Viêm tiểu phế quản khởi phát sau bệnh cảm lạnh 1 – 3 ngày và nếu trẻ không nhập viện, bệnh có thể kéo dài đến 28 ngày mới hồi phục. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ hô hấp, điều trị triệu chứng và phát hiện triệu chứng nặng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản là do virus
– RSV, virus hợp bào hô hấp, là tác nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản, gây ra đợt bùng phát dịch vào cuối Thu và mùa Đông hoặc vào mùa mưa.
– HMV, Human metapneu-movirus, gây ra đợt dịch viêm tiểu phế quản, viêm phổi vào tháng 3, tháng 4.
– Ngoài ra còn một số virus như adenovirus, virus á cúm, virus cúm cũng gây ra bệnh cảnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em.
Triệu chứng viêm tiểu phế quản khởi phát sau triệu chứng bệnh cảm lạnh và diễn tiến kéo dài
Ban đầu trẻ sẽ biểu hiện triệu chứng cảm lạnh: sốt nhẹ, hắt hơi, chảy mũi nước và ho khan hoặc đàm. Sau 1 – 3 ngày, virus lan xuống hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản. Trẻ diễn tiến nặng trong 1 tuần đầu: ho đàm, khò khè, nghẹt mũi. Trẻ giảm bú, khó ngủ do nghẹt mũi, ứ đọng đàm nhớt; hậu quả làm cho trẻ sụt cân, mất nước. Trẻ sinh non có thể ngưng thở. Nếu nặng, trẻ thở nhanh, lõm ngực và tím tái do suy hô hấp. Theo nghiên cứu cộng đồng, diễn tiến viêm tiểu phế quản 50% trẻ sẽ bớt ho trong vòng 2 tuần, 90% trong 3 tuần.
Viêm tiểu phế quản mắc phải trên những đối tượng sau đây dễ gây ra bệnh cảnh nặng, phải được theo dõi sát tại phòng khám.
– Trẻ sinh non dưới 36 tuần, nhẹ cân.
– Trẻ nhỏ dưới 12 tuần tuổi.
– Trẻ mắc bệnh mạn tính, bất thường đường thở, suy giảm miễn dịch.
Điều trị viêm tiểu phế quản
Điều trị viêm tiểu phế quản là điều trị nâng đỡ, phát hiện triệu chứng nặng ở trẻ để nhập viện kịp thời.
Trẻ mắc viêm tiểu phế quản nặng biểu hiện sau cần nhập viện:
– Trẻ thở nhanh, thở rên, thở lõm ngực, ngưng thở.
– Trẻ mệt mỏi, lừ đừ, bỏ bú.
– Trẻ tím tái do suy hô hấp.
Trẻ mắc viêm tiểu phế quản không nặng có thể theo dõi và điều trị tại nhà.
– Hút và rửa mũi để giảm bớt tình trạng nghẹt mũi do tắc đàm nhớt.
– Trẻ viêm tiểu phế quản mất nước do bú kém, sốt và thở nhanh. Theo dõi kỹ lượng sữa bú trong ngày, tần suất thay tã. Nếu trẻ bú ít hoặc tiểu ít cần đi khám ngay.
– Phun khí dung thường không hiệu quả trong bệnh viêm tiểu phế quản, trừ một số trường hợp đặc biệt do bác sĩ nhi khoa chỉ định.
Phòng bệnh
– Hiện tại chưa có vắc xin ngừa RSV là tác nhân gây viêm tiểu phế quản hàng đầu.
– Trẻ trên 6 tháng nên chích ngừa cúm mỗi năm.
– Vệ sinh tay sạch sẽ bằng cồn, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và người mắc hô hấp.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}