự phòng và can thiệp van bị hẹp
Đối với hẹp van 2 lá do thấp tim thì biện pháp phòng ngừa là phải phòng thấp tái phát. Ngừa thấp đến năm 25 tuổi hoặc 35 tuổi, một số phải ngừa đến suốt đời nếu hay bị viêm họng. Những người hẹp 2 lá khi cần nhổ răng hay làm thủ thuật ngoại khoa phải báo cho bác sĩ điều trị biết để được dùng kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Trong hẹp 2 lá nhẹ chỉ cần hạn chế muối, lợi tiểu, thuốc chống đông kháng vitamin K (duy trì chỉ số đông máu INR 2-3, bệnh nhân hẹp van từ vừa đến nặng với một trong các tình trạng: rung nhĩ, tiền sử huyết khối, tắc mạch, nhĩ trái trên 50mm, có huyết khối nhĩ trái).
Đối với hẹp van 2 lá mức độ trung bình đến nặng thì có thể tiến hành thủ thuật nong van 2 lá qua da hoặc phẫu thuật thay van. Điều trị có hiệu quả vẫn là phẫu thuật tim mạch để chỉnh sửa van hoặc thay van nhân tạo. Bệnh nhân hẹp 2 lá phải nhanh chóng đến chuyên khoa phẫu thuật tim để được kiểm tra khả năng can thiệp ngoại khoa. Việc điều trị bằng thuốc chủ yếu để chữa hậu quả của hẹp giúp cho bệnh tiến triển chậm không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên dù được điều trị nội ngoại khoa tích cực thì diễn tiến tự nhiên của bệnh vẫn có thể gây tử vong.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}