Hiểu bệnh A-Z

19/12/2024 GMT+0700

Bệnh cơ tim Anderson - Fabry

TS.BS BÙI MINH TRẠNG

Y học chia bệnh lý cơ tim thành hai nhóm, nhóm bệnh mạch vành và nhóm bệnh nguyên phát. Nhóm bệnh sau có 3 thể bệnh gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nỡ và bệnh cơ tim hạn chế.

Bệnh Fabry là một rối loạn di truyền hiếm gặp. Ảnh: Freepik

Bệnh cơ tim hạn chế, còn gọi là bệnh cơ tim thể lấp, rất ít gặp ở Việt Nam (cũng có thể do hạn chế trong việc chẩn đoán bệnh). Trong nhóm bệnh cơ tim hạn chế thứ phát, người ta chú trọng đến bệnh thâm nhiễm cơ tim bởi Amyloid, còn tích tụ và thâm nhiễm Globotriaosylceramide (Gb3 hoặc GL-3) ít được quan tâm, đó là bệnh Anderson - Fabry.

Tại sao có tên Anderson-Fabry?

Bệnh cơ tim thâm nhiễm bởi Gb3 hoặc GL-3 được bác sĩ da liễu người Đức là Johann Fabry mô tả đầu tiên. Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp thuộc nhóm bệnh tích lũy Lysosome. Johann Fabry (1860-1930) học ở hai đại học lớn ở Đức là Würzburg và Bonn. Sau khi tốt nghiệp ông đi sâu vào chuyên ngành da liễu vốn khá mới mẻ lúc đó 

Năm 1898, Fabry mô tả một bệnh nhân có các tổn thương da đặc trưng (angiokeratomas) cùng các triệu chứng liên quan đến đau thần kinh, giảm tiết mồ hôi và các dấu hiệu hệ thống. Thông tin đăng tải trên một tạp chí y học Đức, mô tả chi tiết về bệnh mà sau này được biết đến là bệnh Fabry.

Còn William Anderson (1842-1900) là một bác sĩ người Anh, nổi tiếng vì mô tả độc lập một trường hợp bệnh lý, sau này được biết đến là bệnh Fabry, cùng thời điểm với Johann Fabry vào năm 1898.

Anderson học y khoa tại Anh, sau đó tập trung vào lĩnh vực giải phẫu học và da liễu, được biết đến như một bác sĩ có chuyên môn giỏi trong các bệnh lý da liễu hiếm gặp. Năm 1898 Anderson công bố trên một tạp chí yhọc ở Anh trường hợp một bệnh nhân với các tổn thương da, đau thần kinh và các dấu hiệu khác mà ông không thể giải thích bằng các bệnh lý đã biết vào thời điểm đó.

Dù ở hai quốc gia khác nhau nhưng bác sĩ Fabry và Anderson cùng mô tả về một bệnh cơ tim ở khía cạnh khác nhau. Trong khi Fabry mô tả bệnh trên cơ sở các triệu chứng hệ thống và mối liên hệ giữa bệnh da và tổn thương cơ quan, thì Anderson tập trung vào các biểu hiện da liễu và mạch máu đặc trưng của bệnh. Vì thế người ta lấy tên hai ông để đặt chung cho chứng bệnh cơ tim này (thường được gọi là bệnh Fabry).

Ngày nay, bệnh Fabry được biết rõ là một rối loạn di truyền hiếm gặp thuộc nhóm bệnh tích lũy lysosome, gây ra bởi đột biến gen GLA (trên nhiễm sắc thể X). Đột biến này dẫn đến thiếu hụt enzyme α-Gal A (alpha-galactosidase A), gây tích tụ globotriaosylceramide (Gb3 hoặc GL-3) trong các tế bào, đặc biệt ở tế bào nội mô mạch máu, tế bào cơ tim và tế bào thần kinh.

