Vì vậy hãy điểm danh và thêm vào danh sách các loại thực phẩm cần chú ý:
– Nhóm thực phẩm có chứa chất kháng giáp: nhiều người biết rằng ăn Bắp cải, Củ cải, Đậu nành có thể bị bướu cổ nhưng cần biết thêm rằng chỉ khi ăn sống các thực phẩm này thường xuyên (Bắp cải cắt nhỏ làm gỏi ăn với thịt vịt, gà chẳng hạn) thì mới gây ra bệnh lý. Nếu ăn bắp cải luộc, nấu canh, xào hay uống sữa đậu nành (đã nấu sôi), ăn đậu hũ (chiên, nấu canh, lẩu…) đã nấu chín thì không còn chất kháng giáp nữa, và chúng ta có thể an tâm sử dụng với số lượng nhiều và thường xuyên.
– Các thức ăn chứa nhiều tanin như bắp chuối, Ổi non, trái non, nước trà đặc, cà phê,… (đa số thực phẩm này có vị chát)… có thể gây táo bón, ức chế hấp thu chất sắt trong thực phẩm nên có thể gây thiếu máu thiếu sắt nếu sử dụng nhiều và thường xuyên.
– Thực phẩm chứa nhiều nitrit nitrat nếu sử dụng nhiều có thể gây nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, thiếu oxy tím môi, tím mặt và tử vong ở trẻ em như nước củ Dền, củ Dền đỏ, muối dưa chưa chín (còn hăng) hay đã bị khú… đều chứa nhiều nitrit. Phân đạm bón rau là nitrat, nếu tồn dư trong thực phẩm ăn vào có thể nhiễm vào cơ thể. Nitrit, nitrat cũng thường được dùng để bảo quản thịt, cá cho lâu hư. Nguồn nước giếng khai thác nông, gần hầm phân có thể nhiễm nitrit.
– Các loại Đậu phộng, hạt ngũ cốc, quả khô dễ bị nấm mốc xanh chứa alfatoxin gây xơ gan, ung thư gan.
– Khoai tây mọc mầm chứa nhiều solanin có thể gây tử vong ở trẻ em. Cần khoét sâu bỏ hết phần chân gốc mầm hoặc tránh ăn khoai mọc mầm.
– Sắn (Khoai mì) chứa acid cyanhydric ở lớp vỏ, hai đầu củ, Sắn đắng (Sắn cao sản) có thể gây chết người ở trẻ em, người già, ốm yếu… Cần lột (bóc) vỏ kỹ, cắt bỏ hai đầu củ, ngâm nước và luộc chín để khử cyanhydric, không nên ăn Sắn có vị đắng.
– Măng, Đậu mèo, Đậu kiếm cũng chứa cyanhydric, nên ngâm nước lâu, rửa sạch, luộc bỏ nước.
– Cá nóc chứa chất cực độc ở buồng trứng và gan, nếu làm ruột cá không khéo, không kỹ có thể gây nhiễm chất độc vào phần thịt cá và gây ngộ độc cho người ăn. Cá nóc bị ươn hay cá nóc phơi khô thì chất độc sẽ nhiễm vào thịt cá.
– Tuyến độc của cóc nằm ở lớp da, gan và trứng. Ăn thịt cóc phải bỏ hết da, làm ruột sạch
– Cá bị ươn sinh nhiều histamin có thể gây dị ứng, đỏ mặt, sưng ngứa cổ - mặt, đau bụng tiêu chảy,…
– Dầu ăn tinh luyện như dầu mè, dầu nành tinh luyện… rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng để chiên thực phẩm ở nhiệt độ cao, kéo dài thì sẽ sinh nhiều acrolein gây ung thư, vì vậy chỉ dùng dầu tinh luyện để ăn sống (trộn rau salad, cho em bé ăn), xào nhanh, kho nhanh,... Nếu chiên cá, chiên chả giò, chiên Chuối… thì nên dùng dầu hỗn hợp gồm 4 – 6 loại dầu thực vật thì ít bị oxy hóa và sinh acrolein hơn và có thể tái sử dụng dầu chiên một lần nữa để tiết kiệm.
– Thịt nướng hay chiên bị cháy đen thì không nên sử dụng vì thực phẩm cháy có thể sinh ung thư.
– Có thể nói rằng “Phần lớn các loại nấm trên trái đất đều có thể ăn được”(?), nhưng “có một số loại nấm chỉ có thể ăn một lần”(!) vì đó là nấm độc, chỉ ăn một lần là… chết, đâu còn cơ hội để ăn lần nữa. Vì vậy, hãy chú ý lựa chọn các loại nấm thông dụng, quen thuộc khi sử dụng trong bữa ăn gia đình.
Như vậy, việc tuân thủ nguyên tắc về dinh dưỡng hợp lý là ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, thay đổi món thường xuyên, mỗi thứ dùng một ít và không ăn nhiều, ăn mãi một loại thực phẩm nào… ngẫm ra thật có lý. Đa dạng thực phẩm giúp cơ thể nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau và cũng hạn chế được khả năng bị ảnh hưởng của các chất “phản dinh dưỡng” hay ngộ độc do dùng nhiều và thường xuyên một loại thực phẩm nào, cũng để thời gian cho cơ thể chuyển hóa, thải bỏ bớt dần độc chất nếu đã “lỡ” bị nhiễm.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}