Hiểu bệnh A-Z - Nội tiết

23/02/2023 GMT+0700

Đái tháo đường týp 3 là bệnh Alzheimer?

DS. Huỳnh Văn Nhiệm

Not found!

Đái tháo đường týp 1(viết tắt theo tiếng Anh là T1DM) là một bệnh tự miễn, thường phát triển ở thanh thiếu niên dưới 30 tuổi, do tế bào beta của tụy bị phá hủy, không thể tiết ra đủ insulin để chuyển hóa đường (glucose), làm cho đường trong máu tăng cao. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường týp 1 cần phải được điều trị bằng cách bổ sung insulin từ bên ngoài vào cơ thể.

– Đái tháo đường týp 2 (T2DM) còn gọi là đái tháo đường đề kháng với insulin, là loại phổ biến nhất, chiếm 90% bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh này thường phát triển ở người lớn tuổi, là do tuyến tụy giảm sản xuất insulin cùng với hiện tượng đề kháng với insulin, khiến cho insulin không thể thực hiện tốt chức năng chuyển hóa và cân bằng nồng độ glucose trong máu, cũng làm cho nồng độ đường trong máu tăng cao.

Ngoài hai dạng bệnh trên, còn có bệnh đái tháo đường thai kỳ, chỉ phát triển ở phụ nữ mang thai, do tình trạng rối loạn nội tiết trong thai kỳ có thể dẫn đến kháng insulin.

Trong những năm gần đây, khi nghiên cứu về cơ chế phát sinh và phát triển bệnh mất trí nhớ Alzheimer, người ta thấy thường có liên hệ với sự rối loạn đường huyết, trong đó nêu bật vai trò và các tác động của insulin trên não.

Insulin do tuyến tụy sản xuất có thể đi vào não qua hàng rào máu não bởi các chất chuyển vận đặc trưng. Insulin thường tập trung vào các vùng não quan trọng như vùng dưới đồi, hồi hải mã, hạch hạnh nhân, tiểu não…

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã cho thấy insulin có vai trò đặc biệt trong não_._ Insulin đi vào hệ thần kinh trung ương có tác động đến hành vi ăn và dự trữ năng lượng của cơ thể, sự chuyển hóa glucose và chất béo trong gan và mỡ, cũng như trên các khía cạnh sinh hóa khác nhau của trí nhớ và nhận thức.

Sự đề kháng insulin làm tăng đường huyết, gây rối loạn chuyển hóa, làm tổn thương hệ mạch máu đưa chất dinh dưỡng đến nuôi não, đồng thời gây ra sự mất cân bằng hóa học trong não, làm tích tụ các chất độc hại như mảng bám beta-amyloid và các đám rối tơ thần kinh nội bào (NFTs)… gây ra bệnh Alzheimer. Mặt khác, sự đề kháng insulin làm cho lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến viêm nhiễm, cũng có thể làm hỏng các tế bào não, gây mất trí nhớ.

Từ năm 2005, một số nhà khoa học cho rằng: có thể xem bệnh Alzheimer là một dạng đặc biệt của bệnh đái tháo đường xảy ra do sự đề kháng insulin diễn ra trong não và gọi đó là bệnh đái tháo đường týp 3 (T3DM).

Trong một bài báo công bố trên tạp chí Diabetes Sciences and Technology phát hành tháng 11.2008, BS Suzanne de la Monte, chuyên khoa thần kinh tại Bệnh viện Rhode Island (Hoa Kỳ) và cộng sự đã chứng minh bệnh Alzheimer đại diện cho một dạng bệnh đái tháo đường liên quan đến não một cách chọn lọc và cũng gọi đó là bệnh đái tháo đường týp 3.

Tác giả còn cho rằng: Não tự nó cũng có thể sản xuất insulin. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy tài liệu chứng minh về cơ chế và khu vực cụ thể nào có chức năng sản xuất insulin trong não.

Mới đây, trên tạp chí Quốc tế về Khoa học Phân tử (International Journal of Molecular Sciences) phát hành hồi tháng 5.2020, TS Nguyễn Thùy Trang của Khoa Dược, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cùng các nhà khoa học từ nhiều Trường, Viện khác tại Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã công bố những nghiên cứu của họ để làm sáng tỏ thêm về bệnh T3DM và vai trò của nó trong bệnh Alzheimer. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các chiến lược điều trị liên quan đến insulin, nhằm đạt kết quả trong việc phát triển các liệu pháp làm chậm sự tiến triển, hoặc thậm chí ngăn chặn các biến chứng trong tương lai.

Các triệu chứng, biến chứng của bệnh đái tháo đường týp 3

Ngoài các triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường như tăng đường trong máu, mệt mỏi, sụt cân, ăn nhiều, mau đói, tiểu nhiều, hay khát nước, vết thương lâu lành… thì người bệnh đái tháo đường týp 3 còn có các biểu hiện của bệnh mất trí nhớ Alzheimer, gồm:

– Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, quan hệ giao tiếp hàng ngày.

– Giảm khả năng phán đoán.

– Hay nhầm lẫn.

– Không thể hình thành ký ức mới.

– Tính cách thay đổi thất thường….

