Bệnh viêm da cơ biểu hiện như thế nào?
Biểu hiện ở cơ: hay gặp nhất là yếu cơ, cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất là cơ gần thân mình (gốc chi: cơ vai, cánh tay, chậu, đùi). Yếu cơ có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột, điều này phụ thuộc vào mức độ tổn thương gây mất sức cơ và sự teo cơ. Người bệnh cảm giác mỏi cơ khi đi lại, lên xuống cầu thang, đứng dậy hoặc khi phải nâng vai, có thể khó nuốt và khó nâng đầu khỏi gối. Thường hay gặp ở vùng gân cơ.
Tổn thương ở da: thường được bệnh nhân nhận biết sớm hơn dù triệu chứng về cơ có trước. Xuất hiện ban đỏ ở vùng da hở, các ban này gây ngứa làm khó chịu. Điển hình là ban tím sẫm quanh hốc mắt với phù nề. Dấu hiệu Gottron: những biến đổi màu có vảy (đỏ tím) ở khớp đốt ngón tay, đầu gối, khuỷu. Cũng có thể có những hồng ban ở mặt, cổ, ngực trên. Những khối cứng, chắc ở vùng mỡ dưới da do lắng đọng calci (thường gặp ở trẻ em), đôi khi các hạt này vỡ ra trên bề mặt da gây ra tình trạng nhiễm trùng thứ phát.
Ngón tay có ban dạng chấm xuất huyết quanh móng, da dày do tăng sinh. Da ở bàn tay thô, nứt, đặc biệt ở đầu ngón.
Tổn thương đường tiêu hóa với biểu hiện khó nuốt do tổn thương họng hầu, thực quản. Tổn thương phổi với biểu hiện viêm phổi kẽ hoặc viêm phổi, bệnh nhân thở ngắn. Viêm phổi là biến chứng nặng của bệnh, là nguyên nhân gây tử vong vì suy hô hấp. Cơ tim cũng có thể bị tổn thương gây rối loạn nhịp tim, suy tim.
Toàn thân: bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém và sụt cân, có thể có sốt nhẹ. Cả hai bệnh viêm đa cơ và viêm da cơ đều thường đi cùng với nhiều bệnh ung thư khác như lymphoma, ung thư vú, phổi, buồng trứng, đại tràng. Nhiều báo cáo cho thấy những người bị mắc bệnh này sẽ tăng nguy cơ bị ung thư.
Để chẩn đoán bệnh ngoài việc dựa vào triệu chứng, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu các men do cơ tổn thương phóng thích: creatinin phosphokinase, aldolase, SGOT, SGPT, LDH. Làm điện cơ đồ và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh để phân biệt với các bệnh thần kinh cơ khác. Có thể phải chụp cộng hưởng từ nhân xác định vùng cơ viêm cũng như làm sinh thiết cơ.
Chữa trị khó khăn do chưa định được nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn được các nhà khoa học nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra một số yếu tố liên quan như: di truyền (do gen nhạy cảm ở một số bệnh nhân), bằng chứng gián tiếp qua việc nhiễm virus (các nhà khoa học Thụy Điển phát hiện tế bào T của hệ miễn dịch chống lại cytomegalovirus và cả kháng thể kháng virus này), bệnh loạn dưỡng cơ, ngộ độc thuốc (cocain, steroid, colchicin, hydroxychloroquin, statin, rượu…), rối loạn chuyển hóa (bất thường tuyến giáp), bệnh nhiễm trùng (cúm, AIDS, streptococcus, Lyme, sán heo, sán lá schistosoma). Về mặt vi thể có sự hiện diện của tế bào viêm hệ miễn dịch (bạch cầu) ở vùng cơ bị viêm. Một số tài liệu xếp viêm đa cơ và viêm da cơ vào nhóm bệnh miễn dịch.
Do chưa xác định được nguyên nhân nên không thể dự đoán chính xác được diễn tiến của bệnh cũng như có cách điều trị hiệu quả. Mục tiêu của điều trị chỉ giới hạn trong việc giảm thiểu tổn thương da và phục hồi chức năng cơ. Bệnh nhân phải tránh tối đa để da tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời và tập phục hồi chức năng cho cơ.
Hiện nay chỉ điều trị triệu chứng viêm bằng thuốc corticoid, đây là chất do tuyến thượng thận tiết ra có thể dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Phải dùng kéo dài hàng năm tùy thuộc vào triệu chứng cũng như men cơ trong máu. Thuốc corticoid có nhiều tác dụng phụ, trong đó có thể biết trước hoặc không: thuốc kích thích ăn làm tăng cân, phù mặt, mọc lông tóc, phù chân, loét dạ dày, mụn, loãng xương, tăng huyết áp, làm xấu hơn tình trạng đái tháo đường, tăng nguy cơ nhiễm trùng,… vì thế khi điều trị phải theo dõi chặt chẽ hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Những trường hợp không đáp ứng với corticoid sẽ được xem xét dùng các thuốc ức chế miễn dịch, đây là thuốc độc tế bào có nhiều tác dụng phụ cần chỉ định và theo dõi ở bác sĩ chuyên khoa, gồm: methotrexat, azathioprin, cyclophosphamid, chlorambucil, cyclosporin …
Đối với bệnh nhân bị lắng đọng calci ở da trong viêm da cơ, đôi khi thuốc diltiazem có hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả này rất chậm phải qua nhiều năm dùng thuốc.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}