Nắm được tâm lý đó, trên thị trường, nhất là trên các trang mạng thông tin hiện nay, nhiều loại thuốc trị cảm ho cho trẻ em, cả nội và ngoại nhập được quảng cáo rầm rộ, hấp dẫn,… khiến các bậc cha mẹ phân vân, không biết chọn lựa loại thuốc nào cho phù hợp. Trong khi đó, đã có nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc thuốc rất thương tâm xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Đặc biệt, ngày 11.10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Gambia (châu Phi) cho biết: có ít nhất 69 trẻ bị tử vong do tổn thương thận cấp tính có liên quan đến loại si-rô trị cảm ho được sản xuất tại một nhà máy ở Ấn Độ và nhập khẩu thông qua một công ty có trụ sở ở Mỹ.
Mới đây, Bộ Y tế Indonesia cho hay, kể từ tháng 1 năm nay đã ghi nhận 206 trường hợp trẻ em toàn quốc bị tổn thương thận cấp tính, trong đó có 99 trẻ tử vong có thể là do uống thuốc si-rô trị cảm ho nhập khẩu từ Ấn Độ.
Theo điều tra của các cơ quan chức năng, tất cả những trường hợp ngộ độc nêu trên đều do trẻ em uống phải loại si-rô có chứa diethylen glycol và ethylen glycol với lượng “không chấp nhận được”, và nhiễm chì nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương thận cấp.
Diethylen glycol và ethylen glycol là những hóa chất có vị ngọt và sánh như si-rô hoặc glycerol, giá rẻ, độc tính cao, chỉ được dùng làm dung môi trong công nghiệp chứ không được dùng cho thuốc và thực phẩm.
Mặc dù vẫn có những trường hợp trẻ em bị ngộ độc thuốc ho hàng loạt như trên do một số hóa chất công nghiệp bị lẫn vào trong quá trình bào chế mà không được kiểm tra phát hiện, nhưng các trường hợp này cũng hiếm khi xảy ra. Đa số những trường hợp ngộ độc thuốc cảm ho ở trẻ em là do sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ khi dùng thuốc cho trẻ. Chẳng hạn:
– Dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được các cơ quan chức năng kiểm tra cấp phép.
– Cho trẻ dùng thuốc quá liều lượng do không am tường hay nhầm lẫn.
– Dùng các loại thuốc của người lớn cho trẻ em, hoặc thuốc chứa các hoạt chất không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Phần lớn các thuốc hay dùng cho trẻ em bị cảm ho có thể chứa các hoạt chất như:
Các thuốc chống sốt
Paracetamol hoặc ibuprofen có thể dùng để hạ nhiệt trong các trường hợp trẻ sốt cao nhưng không nên lạm dụng, có thể gây ngộ độc cho trẻ.
Không cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi uống paracetamol cho đến khi trẻ được bác sĩ thăm khám.
Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ bị nôn liên tục hay bị mất nước.
Không nên dùng aspirin (acetyl salicylic acid) cho trẻ em vì nguy cơ gây Hội chứng Reye’s, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các chất ức chế phản xạ ho
Thường dùng nhất hiện nay là dextromethorphan, có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu trong não tạo ra phản xạ ho, nên có thể giúp làm dịu ho, an thần, dễ ngủ...
Ở liều cao, dextromethorpan có thể gây ức chế hô hấp, nhất là với trẻ em dưới 2 tuổi.
Mới đây, một thử nghiệm do Viện Pasteur Paris tiến hành cho thấy dextromethorphan có thể dẫn đến sự phát triển mạnh hơn của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trên tế bào của những con khỉ xanh châu Phi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể đặt vấn đề cho việc dùng thuốc ho có dextromethorphan cho trẻ em, nhất là trong lúc dịch COVID-19 vẫn còn lưu hành rộng rãi.
Các dẫn xuất từ thuốc phiện có tác dụng ức chế phản xạ ho mạnh hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn như codein, anh túc xác (vỏ quả thuốc phiện khô),… từ lâu đã bị cấm dùng cho trẻ em, nhưng vẫn có thể có trong các loại cao đơn hoàn tán trôi nổi ngoài thị trường.