Cơ chế bệnh sinh là do thiếu enzyme α-Gal A làm giảm khả năng phân hủy Gb3 đưa đến Gb3 tích tụ trong lysosome của các tế bào khắp cơ thể, gây tổn thương cơ quan đích. Sự tích tụ Gb3 ảnh hưởng đặc biệt đến mạch máu, thận, tim và hệ thần kinh.

Nam giới mang đột biến thường bị bệnh nặng hơn do chỉ có một bản sao nhiễm sắc thể X. Phụ nữ mang đột biến có thể không có triệu chứng hoặc bị bệnh ở mức độ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào hiện tượng bất hoạt ngẫu nhiên nhiễm sắc thể X.

Biểu hiện của bệnh Anderson-Fabry
Triệu chứng của bệnh AndersonFabry rất đa dạng và thay đổi tùy theo giai đoạn.

- Giai đoạn đầu (niên thiếu): Bệnh nhân có biểu hiện đau thần kinh ngoại biên như cảm giác nóng rát hoặc đau ở tay, chân. Đau tăng lên khi hoạt động hoặc nhiệt độ thay đổi. Bệnh nhân cũng có hiện tượng giảm tiết mồ hôi và điều này khiến họ dễ bị nóng. Dấu hiệu da gồm các đốm đỏ tím trên da, đặc biệt ở vùng thân dưới hoặc quanh rốn.

Xảy ra hiện tượng đục giác mạc dạng xoáy (cornea verticillata) dù không ảnh hưởng thị lực. Ở đường tiêu hóa, bệnh nhân có tình trạng đau bụng, tiêu chảy.

- Giai đoạn sau (trưởng thành): Xuất hiện các biểu hiện ở tim mạch gồm phì đại thất trái, loạn nhịp tim, suy tim. Ở thận có protein niệu, suy thận mạn (nguyên nhân chính gây tử vong) và có thể gây đột quỵ sớm do bệnh lý mạch máu nhỏ hoặc lớn.

Để chẩn đoán bệnh Fabry, bác sĩ dựa vào các triệu chứng gợi ý bệnh ở trên, đặc biệt ở nam giới hoặc tiền sử gia đình. Tiến hành định lượng enzyme α-Gal A. Ở nữ giới thì cần xét nghiệm gen do mức enzyme có thể bình thường. Xét nghiệm gen nhằm phân tích đột biến gen GLA để xác nhận, đồng thời sinh thiết để ghi nhận tích tụ Gb3 trong mô (thận, da). Siêu âm tim cho thấy phì đại thất trái.

Nếu không được điều trị, bệnh Fabry có tiên lượng xấu, đặc biệt với những tổn thương trên thận, tim và thần kinh. Liệu pháp thay thế enzyme (ERT) và các phương pháp điều trị khác giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Bệnh nhân được truyền enzyme α-Gal A tái tổ hợp và áp dụng liệu pháp ức chế chất nền (ức chế migalastat).

Tổn thương tim mạch trong bệnh Anderson-Fabry

Danny (trái) và Dean (phải) sinh đôi sống tại Mỹ được phát hiện bệnh Fabry lúc vài tháng tuổi. Sau đó hai bé được truyền Fabrazyme, một loại thuốc nhằm làm giảm triệu chứng và chậm tiến trình bệnh Fabry. Ảnh: CHOP

Tổn thương tim mạch là một trong những biểu hiện chính và nghiêm trọng của bệnh Anderson-Fabry nên còn gọi là bệnh cơ tim Fabry.

Những tổn thương này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng của bệnh nhân. Tổn thương xảy ra do tích tụ Gb3 hoặc GL-3 trong các tế bào nội mô mạch máu, cơ tim và hệ dẫn truyền của tim, dẫn đến một loạt các biến chứng tim mạch.

