Hiểu bệnh A-Z - Nhi khoa

23/02/2023 GMT+0700

Thuốc kháng sinh và sức khỏe trẻ em

DS. Huỳnh Trà Kiệu

Not found!

Các bệnh nhiễm trùng, thường biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy, phát ban (nổi mẩn trên da), quấy khóc,… khiến các bậc phụ huynh phải lo lắng tìm thuốc chữa trị cho nhanh. Và một loại thuốc thường được nghĩ đến để trị nhiễm trùng là kháng sinh (có thời còn gọi là trụ sinh).

Tuy nhiên, thuốc kháng sinh thường được ví như con dao 2 lưỡi: chỉ có tác dụng tốt khi được dùng đúng chỉ định: đúng lúc, đúng bệnh, đúng loại, đúng liều, đúng thời lượng… Nếu không, kháng sinh cũng sẽ gây nhiều tác hại khôn lường cho người dùng, nhất là với trẻ em.

Trước hết, một loại kháng sinh chỉ có tác dụng trị một số bệnh nhiễm vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh đó chứ không trị được các bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm độc khác, thường do rất nhiều tác nhân như virus, nấm mốc, ký sinh trùng, độc tố… Trong khi đó, phần lớn bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em là do virus như cảm, cúm, sốt xuất huyết, sởi, quai bị, viêm đường hô hấp trên,… thì kháng sinh không thể trị được (vì thuốc không có tác dụng trên virus). Các bệnh này cũng có thể gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh do vi khuẩn, nhưng chỉ có các bác sĩ có kinh nghiệm - hoặc có khi cần đến các xét nghiệm chuyên biệt - mới xác định được tác nhân gây bệnh và phương pháp điều trị nào có thể hiệu quả.

Đối với những bệnh nhiễm do vi khuẩn, nhiều loại kháng sinh thông dụng như penicillin, tetracyclin,... khi mới phát minh có tác dụng rất tốt trên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, nhưng đã dần dần không còn hiệu quả để trị những bệnh thường gặp. Lý do là nhiều loại vi khuẩn đã phát triển được khả năng đề kháng với các thuốc kháng sinh đó.

Các thuốc kháng sinh là những hóa chất, nếu sử dụng bừa bãi có thể gây độc cho người sử dụng, nhất là cho trẻ em và những người nhạy cảm với loại kháng sinh đó.

Ví dụ: Các kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin có tác dụng trên xương và răng, làm yếu xương, vàng răng… Các kháng sinh nhóm betalactam như penicillin, amoxicillin... có thể gây dị ứng hoặc sốc phản vệ, nguy hiểm chết người. Các kháng sinh nhóm aminoglycosid như streptomycin, kanamycin… có độc tính trên thính giác, gây điếc...

Nhiều kháng sinh có thể gây độc cho gan, thận, hệ tạo máu...

Dùng bừa bãi kháng sinh thường khiến cho nhiều loại vi khuẩn phát triển khả năng đề kháng với kháng sinh (lờn thuốc). Vi khuẩn còn có thể truyền khả năng kháng thuốc này cho các thế hệ sau hoặc cho các chủng vi khuẩn kế cận… Đây chính là nguyên nhân nhiều chủng vi khuẩn thường gặp vốn nhạy cảm với kháng sinh, dần dần trở thành các chủng vi khuẩn đa kháng (tức đã trở thành lờn thuốc với nhiều loại kháng sinh, khiến thầy thuốc đôi khi phải bó tay trước một bệnh nhiễm trùng thông thường vì “hết thuốc chữa”)!

Đặc biệt, các kháng sinh khi dùng để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, cũng có thể diệt hầu hết những vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Điều này tạo điều kiện cho một số chủng vi khuẩn có hại có khả năng kháng thuốc sẽ nhân cơ hội phát triển mạnh trong đường ruột, gây ra các tình trạng rối loạn tiêu hóa như: tiêu chảy, tiêu ra phân sống, tiêu ra máu kéo dài ở trẻ em… một tình trạng bệnh lý rất khó trị lành.

Hơn thế nữa, nhiều loại kháng sinh khi dùng bừa bãi còn có thể gây hại cho hệ vi sinh nói chung (là tập hợp gồm hàng ngàn tỷ vi sinh vật, gồm cả vi khuẩn, nấm, virus… sống cộng sinh trong cơ thể người). Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện: Hệ vi sinh có một vai trò rất quan trọng trong khả năng miễn dịch, trao đổi chất… và ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong các giai đoạn phát triển của trẻ thơ.

Mới đây, trong một nghiên cứu vừa được công bố tháng rồi trên tạp chí Y khoa Mayo Clinic Proceedings (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã theo dõi 14.572 trẻ em sinh ra ở bang Minnesota trong 8 năm, đa số đã được cho dùng ít nhất một đợt thuốc kháng sinh trong vòng 2 năm đầu đời, thường là để trị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc nhiễm trùng tai.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một loạt phân tích để đánh giá tác động của việc tiếp xúc với kháng sinh đối với nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe bất lợi. Kết quả cho thấy mối liên hệ giữa việc cho sử dụng kháng sinh sớm ở trẻ em với sự tăng nguy cơ mắc các bệnh như: hen suyễn, viêm mũi, viêm da dị ứng, dị ứng thực phẩm, bệnh Celiac, thừa cân, béo phì và cả rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ...

