Rau má là cây thảo nhỏ cao 7 – 10cm. Thân mảnh, mọc bò, mọc rễ ở các mấu. Lá mọc so le. Mỗi mấu có 2 – 5 lá. Phiến lá nhẵn hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo, đường kính 2 – 3cm. Cuống lá mảnh dài 5 – 7cm. Khi vò lá có mùi thơm nhẹ. Cụm hoa gồm những tán đơn mọc riêng lẻ hoặc 2 – 5 cái ở kẽ lá, mỗi tán thường có 3 hoa màu trắng hoặc phớt đỏ. Quả màu nâu đen, đỉnh lõm, có 7 – 9 cạnh lồi. Mùa hoa quả tháng 4 – 6. Chi Centella có khoảng 40 loài phân bố ở Bắc Phi. Riêng loài Centella asiatica chỉ thấy ở vùng nhiệt đới Nam và Đông Nam châu Á.
Ở nước ta, Rau má là cây mọc hoang ở khắp nơi từ đồng bằng đến hải đảo và núi cao. Rau má sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, khi đến cuối Đông thì tàn lụi. Do khả năng đẻ nhánh khỏe, cây thường tạo thành đám dày đặc lấn át các loài cỏ khác. Rau má là cây rau ăn rất quen thuộc với mọi người. Dân gian có câu “Đói thì ăn Rau má, chớ ăn quấy ăn quá mà chết”. Nạn đói năm 1945 (do phát xít Nhật bắt nhổ lúa trồng đay) giết chết hơn 2 triệu người Việt Nam. Người chịu đói, chỉ ăn Rau má thì còn sống. Ngày nay, Rau má được trồng để chế bột Rau má, nước giải nhiệt và làm rau ăn, làm thuốc.
Bộ phận dùng: Toàn cây dùng tươi hoặc phơi sấy khô.
Tính vị, công năng: Rau má tính mát, vị đắng hơi ngọt (nhưng cũng có tài liệu lại ghi tính Hàn).
Công dụng: Rau má có nhiều công dụng như:
– Thanh nhiệt, giải độc.
– Chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.
– Tăng cường hệ thống miễn dịch.
– Thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, giảm sẹo.
– Tăng cường chức năng nhận thức. Cải thiện và phục hồi trí nhớ. Hỗ trợ điều tri bệnh Alzhemer. Hỗ trợ chống trầm cảm. Hỗ trợ điều trị các bệnh suy tĩnh mạch. Chống xơ cứng các tổ chức tế bào.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai hoặc chờ có thai, đang nuôi con bú. Người bệnh gan, ung thư. Người hư hàn. Không dùng liều cao liên tục quá 60 ngày.
Bài thuốc:
– Chữa viêm bàng quang cấp tính: Rau má 12g, Bồ công anh 20g, Mã đề 16g, Chi tử, Râu ngô, Thài lài tía, Cam thảo dây, Mộc thông: mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: Rau má 12g, Đảng sâm 15g. Hoài sơn, Ý dĩ, Hà thủ ô đỏ, Huyết dụ, Kê huyết đằng, Cam thảo dây, Đỗ đen sao mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa tiêu chảy cấp tính: Rau má sao vàng 12g, Biển đậu 12g. Hoắc hương, Hương phụ, Mã đề hạt mỗi vị 8g. Sa nhân 3g, Gừng tươi 2g thái mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa liệt nửa người sau khi sốt ở trẻ em: Rau má 10g, Đảng sâm, Thổ phục linh, Bạch giới tử, mỗi vị 8g. Bạch truật, Bạch thược, Bạch biển đậu, Đương quy, mỗi vị 6g. Cam thảo bắc, Sa nhân, Trần bì, Thạch xương bồ mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa các chứng chảy máu (chảy máu cam, tiểu ra máu, đi tiêu ra máu…): Rau má 30g, Cỏ nhọ nồi 15g, Trắc bách diệp 15g sao khô, sắc uống ngày 1 thang.
– Phụ nữ tiểu ra máu: Rau má tươi, Ích mẫu tươi lượng bằng nhau, nghiền nát, vắt nước uống.
– Viêm gan virus cấp: Rau má tươi 150g nghiền nát sắc với 500ml nước, cô còn 250ml thêm đường vừa ngọt chia 2 lần uống lúc đói. Uống liên tục đến khi khỏi.
– Chữa viêm họng, viêm amygdal, chấn thương phần mềm, chảy máu cam, kiết lỵ: Rau má tươi 100g nghiền nát vắt nước uống. Bã cho thêm 200ml nước, đun sôi 15 phút rồi gạn nước uống. Uống liên tục đến khi khỏi.
– Chữa nhọt độc: Rau má tươi 60g nghiền nát, lấy một ít đắp vào nhọt rồi băng kín, chỗ còn lại thêm 300ml nước, đun sôi 15 phút rồi chia làm 2 lần uống. Làm như thế đến khi khỏi.
– Chống lão suy cho người có tuổi: Rau má 500g, Lá dâu tằm non, Mật ong, mỗi thứ 250g, Vừng đen, Ba kích, Hoài ngưu tất mỗi thứ 150g, Hà thủ ô trắng đã chế 100g. Cách bào chế: Vừng đen ngâm 6 giờ rồi đồ chín, nghiền nát. Các dược liệu khác sao khô, tán mịn, trộn với vừng đen, mật ong làm thành 100 viên hoàn mềm. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 – 2 viên. Đây là công thức do tác giả nghiên cứu và bào chế thuốc năm 1983, đã được nghiên cứu tác dụng lâm sàng của thuốc trên các bệnh nhân tại Viện Bảo vệ sức khỏe người có tuổi là tiền thân của Viện Lão khoa ngày nay).
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}