Lược qua các nguyên nhân chính thường gây viêm họng, đau họng:
– Nguyên nhân do virus: chiếm tỉ lệ cao nhất, thường khởi phát bằng triệu chứng đau họng, sau đó là sốt, ho, nhức đầu, chảy mũi, đau nhức mình mẩy… Tác nhân thường gặp là: rhinovirus, adenovirus, coronavirus gây bệnh cảm lạnh thông thường, hoặc virus cúm A, virus cúm B gây bệnh cúm. Trong các trường hợp nhiễm siêu vi này kháng sinh không có tác dụng và việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này dễ gây ra đề kháng kháng sinh.
– Nguyên nhân vi khuẩn (Streptococcus – liên cầu khuẩn): chiếm tỉ lệ nhỏ hơn (khoảng 10% số trường hợp gặp ở người lớn và phần nhiều gặp ở trẻ từ 5 tới 15 tuổi). Các triệu chứng bao gồm: đau họng, viêm amidal, sờ thấy hạch ở cổ và sốt, thường không có ho và chảy mũi. Khi nghi ngờ mình thuộc trường hợp này hãy đến gặp bác sĩ để được kê kháng sinh.
– Nguyên nhân do trào ngược dạ dày: đây là một trong những nguyên nhân dễ bị bỏ qua nhất. Theo đó, dịch tiêu hóa có tính acid mạnh sẽ bị trào ngược lên thực quản gây tổn thương niêm mạc.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do dị ứng, khi bị chảy mũi và chất nhầy chảy vào cổ họng.
Điểm qua các nguyên nhân gây đau họng, ta thấy uống nước lạnh không phải là một nguyên nhân gây đau họng. Nước đá không đủ lạnh đến mức gây bỏng lạnh, tổn thương niêm mạc vùng hầu - họng - thực quản như một số thông tin lan truyền (bỏng lạnh là tình trạng mô sống ở người bị đông cứng và bị tổn thương do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp). Có chăng, nguyên nhân gây đau họng do uống nước đá là quá trình làm đá, sử dụng đá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (nguồn nước đá nhiễm khuẩn, uống chung ly, cốc) làm lây truyền virus, vi khuẩn. Một trường hợp đáng lưu ý là trong những buổi tiệc đông người, nhiều bàn được phục vụ chung một xô nước đá, người tiếp viên phục vụ “nhiệt tình” gắp cục nước đá nhỏ trong ly của bạn bỏ vào xô nước đá rồi gắp cục nước đá to hơn trong xô bỏ vào ly bạn, như vậy có bao nhiêu người uống ly riêng nhưng chung một xô nước đá? Đau họng và lây bệnh làm sao tránh khỏi?
Vậy thì chúng ta nên uống nước lạnh hay nước ấm?
Khi bị đau họng, uống nước lạnh (vừa phải), ăn đồ lạnh (ví dụ: kem) là những biện pháp hữu hiệu giúp giảm đau họng. Nhiệt độ thấp có tác dụng cục bộ lên các mô viêm, làm co mạch, giảm tưới máu giúp giảm viêm và có tác dụng ức chế cụ thể các thần kinh cảm giác đau ở họng.
Còn nước ấm thì sao? Nước ấm được xem như là phương pháp tốt. Nước ấm dễ uống hơn, thúc đẩy quá trình tiết nước bọt làm trơn họng và có tác dụng giả dược (placebo) giảm đau lớn hơn. Nước ấm và ngọt làm tiết các chất dẫn truyền thần kinh dạng opiod có tác dụng giảm đau. Một ly trà chanh mật ong nóng sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu nhất đối với cơn đau họng.
Như vậy, cả nước nóng và lạnh đều có tác dụng làm dễ chịu, giảm đau họng, tuy cơ chế tác động là khác nhau. Điều tệ nhất đối với đau họng là thiếu nước. Uống nhiều nước kể cả nóng hay lạnh, để kích thích cơ thể tiết nhiều nước bọt hơn, giúp bôi trơn và làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Phần lớn các nguyên nhân gây đau họng có thể được chữa ở nhà bằng các thuốc (không kê toa) như thuốc giảm đau, kẹo ngậm,… súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối ấm cũng góp phần làm giảm cơn đau.
Đau họng do virus không có thuốc đặc trị, tuy nhiên thuốc kháng virus đặc hiệu có thể được chỉ định trong trường hợp bị cúm. Thuốc kháng sinh được kê khi nguồn gốc của đau họng là do nhiễm vi khuẩn (kháng sinh không thể tiêu diệt virus). Nếu nguyên nhân đau họng là do trào ngược hay dị ứng, bác sĩ có thể cho toa để điều trị các tình trạng này.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}