Đục thủy tinh thể thường gặp ở người từ 55 tuổi trở lên, tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là sau chấn thương hoặc do sử dụng thuốc. Thông thường, đục thủy tinh thể tiến triển ở hai mắt, nhưng có một mắt bị nặng hơn.
Thủy tinh thể là một thấu kính nằm phía sau mống mắt (tròng đen), giúp hội tụ ánh sáng ở võng mạc, và võng mạc gửi hình ảnh lên não thông qua dây thần kinh thị giác. Ở mắt bình thường, thủy tinh thể phải trong suốt để ánh sáng đi qua, hội tụ ở võng mạc và cho ảnh rõ nét. Tuy nhiên, khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng bị tán xạ, không thể hội tụ như trước, gây ảnh hưởng đến thị lực (tầm nhìn).
Các loại đục thủy tinh thể
Cấu trúc của thủy tinh thể bao gồm nhiều lớp, giống như củ hành. Lớp ngoài cùng của thủy tinh thể gọi là vỏ. Lớp tiếp theo gọi là bao và lớp trong cùng gọi là nhân. Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở bất kỳ lớp nào.
– Đục nhân thủy tinh thể: là đục ở ngay trung tâm của thủy tinh thể bị. Nhân thủy tinh thể có khuynh hướng đục dần theo tuổi, thay đổi từ trong suốt thành màu vàng và có khi chuyển sang màu nâu.
– Đục vỏ thủy tinh thể: ảnh hưởng đến lớp vỏ bao xung quanh nhân thủy tinh thể. Đục vỏ thủy tinh thể có hình dạng giống một cái nêm.
– Đục bao sau thủy tinh thể: xảy ra ở lớp phía sau của thủy tinh thể. Đục dạng này thường tiến triển nhanh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hầu hết đục thủy tinh thể là do những thay đổi khi tuổi càng lớn làm cho thấu kính bên trong mắt bị đục hoặc mờ. Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể góp phần vào sự tiến triển đục thủy tinh thể bao gồm:
– Đái tháo đường: người bị đái tháo đường có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể.
– Thuốc: một số loại thuốc gây ra đục thủy tinh thể, gồm: corticosteroid, chlorpromazin và phenothiazin.
– Tia cực tím: một vài nghiên cứu cho thấy đục thủy tinh thể phát triển là do tiếp xúc với tia cực tím (UV).
– Hút thuốc: có một mối liên hệ giữa hút thuốc và tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
– Cồn: một vài nghiên cứu cho thấy sự tiến triển đục thủy tinh thể ở người uống nhiều rượu so với người uống ít hoặc không uống rượu.
– Dinh dưỡng kém: mặc dù kết quả chưa được kết luận, nhưng một vài nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa sự tiến triển đục thủy tinh thể và nồng độ thấp của chất chống oxy hóa (ví dụ vitamin C, vitamin E và carotenoid). Các nghiên cứu khác cho thấy chất chống oxy hóa có thể làm giảm sự phát triển đục thủy tinh thể.
– Yếu tố gia đình: nếu người thân bị đục thủy tinh thể, thì có khả năng cao bị đục thủy tinh thể.
Trong vài trường hợp hiếm gặp, đục thủy tinh thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và phát triển nhanh sau đó. Nguyên nhân là do di truyền hoặc nhiễm trùng (Rubella) trong lúc mẹ mang thai. Đục thủy tinh thể có thể phát triển sau khi bị chấn thương mắt hoặc phẫu thuật khác ở mắt, như glaucoma (cườm nước).
Triệu chứng
Đục thủy tinh thể thường tiến triển rất chậm. Dấu hiệu và triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:
– Mờ hoặc nhìn mờ sương.
– Giảm độ đậm của màu sắc.
– Nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt khi lái xe vào ban đêm.
– Khó nhìn vào buổi tối.
– Thay đổi tật khúc xạ, hoặc thay kính mới.
Chẩn đoán
Đục thủy tinh thể có thể chẩn đoán khi khám mắt tổng quát.
Với kết quả từ việc khám lâm sàng, bác sĩ mắt hoặc các nhà khúc xạ nhãn khoa có thể đưa ra hướng điều trị cho người bệnh.
Điều trị
Điều trị đục thủy tinh thể dựa vào mức độ thị lực bị ảnh hưởng do đục thủy tinh thể gây ra. Nếu đục thủy tinh thể nhẹ ảnh hưởng rất ít hoặc không ảnh hưởng đến tầm nhìn thì chưa cần điều trị. Bệnh nhân được tư vấn tự theo dõi nếu thị lực tệ hơn và tái khám định kỳ.
Trong một vài trường hợp, thay kính mới có thể cải thiện thị lực tạm thời. Bên cạnh đó, kính gọng nên được phủ lớp chống chói để giảm chói lóa khi lái xe buổi tối. Khi đọc sách, nên sử dụng thêm đèn bàn để đọc hiệu quả hơn.
Khi đục thủy tinh thể diễn tiến đến mức ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân thì nên phẫu thuật. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là hút thấu kính đục ở trong mắt và thay bằng một thấu kính nhân tạo. Thấu kính nhân tạo này được đặt cố định bên trong mắt và giúp cải thiện thị lực. Một vài thấu kính nhân tạo có khả năng hội tụ ánh sáng như mắt ở người trẻ.
Cũng giống như bất kỳ phẫu thuật khác, phẫu thuật đục thủy tinh thể có nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết. Ngoài ra, phẫu thuật đục thủy tinh thể cũng làm tăng nhẹ nguy cơ bị bong võng mạc. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn về những lợi ích và rủi ro của phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Hiện nay, phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những loại phẫu thuật an toàn và hiệu quả nhất được thực hiện tại Mỹ. Khoảng 90% bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể cho biết thị lực tốt hơn sau phẫu thuật.
Ngăn ngừa
Không có phương pháp điều trị nào để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể. Trong những trường hợp đục thủy tinh thể do tuổi tác, thị lực có thể giảm từ từ. Một số người sẽ không nhận biết được sự thay đổi thị lực trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi đục thủy tinh thể nhiều hơn, triệu chứng giảm thị lực sẽ rõ rệt hơn.
Mặc dù trên lâm sàng không có chứng minh được phương pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể, nhưng có những cách đơn giản để phòng ngừa như sau:
– Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính chống tia UV.
– Giảm hoặc ngưng hút thuốc.
– Bổ sung vitamin có chất chống oxy hóa bằng cách ăn nhiều rau xanh và bổ sung dinh dưỡng.
– Các nhà nghiên cứu đã liên kết các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt như lutein và zeaxanthin, vitamin C, vitamin E và kẽm để giảm nguy cơ mắc một số bệnh về mắt, bao gồm đục thủy tinh thể.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}