Từ một trường hợp điển hình
Bé trai, 9 tuổi, nhà ở Bình Thuận, được người nhà đưa đến bệnh viện khám vì ngứa da nhiều chỗ trên cơ thể. Khám thấy trên da của em có nhiều sang thương da cũ và mới dạng ngoằn ngoèo ở vùng bụng, vùng đùi, vùng khoeo chân. Hỏi thêm thì được biết nhà em có nuôi nhiều chó, đặc biệt là có nhiều chó con, nhà ông bà Nội, ông bà Ngoại của em cũng có nuôi nhiều chó và em thường chơi giỡn với chúng.
Xét nghiệm máu của em có kết quả số lượng bạch cầu tăng rất cao 20.400/mm3 (bình thường: 4.500 - 13.000) trong đó bạch cầu ái toan lên đến 4.080/mm3 (20%). Kết quả huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng: dương tính với Toxocara canis.
Từ đó, nguyên nhân của bệnh ngứa và sang thương da của em được chẩn đoán xác định là: Bệnh ấu trùng giun đũa chó di chuyển ở da.
Biểu hiện của bệnh ấu trùng di chuyển ở da
Bệnh ấu trùng di chuyển ở da là bệnh ngoài da do ký sinh trùng lạc chỗ đã được biết đến từ hơn 100 năm trước, gặp nhiều ở các nước vùng nhiệt đới như vùng Tây Nam Hoa Kỳ, vùng Caribe, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi, ở những quốc gia vùng ôn đới bệnh cũng có thể gặp vào những tháng có thời tiết ấm hơn trong năm.
Giun đũa chó (Toxocara canis), giun đũa mèo (Toxocara cati) ký sinh ở chó và mèo. Khi nuôi chó, mèo thả rong, chúng phóng uế bừa bãi phân có giun và trứng giun vào môi trường làm cho môi trường bị nhiễm bẩn. Trứng giun trong đất cát ẩm ướt phát triển thành ấu trùng giun và xâm nhập vào da người. Ấu trùng giun có thể xâm nhập thông qua nang lông, vết trầy da hoặc thậm chí da còn nguyên vẹn. Tại nơi ấu trùng giun xuyên da, có thể người bệnh bị ngứa ngáy một thời gian ngắn. Sau khi xâm nhập qua da, các ấu trùng giun có thể nằm im cả tuần hoặc cả tháng, hoặc ngay lập tức bắt đầu hoạt động từ từ tạo đường hầm dạng sẩn màu hồng ửng trên da rộng khoảng 2 – 3mm, kéo dài thêm từ vài milimet đến vài centimet mỗi ngày, nếu có nhiều ấu trùng thì tổn thương biểu hiện ngoằn ngoèo quanh co. Thương tổn mới có màu đỏ hơn, thương tổn cũ ít đỏ hơn và xẹp dần, tổn thương có thể chàm hóa, đóng vảy. Cảm giác tại chỗ rất ngứa do phản ứng mẫn cảm (phản ứng viêm) của cơ thể với ấu trùng giun. Tuy nhiên, ấu trùng không thể xâm nhập sâu hơn cho nên bệnh chỉ giới hạn ở lớp da.
Các vị trí thông thường có tổn thương là bàn chân, cẳng chân và mông, nhưng có thể bất kỳ bề mặt da nào tiếp xúc với đất bị ô nhiễm đều có thể bị ảnh hưởng.
Diễn tiến và điều trị
Bệnh ấu trùng di chuyển ở da có thể tự khỏi, vì cơ thể người là ngõ cụt ký sinh của loại ấu trùng giun này, nên cuối cùng ấu trùng không thể phát triển và sẽ chết. Trong hầu hết trường hợp, các tổn thương sẽ tự khỏi trong vòng 4 – 8 tuần. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc điều trị sẽ rút ngắn được quá trình của bệnh bằng thuốc diệt giun sán như: thiabendazol, mebendazol, albendazol và ivermectin. Triệu ngứa sẽ giảm đáng kể trong vòng 24 – 48 giờ sau điều trị và tổn thương sẽ lành trong vòng 1 tuần.
Nếu có nhiễm trùng da thứ phát có thể cần điều trị kết hợp với kháng sinh.
Cách phòng ngừa bệnh
Bạn vẫn có thể nuôi chó mèo nhưng cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh để phòng bệnh bằng các biện pháp đơn giản sau:
– Trong nhà, nơi chó mèo thường lui tới, đặc biệt trên ghế, giường ngủ cần được lau dọn ít nhất mỗi tuần một lần. Thu dọn phân chó mèo, không để phóng uế bừa bãi ngoài đường và cột chặt miệng túi bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
– Sau khi chơi đùa, tắm rửa, chăm sóc cún cưng… cho dù chỉ vuốt nhẹ lông của chúng bạn cũng cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch.
– Cần thiết đưa chó mèo đến bác sĩ thú y để được chích ngừa và uống thuốc xổ giun định kỳ nhất là với chó con. Kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân không còn thấy giun. Nhiễm giun Toxocara canis trong chó con là rất phổ biến, nhiễm giun với Toxocara cati ở mèo ít phổ biến hơn. Cả hai động vật nuôi trong nhà gần người, nên được tẩy giun đều đặn. Hộp cát để mèo đi vệ sinh cần được che kín.
– Không để chó chạy vào trong khu vườn chơi trẻ con, công viên, bãi biển và không để trẻ chơi với chó lạ.
– Nhanh chóng loại bỏ các thùng rác chứa phân chó mèo. Nơi ngủ của chó cần phải cách ly với người và phải được dọn sạch, khử trùng hàng tuần.
– Kiểm soát chó chặt chẽ và buộc dây khi ra ngoài, không để chó chạy rông.
– Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ, hướng dẫn trẻ cách rửa tay và giải thích sự nguy hiểm khi ngậm tay, đưa tay lên miệng, mắt.
– Quan sát kỹ sân chơi của trẻ có đảm bảo vệ sinh chưa, trước khi cho trẻ chơi. Rửa tay sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.
– Nên đi giày dép, mang găng tay khi làm vườn, không nên để tay trần, chân trần tiếp xúc trực tiếp da với đất, cát nơi có thể có ấu trùng giun của chó, mèo.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}