Bình thường, khi lượng đường trong máu tăng sẽ kích thích tuyến tụy tiết ra insulin giúp tăng vận chuyển glucose vào trong tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động, đồng thời dự trữ glucose dưới dạng glycogen và acid béo tại gan. Khi glucose trong máu giảm, glycogen lại chuyển thành glucose được đưa trở lại máu để giữ cho lượng đường huyết không đổi.
Dựa vào tính chất bệnh, đái tháo đường được chia làm 2 loại:
– Đái tháo đường týp 1: phụ thuộc vào insulin. Thường xuất hiện ở người trẻ không bị béo phì, lượng insulin trong huyết tương rất thấp hoặc không có, không kích thích được tuyến tụy tiết insulin nội sinh, có sự hiện diện của những kháng thể lưu hành “kháng tiểu đảo Langerhans”, có yếu tố gia đình liên quan đến sự kết hợp với một số kháng nguyên HLA, việc điều trị nhất thiết phải có insulin ngoại sinh.
– Đái tháo đường týp 2: không phụ thuộc insulin. Trước đây thường gặp ở người trưởng thành sau 30 tuổi, nhưng hiện nay đã thấy xuất hiện ở người trẻ, thậm chí ở trẻ em béo phì. Người bệnh có hàm lượng insulin trong huyết tương giảm, không đủ để đáp ứng với nhu cầu gia tăng do giảm độ nhạy của các mô đối với tác động của insulin, không có các kháng thể kháng tiểu đảo Langerhans. Ở những bệnh nhân này, trong điều trị cần thiết thực hiện chế độ ăn kiêng, tránh dư thừa năng lượng đưa vào cơ thể và giảm béo phì, tuy nhiên khó thực hiện vì bệnh nhân luôn có cảm giác đói bất thường.
Về lâu dài bệnh sẽ gây những tổn thương mao mạch (đặc biệt là ở thận và võng mạc), những tổn thương dây thần kinh ngoại biên và chứng xơ vữa động mạch sớm. Những biến chứng của bệnh đái tháo đường làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân, thậm chí có thể tử vong.
Trên toàn cầu, bệnh đái tháo đường đang gia tăng cùng với những biến chứng trầm trọng và tử vong đã đưa y học đến những phương thức mới trong điều trị bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là sự thất bại của những biện pháp điều trị hiện tại: dù có nhiều thuốc uống điều trị hạ đường huyết mới trong vòng 15 năm qua, nhưng phần lớn bệnh nhân đái tháo đường vẫn bị biến chứng trầm trọng. Việc sử dụng insulin ngoại sinh qua đường tiêm (chích) có thể giúp kiểm soát đường huyết hợp lý, nhưng cần các phương thức chỉnh liều phức tạp và gây tăng nguy cơ hạ đường huyết. Những phương thức này đều không thể điều trị khỏi bệnh. Theo GS. K.O. Lee – Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, trong vòng mười năm trở lại đây, có hai phương cách phẫu thuật đã thu hút nhiều sự quan tâm và hy vọng, đó là phẫu thuật ghép tụy và phẫu thuật dạ dày.
Phương pháp ghép tụy là hy vọng đầu tiên. Kết quả sau 5 năm: đa số bệnh nhân cần dùng insulin trở lại, cho thấy tế bào tiểu đảo Langerhans được ghép đã bị mất chức năng nội tiết insulin, cho dù có dùng thuốc ức chế miễn dịch, và thường là phải ghép một lượng lớn tế bào tiểu đảo (phải cần từ 2 người cho trở lên). Như vậy, dù trường hợp nào cũng luôn luôn có sự thiếu hụt người cho tế bào, nhất là người cho phải tương hợp với người nhận. Một số tiếp cận gần đây đã cố gắng tìm các tế bào tiểu đảo từ các nguồn phong phú hơn, bao gồm các tế bào gốc từ những nguồn khác nhau và các tế bào tiểu đảo của lợn sơ sinh. Mặc dù một số biện pháp này đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Một phương pháp khác điều trị bệnh đái tháo đường xuất phát từ thành công của phẫu thuật thắt dạ dày ở những bệnh nhân có chỉ số thân khối (BMI) rất cao, trên 40. Nhận thấy có sự giảm đường huyết đáng kể trước khi có giảm cân đáng kể ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2, từ đó các chuyên gia đã thực hiện phẫu thuật thắt dạ dày ở những bệnh nhân đái tháo đường ít béo phì hơn, có một số thành công nhất định. Các biến chứng của phẫu thuật chưa được đánh giá đầy đủ và có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
Tuy nhiên, phẫu thuật dạ dày có thể là phương pháp điều trị khỏi ở những bệnh nhân đái tháo đường liên quan đến béo phì.
GS K.O. Lee cho biết: phải đến 10 năm nữa mới có thể áp dụng các phương pháp trên.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}