Các chất kháng histamin, chống dị ứng
Gồm: pheniramin, chlor-pheniramin, promethazin (Phenergan), diphenhydramin,… Những chất này có tác dụng chống dị ứng, giảm tiết dịch và an thần, nên thường được dùng trong các thuốc trị ho do dị ứng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng các chất này cũng có thể gây những phản ứng bất lợi. Ở một số trẻ nhỏ, thuốc kháng histamin có thể gây kích động/hưng phấn thay vì an thần, gây ngủ.
Các loại tinh dầu
Tinh dầu Bạch đàn hay Khuynh diệp (eucalyptol), tinh dầu Rau tần dày lá (hay Húng chanh),… có tác dụng long đàm, sát khuẩn, giảm ho. Tuy nhiên, cũng phải hết sức thận trọng khi dùng cho trẻ em. Không dùng tinh dầu Bạc hà (hoặc menthol), cho trẻ nhỏ vì có thể gây phản ứng bất lợi như ngưng thở, suy hô hấp…
Hầu hết các chuyên gia về Nhi khoa trên thế giới thường không khuyên dùng các loại thuốc trị ho cho trẻ em dưới 4 tuổi. Đi xa hơn, Hội Nhi khoa Hoa Kỳ còn khuyến cáo không nên dùng thuốc ho cho trẻ em dưới 6 tuổi. Lý do: sử dụng những loại thuốc này ở trẻ nhỏ có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có thể đe dọa tính mạng.
Hơn nữa, xét về mặt cơ chế: ho tự nó không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng, hay đúng hơn là một phản xạ của cơ thể, để tống các vật gây chướng ngại từ trong cổ họng như vật lạ, khói, bụi, đàm, dãi, kể cả các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… ra khỏi khí phế quản, nhằm giúp làm thông thoáng đường thở, giúp cơ thể dễ chịu và mau hồi phục.
Như vậy, một số thuốc ho có tác dụng làm dịu các cơn ho, gây ức chế hay làm mất phản xạ ho thực sự là có hại cho trẻ hơn là có lợi.
Sốt cũng là một phản ứng miễn dịch giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng; vì vậy, chỉ khi trẻ bị sốt cao kéo dài, mới nên cho dùng thuốc hạ nhiệt theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Cũng cần lưu ý: một số hóa chất có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Các bà mẹ trong thời gian có con còn bú sữa mẹ, cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc trị bệnh cho mình.
Để tránh các tai nạn đáng tiếc, các bậc cha mẹ cũng cần:
– Kiểm tra các thành phần trên nhãn, ngay cả khi đã từng sử dụng sản phẩm này trước đó.
– Bảo quản thuốc đúng cách .
– Để thuốc xa tầm với của trẻ em.
Khi trẻ bị cảm ho, cần cho trẻ mặc đủ ấm, nhưng thông thoáng. Với trẻ bị sốt, có thể lau mát cho trẻ bằng khăn ẩm, dùng quạt hoặc cho trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải, nhưng không được chườm lạnh.
Cho trẻ uống đủ nước hoặc chất lỏng khác như nước trái cây, sữa... Nếu trẻ bị nghẹt mũi, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc dùng nước muối sinh lý để xịt, rửa mũi cho trẻ.
Để làm dịu ho, có thể cho trẻ uống một chút mật ong pha nước ấm. Tuy nhiên, mật ong không an toàn cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Trong những trường hợp: Trẻ dưới 4 tuổi bị sốt cao trên 38,50C, (còn với trẻ lớn hơn thì nếu sốt trên 400C), hoặc trẻ có các biểu hiện như rét run, hoặc tay chân lạnh, môi tím tái, lờ đờ, chóng mặt, đau bụng, nôn ói, hoặc phát ban dưới da,... thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa Nhi để bác sĩ chẩn đoán và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}