Việc phân loại bệnh đái tháo đường týp 3 hiện còn nhiều tranh cãi và chưa được cộng đồng y tế chấp nhận rộng rãi như một chẩn đoán lâm sàng. Trên thực tế, một số trường hợp bệnh nhân đái tháo đường týp 2 về lâu dài cũng phát triển bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu về dịch tễ còn cho thấy riêng tình trạng kháng insulin cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và mất trí nhớ, ngay cả ở những người chưa thật sự mắc bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, nhiều người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 không biết rằng họ mắc bệnh, điều này có thể trì hoãn việc chẩn đoán và các biện pháp điều trị thích hợp. Do đó, một điều đáng lưu ý là những người mắc bệnh đái tháo đường týp 2, đặc biệt là bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, về lâu dài có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ cao hơn.

Tuy nhiên, với phát hiện mối liên hệ giữa sự đề kháng insulin dẫn đến mất trí nhớ của bệnh Alzheimer, mà hiện nay chưa có cách điều trị hiệu quả, những biện pháp phòng ngừa chủ yếu cho những trường hợp bệnh đái thái đường týp 3, nếu có, cũng tương tự như với bệnh đái tháo đường týp 2 và bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Những biện pháp đó bao gồm:

° Thay đổi lối sống: tập thể dục, thể thao vừa sức, ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, xe đạp, bơi lội, thể dục dưỡng sinh, khiêu vũ, …

° Về dinh dưỡng: hạn chế các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường, chất béo bão hòa, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… Nên ăn nhiều rau quả, uống đủ nước.

° Với những người bị thừa cân, béo phì, hãy cố gắng giảm khối lượng cơ thể một cách từ từ.

° Giữ tinh thần lạc quan, hòa ái, tránh stress, căng thẳng trong cuộc sống,

° Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.

° Nên theo dõi đường huyết và xét nghiệm định kỳ các chỉ số sinh hóa cơ bản của máu, nước tiểu. Nếu cần, đi khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

– Một dạng bệnh đái tháo đường khác, được các nhà khoa học đặt tên là bệnh đái tháo đường týp 3c (T3cDM). Đây là một bệnh lý thứ cấp, ít gặp, có thể ảnh hưởng đến chức năng ngoại tiết của tuyến tụy, do tuyến tụy bị tổn thương trong các trường hợp: viêm tụy mãn tính, bệnh xơ nang, ung thư tuyến tụy hoặc do phẫu thuật tuyến tụy,…

– Năm 2015, trên tạp chí khoa học Nature, một số các nhà khoa học từ viện Salk, Hoa Kỳ, đã công bố một nghiên cứu trên những con chuột già và gầy (không béo phì), bị một loại bệnh đái tháo đường mà nguyên nhân là do sự hoạt động quá mức của một loại tế bào của hệ thống miễn dịch.

Bệnh này có thể gặp ở người và được các nhà nghiên cứu gọi là bệnh đái tháo đường týp 4 (T4DM).

Cho đến nay, từ này cũng chưa được giới khoa học công nhận rộng rãi.

 

 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Cảnh giác với suy thận mạn

05/09/2023 04:51:00 GMT+0700

Suy thận mạn tính diễn ra theo 3 giai đoạn: giảm dự trữ thận, suy thận, tăng urê huyết. Khi dự trữ thận giảm, có thể tính được mức độ hủy hoại chức năng thận, còn sự cân bằng nội môi (homéostasis) vẫn ổn định nhờ vai trò thích ứng của hormon tăng năng tuyến cận giáp thứ phát (hyperparathyroidism) và những thay đổi về cân bằng giữa cầu thận và ống thận trong cấu trúc thận.

sile

Để hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường

20/08/2023 03:26:00 GMT+0700

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) định nghĩa người bệnh đái tháo đường là người có glucose huyết bằng hoặc trên 1,2g (7mmol) trong 1 lít huyết tương tĩnh mạch khi đói, qua hai lần xét nghiệm máu liên tiếp cách nhau vài ngày; hoặc có glucose huyết trên 2g (11mmmol) trong 1 lít huyết tương tĩnh mạch hai giờ sau khi uống 75g glucose hoặc vào bất cứ lúc nào trong ngày.

sile

Xét nghiệm HbA1C

17/05/2023 03:14:00 GMT+0700

Trong năm 2010 có 10 thành tựu y dược được ghi nhận, trong đó có việc xác định xét nghiệm HbA1C thành tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường với mức #6,5% (xét nghiệm HbA1C trước đây chỉ dùng làm chỉ số theo dõi điều trị đái tháo đường).

sile

Những chất gây ô nhiễm về mặt nội tiết ở cơ thể

17/05/2023 03:00:00 GMT+0700

Các tác nhân gây rối loạn về mặt nội tiết là những chất có ở môi trường, có tác động như những hormon trong cơ thể hoặc ức chế hoạt tính của các hormon. Do đó, chúng gây ra những hậu quả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

sile

Phòng tránh biến chứng do đái tháo đường

17/05/2023 02:40:00 GMT+0700

Theo Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế (IDF), ở các nước phát triển vẫn còn khoảng 30% người bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Còn ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta có tới 80 – 90% số người bị đái tháo đường chưa được phát hiện.

sile

Hội chứng carcinoid một bệnh lý nguy hiểm hiếm gặp

17/05/2023 02:10:00 GMT+0700

Ngày nay bộ máy tiêu hóa cũng được xem như là một cơ quan nội tiết bởi vì có nhiều tế bào thần kinh nội tiết nằm phân bố dọc theo ống tiêu hóa. Những tế bào này có thể bị ung thư hóa gây nên các loại u thần kinh - nội tiết; trong đó hay gặp nhất là u carcinoid.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}