– Thưa bác sĩ, tôi bị đau lưng.
– Há mồm ra để cho tôi khám!
Mới nghe qua thấy “tréo cẳng ngỗng”, tưởng là trò đùa. Nhưng thực ra là một sự việc rất nghiêm túc.
Các bác sĩ răng hàm mặt cũng như các chuyên gia về xương đều đã thừa nhận: vấn đề của răng ở phía trên nhưng lại tác động đến phần dưới của cơ thể. Xương hàm dưới chỉ cần xê lệch một phần trăm milimét cũng có thể làm thay đổi tư thế của chúng ta, có thể gây ra cơn đau từ đầu đến chân, thông qua xương sống lưng. Theo TS. Jean-Marie Landouzy, chuyên gia về xương và tác giả cuốn sách Mal de dos, mal de dents, một sự rối loạn của khớp cắn răng hoặc sai khớp cắn răng có thể gây ra đau lưng trong 35% trường hợp.
Khớp thái dương - hàm dưới, có chức năng giữ xương hàm đúng vị trí và giúp cho xương hàm cử động để nói, nhai, uống, cười, ngáp… Một sự mất cân đối của xương hàm có thể gây ra lệch lạc trong sự co thắt cơ nhai và cơ cổ, làm thay đổi vị thế của đầu. Từ đó, có thể kéo theo một chuỗi bù trừ về cơ xương ở vị trí vai, lưng cũng như ở 2 chi dưới. Để chứng minh điều đó, bạn chỉ cần đặt giữa các xương hàm một tờ giấy gập đôi. Tức thì điều này sẽ tạo ra một sự lệch hướng của xương hàm phía bên kia và sẽ nâng xương bả vai cũng như xương chậu ở bên này lên cao hơn. Ngược lại, chỉ cần “làm ngắn” lại một cách nhân tạo cẳng chân ở một bên bằng cách chêm một miếng lót gót chân thì có thể tạo ra một sự lệch hướng nhẹ của xương hàm. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Đại học Freiburg, CHLB Đức, thực hiện 130 công trình nghiên cứu đã cho thấy tác động của khớp cắn răng trên sự cân bằng của cơ thể.
Nếu trong một thời gian dài, cơ thể không thể chỉnh sửa được sự sai lệch vị thế này thì cơn đau sẽ xảy ra. Từ vị thế bị sai lệch này, dây thần kinh bị kích thích rồi cơ, khớp và mạch máu bị chèn ép gây ra chứng nhức nửa đầu, chóng mặt, ù tai, đau cổ, đau lưng, đau dây chằng. Mỗi người có một ngưỡng thích ứng riêng biệt. Ngưỡng này thay đổi tùy theo tuổi, tình trạng sức khỏe hoặc tính nhạy cảm của mỗi người. Chẳng hạn như một số người có vấn đề về cắn khớp răng nhưng hoàn toàn không hề đau dù ở hàm răng hay bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, một ngày nào đó, họ có một sự cố gì đó gây sốc tâm lý. Trong giai đoạn bị stress đó, họ sẽ bị nghiến chặt hàm. Áp lực sẽ gia tăng trên mỗi cái răng. Thông thường, răng hàm trên và hàm dưới của chúng ta chỉ tiếp xúc với nhau trong khoảng từ 30 đến 40 phút mỗi ngày, trong khi người bị chứng nghiến răng do stress thì mỗi cái răng phải chịu áp suất từ 80 đến 120kg/cm2 tức là tương đương với trọng lượng cơ thể của người lớn trên một cái răng! Sự co thắt này lặp đi lặp lại khiến cho cơ và khớp hàm bị mỏi mệt. Nếu người này trước đây bị chứng lệch khớp cắn thì lúc này cơn đau sẽ bộc phát.
Theo Viện quốc gia về cắn khớp học của Pháp thì tỉ lệ có biểu hiện triệu chứng liên quan đến sai khớp cắn vào khoảng 30 – 40%. Nguyên nhân thường gặp nhất là do răng giả cắm lệch, cầu nối răng không thích hợp, sún răng… Bản chất của cắn khớp đã được xác định là phần lớn do yếu tố di truyền và sự phát triển tốt của cung hàm răng trong thời thơ ấu. Những thói quen xấu như mút ngón tay cái hay ưa thở bằng miệng có thể ảnh hưởng đến cắn khớp. Theo Philippe Amat, chuyên gia về cắn khớp học, có thể phòng ngừa trước chứng sai khớp cắn nếu cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng. Ngược lại với núm vú của bình sữa, vú mẹ kích thích động tác bú rất có lợi cho sự phát triển của xương hàm. Nguyên nhân khác gây ra chứng sai khớp cắn: một chấn thương ở vùng chậu hoặc đẻ khó làm rung chuyển có thể đến tận xương hàm. Ngay cả kích thích tố cũng đóng vai trò chủ yếu. Theo TS. Jean-François Carlier thuộc Viện quốc gia về cắn khớp học, các bệnh nhân nữ của ông trong độ tuổi 35 – 50, thường bị đau trong lúc hành kinh và có sự gia tăng về số bệnh nhân khám bệnh vào thời kỳ mãn kinh. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về yếu tố kích thích tố (hormon).
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}