HỎI: Tôi năm nay 70 tuổi, hàng năm cứ bị viêm họng tái phát một vài lần. Tôi ít dùng kháng sinh mà chỉ ngậm nước muối pha đậm, mỗi ngày ngậm 3 – 4 lần trong 3 – 4 ngày liên tiếp là ổn định, nhưng tôi lo ngại ảnh hưởng đến họng và sức khỏe. Vậy tôi xin hỏi ngậm nước muối như trên có được không?
Xin tòa soạn giới thiệu cho một vài bài thuốc trị viêm họng bằng cây, lá, rễ tại địa phương hoặc là Đông dược, Nam dược. Xin cảm ơn.
ĐÁP: Kính chào bác, xin phép có một số ý kiến để giải đáp thắc mắc của bác như sau:
Viêm họng mạn sẽ thường tái phát khi thay đổi thời tiết, khí hậu hoặc nhiệt độ đột ngột. Ví dụ khi trời mưa gió thất thường, lúc giao mùa, ban ngày nắng nóng nhưng đêm lại có gió lạnh, uống nước đá lạnh, tắm khuya,... Việc súc miệng bằng nước muối sinh lý có thể phòng ngừa viêm họng, hoặc thậm chí điều trị viêm họng đang phát ở giai đoạn đầu khi quá trình viêm chưa có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn nhẹ.
Các tác dụng của nước muối đối với răng miệng và hầu họng
– Ngăn vi khuẩn tấn công: khoa học đã chứng minh nước muối có tính sát khuẩn rất cao, áp dụng giải pháp súc miệng bằng nước muối vài lần trong ngày có thể giúp răng miệng và hầu họng trở nên sạch sẽ và loại bỏ các mảng bám thức ăn trên kẽ răng để ngăn ngừa sâu răng.
– Ngăn ngừa viêm họng: pha nước muối loãng súc miệng hằng ngày 3 – 4 lần sẽ giúp ngăn ngừa bệnh viêm họng hiệu quả, kể cả viêm do vi khuẩn, siêu vi hay không nhiễm khuẩn.
– Giảm bệnh nha chu hiệu quả: súc miệng bằng nước muối sau khi ngủ dậy và sau bữa ăn còn giúp bảo vệ nướu răng, tránh trình trạng đau nhức răng, chảy máu chân răng và sưng lợi.
– Chữa hôi miệng: hôi miệng chủ yếu do vi khuẩn lên men và phân hủy một ít thức ăn thừa còn sót lại trong kẽ răng lợi mà chúng ta không thể làm sạch hoàn toàn. Hoặc đôi khi có tình trạng viêm chân răng do vi khuẩn kỵ khí sinh ra mùi hôi. Tính sát khuẩn của muối sẽ làm mất mùi hôi khó chịu trong khoang miệng một cách nhanh chóng, mang lại hơi thở không mùi.
Khi pha nước muối loãng để súc miệng, cần thực hiện đúng và đủ các bước sau đây:
– Bước 1 là chuẩn bị dụng cụ: rửa tay sạch, và rửa sạch cả các dụng cụ pha nước muối như muỗng, ly, bình nước bằng nước sôi để nguội.
– Bước 2 là chuẩn bị muối: có thể sử dụng muối dạng bột đã xay nhuyễn hoặc muối biển hột, không nên dùng loại muối có chứa iod.
– Bước 3 là chuẩn bị nước sôi để nguội hoặc nước lọc đóng chai, tuyệt đối không sử dụng nước máy chưa đun sôi hoặc nước chưa qua tiệt trùng.
– Bước 4 là theo công thức pha nước muối: hòa tan 9g muối vào 1 lít nước để được nước muối loãng có nồng độ khoảng 0,9%. Hoặc nếu khó cân đong 9g muối thì có thể pha theo tỷ lệ tương đối như sau: lấy lượng muối trong 1 muỗng cà phê gạt ngang (khoảng 5g) hòa tan trong 500ml nước. Sau khi hòa tan hết muối nên để lắng các bụi bẩn dưới đáy ly nước và chiết dung dịch nước muối ra một lọ khác để dùng.
– Bước 5 là bảo quản nước muối: đựng trong lọ sạch, có nắp đậy để nơi thoáng mát tránh độ ẩm cao và nắng nóng. Nên sử dụng súc miệng bằng nước muối 3 lần/ngày các buổi sáng, trưa và tối.
Dùng nước muối có nhiều lợi ích cho răng miệng và hầu họng, tuy nhiên trong quá trình sử dụng nên dùng cho đúng cách. Sau đây là một số lưu ý khi súc miệng bằng nước muối:
Không nên dùng nước muối có nồng độ cao để súc miệng vì nước muối quá mặn sẽ là dung dịch ưu trương gây tổn thương tế bào niêm mạc, lâu dài gây mất nước tế bào và khô niêm mạc của lợi miệng và hầu họng.
Khi súc miệng họng nên ngửa cổ ra sau, nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi nhẹ đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn giúp tráng đều nước quanh hầu và đẩy các cặn dơ lẫn vi khuẩn bong tróc theo luồng nước (chú ý cẩn thận không để nước đổ vào đường ăn uống hay đường thở gây sặc). Sau đó súc miệng lại vài lần nước muối và nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác như trên 3 – 4 lần với nước muối mới.
Sau khi súc miệng qua nước muối xong nên súc lại miệng bằng nước lọc để làm sạch khoang miệng lần nữa cũng như loại bỏ các mảng bám thức ăn đã bong ra.
Một số loại cây thuốc dễ tìm quanh nhà giúp điều trị hiệu quả chứng viêm họng:
– Trần bì: là vỏ quả Quýt chín phơi khô, vị đắng cay, tính ấm, giúp kiện tỳ hóa đờm nên có tác dụng chữa các chứng ho có đàm. Mỗi ngày dùng khoảng 10 – 20 gam chưng mật ong hoặc đường phèn, ngậm hoặc dùng dưới dạng hãm trà.
– Tô diệp: là lá Tía tô, vị cay tính ấm, thường dùng trị hen suyễn, chống viêm và chống dị ứng đường hô hấp. Mỗi ngày dùng khoảng 20 – 40 gam nấu nước mát uống, giã lấy nước cốt, ngậm hoặc dùng dưới dạng hãm trà.
– Tang diệp: là lá cây Dâu tằm, tính hàn, tác dụng phát tán phong nhiệt, thanh phế chỉ khái nên có tác dụng chữa cảm ho. Nấu 40 gam lá tươi với 1 lít nước sôi, uống trong ngày thay nước.
– Tang bạch bì: là vỏ trắng của thân cây Dâu tằm, vị ngọt tính hàn, chữa ho và lợi tiểu. Mỗi ngày dùng khoảng 10 – 15 gam sắc với 300ml uống.
– Húng chanh: còn gọi là Tần dày lá, vị cay tính ấm, giúp trị ho, tiêu đàm, chống viêm. Mỗi ngày dùng khoảng 20 gam lá tươi giã nát, ngậm nước cốt trực tiếp hoặc pha loãng với 200ml nước sôi để nguội, uống dần trong ngày.
– Xạ can: còn gọi là cây Rẻ quạt, vị cay đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt trừ đàm, tiêu độc nên tính sát khuẩn đường hô hấp mạnh. Lấy khoảng 5 gam lá tươi giã nát, pha nước cốt với nước ấm uống, hoặc ngâm 5 gam lá tươi với 200ml nước sôi, chờ nguội rồi uống dần trong ngày.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bác cùng quý độc giả phòng, trị hiệu quả viêm họng mạn tính và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}