Trung khu điều hòa thân nhiệt của vùng dưới đồi (nằm trong não) cân bằng sự tạo nhiệt do hoạt động chuyển hóa ở cơ và gan với sự thải nhiệt ở da và phổi, nên dù môi trường có thay đổi, nhiệt độ cơ thể bình thường của chúng ta vẫn được duy trì ở khoảng 370C. Nhiệt độ đo ở miệng trung bình 36,80 ± 0,40C, thay đổi tùy người, tùy thời điểm trong ngày (thân nhiệt của chúng ta thấp nhất lúc sáng sớm và cao nhất vào buổi chiều tối, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm có thể 0,5 – 10C). Trẻ khóc nhiều cũng làm tăng thân nhiệt. Có sự gia tăng thân nhiệt ở người phụ nữ sau khi rụng trứng, trong kỳ kinh và 3 tháng đầu có thai. Người cao tuổi ít bị sốt và có thể sốt không cao ngay cả khi bị nhiễm trùng nặng.
Cách đo nhiệt độ thông thường
– Ở nách: lau khô vùng nách. Nếu dùng nhiệt kế thủy ngân thì trước khi đặt cần rảy mạnh nhiệt kế để mức thủy ngân xuống dưới 350C, nếu là nhiệt kế điện tử thì nhấn nút khởi động. Đặt đầu nhiệt kế vào giữa hõm nách, đọc kết quả sau 10 phút, nhiệt kế điện tử thì sẽ có tiếng báo hiệu hoàn tất.
– Ở miệng (dưới lưỡi): không ăn uống 10 phút trước khi đặt nhiệt độ. Cũng kiểm tra và khởi đọng nhiệt kế như trên, sau đó đặt đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi, không cắn, ngậm miệng lại. Đọc kết quả sau 5 phút hoặc khi có tín hiệu hoàn tất.
– Ở hậu môn: đây là nơi lấy nhiệt độ cơ thể chính xác nhất. Đầu nhiệt kế được đặt nhẹ nhàng vào hậu môn sau khi đã được bôi trơn. 3 phút sau có thể đọc kết quả.
Sốt là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, thường là triệu chứng của bệnh lý nhiễm trùng hoặc bệnh lý viêm. Hiện tượng sốt xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị kích hoạt bởi tác nhân gây sốt. Tác nhân gây sốt thường ở ngoài cơ thể như virus, vi trùng, vi nấm, thuốc, độc chất,… sau khi xâm nhập thì kích thích cơ thể sản xuất tác nhân gây sốt nội sinh. Tác nhân gây sốt sẽ làm cho vùng hạ đồi tăng điểm nhiệt của cơ thể lên hơn 370C. Để đáp ứng lại, cơ thể sẽ tăng chuyển hóa, run, co mạch… làm cho thân nhiệt tăng lên. Điều này giải thích thắc mắc của các bà mẹ: Tại sao con tôi sốt mà sờ thấy tay chân lạnh ngắt, có khi nhìn thấy da của bé nổi bông tím?
Nhiễm virus là một trong những nguyên nhân gây sốt thường gặp nhất. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh do virus có thể tự khỏi sau một thời gian.
Những bệnh nhiễm khuẩn gây sốt có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Thuốc điều trị bệnh nhiễm khuẩn phải là kháng sinh. Nhiễm khuẩn thần kinh trung ương (não và tủy sống) có thể gây sốt kèm theo những dấu hiệu đặc trưng như dấu cứng cổ, yếu liệt khu trú một vùng nào đó của cơ thể, nhức đầu, nôn ói, rối loạn tri giác…
Nếu bị sốt sau khi dùng một loại thuốc, mà không tìm ra một nguyên nhân nào khác gây sốt thì có thể nghĩ rằng sốt do thuốc, ví dụ như amphetamin, cocain, thuốc chống trầm cảm 3 vòng… Cơn sốt có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau khi dùng thuốc, có thể xuất hiện tức thời do phản ứng dị ứng với thuốc hoặc do chất bảo quản chứa trong thuốc và sẽ hết sau khi ngưng thuốc. Hội chứng phản ứng thuốc an thần ác tính là một phản ứng hiếm gặp, có thể tử vong đối với thuốc an thần đặc biệt là haloperidol và các thuốc khác.
Sốt do thuốc kháng sinh thường sau một tuần điều trị.
Sốt do thuốc tim mạch và chống tai biến có thể gặp sau vài tháng điều trị.
Hiếm khi người bệnh chỉ sốt đơn thuần mà không kèm theo một triệu chứng nào khác, điều này giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán tìm ra bệnh. “Sốt chưa rõ nguyên nhân” là thuật ngữ được dành cho những trường hợp sốt trên 38,30C trong 3 tuần, mà chẩn đoán vẫn chưa rõ sau khi đã nghiên cứu tìm bệnh trong một tuần hay lâu hơn.
Sốt trên 41,50C là sốt cao. Sốt cao bất thường xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, nhưng thường thấy khi bệnh nhân bị xuất huyết ở hệ thần kinh trung ương.
Sốt có tác dụng trên các mầm bệnh, kích thích các phản ứng tự vệ của cơ thể, tủy xương phóng thích ra các bạch cầu đa nhân trung tính, gan gia tăng tổng hợp RNA. Sốt có tác dụng gián tiếp qua trung gian lysosomes. Người ta đưa ra giả thiết rằng sốt tạo điều kiện cho virus tiêu diệt lysosomes gây chết tế bào và tế bào chết kéo theo sự chết của virus. Sốt cũng có tác dụng gián tiếp qua trung gian interferon, đây là những protein do nhiều tế bào sản sinh ra khi bị virus xâm nhập, interferon ức chế không đặc hiệu sự sinh trưởng của virus.
Khi sờ thấy trẻ nóng hơn bình thường, ta cần chú ý thêm những biểu hiện hành vi bất thường kèm theo của trẻ, hơn là chỉ biết trẻ sốt bao nhiêu độ. Sốt không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tình trạng nặng nhẹ của bệnh, sốt có thể làm cho trẻ bứt rứt, khó chịu, quấy khóc.
Khi trẻ sốt nên cho mặc đồ vải bông, dễ rút mồ hôi. Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, không đặt trước quạt máy hoặc nơi máy lạnh. Nếu trẻ sốt cao thì lau mát bằng nước ấm, bắt đầu từ mặt, rồi lau toàn thân, lau nách, lau bẹn. Lau vài lần, khăn nóng lên thì xả nước để làm mát rồi lau tiếp. Không để trẻ lạnh run vì điều này có thể làm nhiệt độ tăng hơn. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng như cháo, súp và uống nhiều nước.
Thuốc hạ sốt dùng paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng, uống hoặc dùng viên nhét hậu môn mỗi 4 – 6 giờ.
Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi:
– Sốt trên 2 ngày.
– Sốt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
– Sốt kèm nổi ban.
– Sốt cao co giật. Trẻ đã một lần sốt cao co giật thì những lần sau trẻ rất dễ bị co giật nữa dù sốt chưa cao.
– Sốt kèm theo những triệu chứng sau: dễ kích thích, quấy khóc, dễ giật mình, gồng cứng cổ, thở khò khè hoặc thở nhanh, li bì, lơ mơ hoặc hôn mê, tiêu chảy hoặc nôn.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}