Theo thống kê: tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiễm trùng tiết niệu cao gấp 5 lần so với nam giới do niệu đạo phụ nữ ngắn hơn của nam giới và nằm ở vị trí gần hậu môn, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và di chuyển sâu vào đường tiết niệu hơn.
Những người mắc bệnh đái tháo đường (cả týp 1 và týp 2) thường dễ bị UTIs và các triệu chứng bệnh cũng thường nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân có thể là do lượng đường quá cao trong máu làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch.
Theo TS Jason Ng., thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ): “Nồng độ đường trong máu cao hơn làm suy giảm một loạt các cơ chế phòng vệ mà mọi người sử dụng để bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường tiểu”.
Mới đây, một nghiên cứu từ các nhà khoa học tại Viện Karolinska của Thụy Điển đã cho thấy lượng glucose cao trong bệnh đái tháo đường làm giảm mức độ của một trong những chất kháng sinh tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là chất peptid kháng khuẩn psoriasin, một rào cản quan trọng có tác dụng chống lại nhiễm trùng tiết niệu.
Estrogen và UTIs
Một trong những tác giả của nghiên cứu, GS Brauner cho thấy hormon estrogen có thể giúp khôi phục mức psoriasin và chức năng bảo vệ của các tế bào bàng quang đề kháng với nhiễm trùng. Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với những phát hiện trước đó về phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc UTIs cao hơn vì có lượng estrogen thấp.
Nhiều khảo sát cũng đã chứng minh: Sự tái phát của UTIs đã giảm đáng kể ở phụ nữ sau khi sử dụng các loại kem bôi âm đạo chứa estrogen và estrogen cũng có thể giúp ngăn ngừa UTIs.
Estrogen được dùng tại chỗ (trong âm đạo) là một phương pháp điều trị phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, và rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn lưu ý: không nên dùng estrogen bằng đường uống, do có thể có các tác dụng phụ và vì estrogen qua đường uống không có tác dụng đã được chứng minh trong điều trị UTIs. Các chuyên gia cũng không khuyến khích nam giới điều trị bằng estrogen.
Theo GS Brauner: “Bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như các biến chứng khác. Và cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở bệnh nhân đái tháo đường là thực hành thói quen vệ sinh tốt và cải thiện việc kiểm soát lượng đường càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, theo các nhà chuyên môn: Một số biện pháp sau có thể giúp mọi người phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu:
● Uống đủ nước để giảm nồng độ vi khuẩn trong nước tiểu.
● Tránh táo bón bằng cách ăn đủ lượng chất xơ, trái cây và nước, vì những bệnh nhân bị táo bón sẽ dễ lây lan vi khuẩn từ ruột già và trực tràng vào bàng quang, gây bệnh UTIs.
● Điều quan trọng là phụ nữ cần phải giữ vùng kín cho sạch sẽ.
● Nên đi tiểu và làm vệ sinh ngay sau khi sinh hoạt tình dục.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}