Sinh lý bệnh trong bệnh AndersonFabry là sự tích tụ Gb3 trong cơ tim (Gb3 tích tụ trong các tế bào cơ tim làm tăng độ dày thành cơ tim, đặc biệt là ở thất trái. Sự tích tụ này cũng gây rối loạn chức năng tế bào và tăng độ xơ hóa của cơ tim, dẫn đến suy tim). Tổn thương nội mạc mạch máu do tích tụ Gb3 trong nội mạc mạch máu làm giảm tính đàn hồi và gây ra viêm mạn tính, dẫn đến rối loạn chức năng nội mô, điều này có thể góp phần vào sự phát triển của xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch vành.

Tác động đến hệ dẫn truyền do Gb3 tích tụ trong hệ dẫn truyền của tim gây ra các rối loạn nhịp như block nhĩ-thất và rối loạn dẫn truyền trong thất. Các biểu hiện lâm sàng chính của bệnh gồm: Phì đại cơ tim (là biểu hiện tim mạch thường gặp nhất); phì đại thất trái trong bệnh Fabry thường đồng nhất và có thể nhầm lẫn với bệnh cơ tim phì đại (HCM) nếu không chẩn đoán đúng; suy tim tâm trương phổ biến hơn (do giảm độ giãn nở của cơ tim), trong khi suy tim tâm thu thường xuất hiện trong giai đoạn muộn; rối loạn nhịp tim gồm rung nhĩ (do giãn nhĩ và áp lực tăng ở tâm nhĩ trái), rối loạn dẫn truyền (block nhánh, block nhĩ-thất), loạn nhịp thất (tăng nguy cơ đột tử tim); bệnh lý van tim với dày và hở nhẹ van hai lá hoặc van động mạch chủ do tích tụ Gb3 trong mô van; bệnh lý mạch máu với thiếu máu cơ tim (do rối loạn chức năng nội mô hoặc mạch vành nhỏ) và đột quỵ (có thể xảy ra do bệnh lý mạch máu nhỏ hoặc rung nhĩ dẫn đến huyết khối).

Để chẩn đoán những tổn thương tim mạch trong bệnh AndersonFabry, bác sĩ dựa vào siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim), điện tâm đồ, xét nghiệm BNP hoặc NT-proBNP tăng cao gợi ý suy tim và định lượng enzyme α-Gal A (ở nam giới) hoặc xét nghiệm gen GLA (ở nữ giới).

 

Theo TSK số 689 

Ngày đăng: 19/12/2024
 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Phòng tránh cơn gout cấp trong lúc du lịch

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Mùa Xuân mọi người thường du lịch cùng người thân. Nhưng nếu là người có sẵn bệnh gout bạn nên lưu ý những điều sau để có thể tận hưởng một kỳ du lịch vui vẻ mà không bị hành hạ bởi những cơn gout cấp tính.

sile

7 tiến bộ lớn trong nghiên cứu bệnh tim mạch năm 2024

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Ngày nay bệnh tim mạch trở nên phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Kết thúc năm 2024, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) đã đánh giá những nghiên cứu sau đây là quan trọng vì chúng mở ra cách tiếp cận mới trong điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch.

sile

Tổng hợp mục lục Tạp chí Thuốc & Sức Khỏe năm 2024

10/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Trong năm 2024, Tạp chí Thuốc & Sức khỏe đã nỗ lực mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết thiết thực và hấp dẫn. Chúng tôi đã tổng hợp lại toàn bộ mục lục các số báo trong năm qua để bạn đọc dễ dàng tra cứu và theo dõi.

sile

Bệnh cơ tim Anderson - Fabry

19/12/2024 00:00:00 GMT+0700

Y học chia bệnh lý cơ tim thành hai nhóm, nhóm bệnh mạch vành và nhóm bệnh nguyên phát. Nhóm bệnh sau có 3 thể bệnh gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nỡ và bệnh cơ tim hạn chế.

sile

Phát hiện mới: Nguy cơ tim mạch sau Covid- 19 kéo dài nhiều năm

19/12/2024 00:00:00 GMT+0700

Ảnh hưởng của Covid-19 lên sức khỏe tim mạch không chỉ trong giai đoạn cấp tính mà còn kéo dài nhiều năm sau khỏi bệnh.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}