Kết quả nghiên cứu và giám sát dinh dưỡng trong những thập kỷ qua cho thấy tình trạng dinh dưỡng của người dân đã được cải thiện đáng kể. Suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và thể nhẹ cân đã giảm nhanh và giảm một cách bền vững. Đến cuối năm 2008, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm xuống dưới 20%, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu của chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2001 – 2010. Tuy nhiên suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi, ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam trong tương lai. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của cộng đồng, đặc biệt là của bà mẹ và trẻ em vẫn còn ở mức cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi; thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu Iốt vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, nhất là các vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Mặt khác, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn, điều này dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong.
Các nghiên cứu về nhân trắc thể lực của người Việt Nam trong thế kỷ XX cho thấy trong gần 50 năm (1938 – 1985) không thấy các biểu hiện gia tăng về tầm vóc, thể lực của người Việt Nam trưởng thành (160cm ở nam và 150cm ở nữ). Gần đây, một số công trình phân tích khuynh hướng tăng trưởng ở người Việt Nam cho thấy có sự gia tăng từ sau thời kỳ đổi mới: bình quân sau 10 năm chiều cao người trưởng thành tăng khoảng 1 – 1,5cm..
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}