Nguyên nhân
Do rối loạn chuyển hóa purin (hiện vẫn chưa được chứng minh cụ thể), dẫn đến tăng nồng độ acid uric trong máu.
Acid uric là sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình chuyển hóa của purin, một chất có trong thức ăn hàng ngày của con người như: gan, thận, não, thịt, một số loài cá… Thông thường, lượng acid uric tạo ra được bài tiết qua thận, nếu nồng độ acid uric quá cao hoặc có sự giảm thải qua thận sẽ dẫn đến tăng acid uric máu, lâu dần lượng acid uric dư thừa sẽ tạo thành các tinh thể lắng đọng ở khớp và các bao hoạt dịch gây viêm khớp, gây đau…
Không phải cứ nồng độ acid uric trong máu cao là gây bệnh gout, đôi khi vẫn có tình trạng tăng acid uric máu đơn thuần mà chưa gây bất kỳ triệu chứng hay tổn thương bộ phận nào của cơ thể.
Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh gout
– Yếu tố di truyền: nhiều người bệnh gout có tiền căn gia đình mắc bệnh gout, tỉ lệ này thay đổi từ 20 – 80%.
– Giới tính và tuổi: bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung bình từ 30 – 50 tuổi.
– Chế độ ăn uống: là yếu tố cần lưu ý bởi vì ngày nay bệnh này có xu hướng gia tăng trong cuộc sống xã hội hiện đại: hạn chế vận động, béo phì, uống nhiều bia rượu, đặc biệt là bia, ăn nhiều thức ăn chứa hàm lượng purin cao (gan, thận, não động vật, tôm, cá…).
– Một số bệnh lý có thể gây tăng acid uric trong máu và bệnh gout như: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, suy thận, nhược giáp…
Một số thuốc làm tăng nguy cơ tăng acid uric và bệnh gout như: một số thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa salicylat như aspirin, thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin), thuốc điều trị bệnh Parkinson (levodopa)…
Biểu hiện của bệnh
Các triệu chứng của gout xảy ra đột ngột và thường vào ban đêm, bao gồm: đau khớp dữ dội, thường gặp ở khớp ngón chân cái với triệu chứng: sưng nóng, đỏ, đau; nhưng một số khớp lớn khác cũng hay gặp như: khớp bàn chân, cổ chân, cổ tay, khớp gối…
Giai đoạn đầu, những đợt cấp kéo dài từ 3 – 10 ngày rồi ngưng, các khớp trở lại bình thường.
Cơn cấp tính thường xuất hiện sau một bữa nhậu, bữa ăn thịnh soạn hoặc đang mắc một số bệnh lý khác…
Bệnh gout được chẩn đoán như thế nào?
Có thể nói bệnh gout không dễ chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng mơ hồ, tình trạng viêm khớp đôi khi nhầm lẫn với các tình trạng viêm khớp bệnh lý khác. Mặc dù người bệnh gout có tình trạng tăng acid uric máu, nhưng không phải tăng acid uric máu là bệnh gout, đôi khi đó chỉ là tăng acid uric máu đơn thuần.
Có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, có giá trị nhất vẫn là phát hiện lắng đọng tinh thể acid uric trong xét nghiệm chọc dịch khớp, soi dưới kính hiển vi, những tinh thể này có hình dạng như cây kim, óng ánh dưới kính hiển vi có ánh sáng tia cực tím.
Điều trị
Mục đích điều trị là cắt cơn đau trong đợt cấp, hạn chế tối đa các đợt cấp xuất hiện trong tương lai, tránh hình thành các hạt tophi cũng như sỏi thận, về lâu dài không để các biến chứng tàn phá khớp.
Điều trị phải phối hợp thuốc kết hợp với thay đổi sinh hoạt trong cuộc sống như chế độ ăn uống, vận động…
Thuốc thường dùng: các loại giảm đau như kháng viêm nonsteroid (NSAID), hoặc corticoid (thường dùng chích vào khớp hoặc uống) hoặc colchicin.
Giảm lượng acid uric bằng probenecid hay allopurinol.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải có chế độ ăn uống thích hợp, lối sống lành mạnh:
° Cần tránh một số thức ăn chứa nhiều purin như: phủ tạng động vật, thịt, nước xốt, một số loại cá (cá trích, cá đối, cá thu…), tránh hột vịt, gà lộn, hạn chế đồ biển (tôm cua, ghẹ, sò điệp…), một số loại rau quả nên hạn chế (măng tây, một số loại đậu…);
° Không dùng nhiều cà phê, trà, sô-cô-la, hạn chế bia rượu.
° Nên vận động tránh béo phì, tránh stress, tránh gắng sức quá mức.
° Uống nhiều nước, nước khoáng.
° Chế độ ăn cần cung cấp đủ carbonhydrat (tinh bột, chất xơ) có trong trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc, sữa… Lượng carbonhydrat giúp đốt cháy lượng mỡ trong cơ thể, hạn chế tăng sản phẩm keton là những chất sẽ làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
Tóm lại, bệnh gout ngày nay không chỉ ở người giàu mà người nghèo cũng bệnh. Lối sống xã hội hiện đại có nhiều yếu tố nguy cơ như bia, rượu, stress, béo phì, lười vận động, ăn uống quá độ… điều đó một phần lý giải vì sao bệnh gout ngày có chiều hướng tăng lên.
Với những phương tiện hiện đại, bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp hạn chế các biến chứng xảy ra như sỏi thận, tàn phá khớp…
Kết quả điều trị phụ thuộc vào kinh nghiệm người thầy thuốc, phát hiện bệnh sớm và điều hết sức quan trọng là sự tuân thủ theo chế độ điều trị của người bệnh (chế độ dùng thuốc, ăn uống, giảm cân, tránh căng thẳng…).
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}