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nguy cơ gia tăng khi sử dụng nhiều đợt kháng sinh và khi trẻ còn nhỏ tuổi - đáng chú ý nhất là trong vòng 6 tháng đầu đời.

Như vậy, càng cần phải hết sức thận trong khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

– Không sử dụng bừa bãi kháng sinh cho trẻ.

– Trường hợp trẻ mới lên cơn sốt, thì nên cho mặc đồ thoáng mát, dùng các biện pháp hạ sốt thông thường như lau mát (dùng khăn nhúng nước ấm, vắt ráo, lau khắp người; không được lau bằng khăn lạnh hay chườm đá).

– Cho trẻ nghỉ ngơi, bú đủ, hoặc cho ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước... Nếu trẻ bị sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt thông thường như paracetamol, loại dùng cho trẻ em, với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì…

Chú ý: Các loại miếng dán hạ sốt chứa hydrogel thường chỉ tác dụng làm mát tại chỗ, không có tác dụng hạ sốt toàn thân.

– Cần chú ý theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe của trẻ: Khi trẻ có những biểu hiện bệnh nặng hơn như sốt, ho, tiêu chảy kéo dài, hoặc có dấu hiệu mệt mỏi, lờ đờ, co giật … thì nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế.

– Chỉ dùng kháng sinh theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý tăng, giảm liều, ngưng thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc... Nếu bệnh không khỏi hoặc có những phản ứng bất thường thì phải đưa trẻ đi tái khám với bác sĩ chuyên khoa.

– Không dùng lại kháng sinh của toa thuốc cũ, hoặc dùng thuốc người lớn cho trẻ em.

– Ngoài ra, trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, quan trọng nhất là vấn đề phòng bệnh: Bình thường cho trẻ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn vệ sinh hàng ngày. Khuyến khích trẻ vui chơi lành mạnh và năng vận động…

– Chú ý tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo đúng lịch cũng là một điều hết sức cần thiết đối với việc bảo vệ sức khỏe của trẻ.

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Các biểu hiện bàn chân ở trẻ nhỏ (Đau tăng  trưởng ở trẻ em)

08/11/2023 00:56:00 GMT+0700

Chưa rõ nguyên nhân của đau do tăng trưởng. Chúng thường xảy ra trong hai giai đoạn trong thời thơ ấu: ở trẻ từ 3 – 5 tuổi và sau đó ở trẻ từ 8 – 12 tuổi. Khoảng 25 – 40% trẻ em trải nghiệm với các tần suất, mức độ đau khác nhau. 

sile

Khô mắt ở trẻ em

24/10/2023 13:00:00 GMT+0700

Mặc dù khô mắt thường xảy ra ở người lớn, nhưng vẫn có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên. Khô mắt ở trẻ em là một bệnh bị bỏ quên và chưa được hiểu đầy đủ. Do trước đây còn thiếu dữ liệu dịch tễ học nên khô mắt ở trẻ em được xem là một bệnh hiếm gặp và chỉ thường gặp trong các rối loạn bẩm sinh hoặc các bệnh tự miễn và viêm nhiễm.

sile

Thường nhìn màn hình khi còn nhỏ có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành

30/08/2023 07:06:00 GMT+0700

Một nghiên cứu được thực hiện trong hơn 50 năm và được công bố trên tạp chí trực tuyến Nhi khoa mới đây cho biết: Những người nhìn màn hình nhiều khi còn nhỏ thường gặp các vấn đề về sức khỏe khi trưởng thành, chẳng hạn như huyết áp cao và béo phì. Nguồn: DS Huỳnh Văn Nhiệm (theo WebMD)

sile

Các biểu hiện bàn chân ở trẻ nhỏ (Nhóm bàn chân ngoài)

30/08/2023 06:44:00 GMT+0700

Nhóm chân xoay ngoài hoặc còn gọi là “chân vịt” ít phổ biến hơn so với ở ngón chân vẹo trong ở trẻ em. Khi trẻ bắt đầu đi lại, biểu hiện bàn chân xoay ngoài ngày càng rõ rệt.

sile

Các biểu hiện bàn chân phổ biến ở trẻ nhỏ

20/08/2023 14:18:00 GMT+0700

Ngón chân hướng vào trong hay còn gọi là “Ngón chân chim bồ câu” là một tật phổ biến khi trẻ lớn lên. Dạng ngón chân này thường là mối quan tâm của cha mẹ khiến họ phải đưa trẻ đi khám, nhưng biểu hiện này hiếm khi cần điều trị.

sile

Ăn nhiều mà vẫn suy dinh dưỡng 

16/05/2023 03:30:00 GMT+0700

Các bà mẹ đưa con đến khám dinh dưỡng thường than về vấn đề trẻ con biếng ăn. Nhưng bên cạnh nguyên nhân phổ biến này, cũng có một số thắc mắc có vẻ ngược đời khi “con ăn nhiều mà vẫn suy dinh dưỡng”. Tìm hiểu chuyện gì thật sự đã xảy ra và tư vấn cách xử trí là cả một vấn đề của chuyên gia dinh dưỡng.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}