“Thuốc” ở đây bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, chế phẩm bổ sung/thực phẩm chức năng và cả các loại thảo dược. Định nghĩa rộng hơn của Polypharmacy là “dùng thuốc không hợp lý”, bao gồm cả những trường hợp như: Dùng thuốc không nên/không cần dùng, Dùng thuốc không đúng liều lượng so với tuổi tác, cân nặng, chức năng gan/thận… Tuy nhiên, có trường hợp dùng đến 5 - 7 loại thuốc mà đều là loại thật sự cần thiết thì vẫn không gọi là “Dùng quá nhiều thuốc”!
Nguyên nhân khách quan đưa đến Polypharmacy là:
– Mắc nhiều bệnh cùng lúc (nhất là khi về già);
– Một số bệnh có chỉ định dùng nhiều thuốc (như bệnh mạch vành thường phải dùng 3 - 4 thuốc theo hướng dẫn điều trị);
– Thay đổi chuyển hóa thuốc…
Nguyên nhân chủ quan đến từ phía bác sĩ lẫn bệnh nhân. Riêng với bác sĩ, các bác sĩ ít có điều kiện cập nhật kiến thức của các chuyên ngành khác; Sự hạn chế trong giao tiếp giữa bác sĩ - bệnh nhân và giữa các bác sĩ với nhau góp phần làm bác sĩ ít để tâm tới những phi lý có thể sửa đổi trong việc chẩn đoán và kê đơn…
Dùng quá nhiều thuốc không phù hợp thường gây hại nhiều hơn là có lợi. Dùng quá nhiều thuốc sẽ tăng nguy cơ tương tác thuốc dễ gặp tác dụng phụ/ngoại ý. Dùng quá nhiều thuốc ở người già dễ dẫn tới quên uống thuốc, không theo đúng liệu trình làm giảm hiệu quả điều trị, dễ dẫn đến các biến chứng như: són tiểu, lú lẫn/giảm nhận thức, giảm khả năng thăng bằng, dễ bị té ngã/gãy xương. Dùng quá nhiều thuốc còn làm tăng tỉ lệ nhập viện, thời gian nằm viện và tăng tỉ lệ tử vong.
Một kiểu Polypharmacy gây hại người già
Một cụ bà 78 tuổi được một người hàng xóm phát hiện nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Cụ bà đã không nhớ tại sao mình bị té nhưng đã nói với bác sĩ rằng trước khi đi ngủ, cụ đã phải trải qua một cơn đau bụng nghiêm trọng kèm theo ói mửa và đi cầu phân đen, sau đó cụ cảm thấy có hiện tượng hồi hộp, tim đập nhanh và đầu óc quay cuồng…
Cụ bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim sung huyết và viêm khớp, cụ cũng đang bị cảm kèm theo những cơn ho dữ dội. Với mỗi căn bệnh, cụ được kê những loại thuốc chuyên biệt. Tuy nhiên, cụ cũng tự tìm đến nhà thuốc để mua thuốc tự chữa bệnh cho mình. Danh sách những loại thuốc mà cụ bà cung cấp cho bác sĩ bao gồm những loại thuốc sau: Lopressor để kiểm soát huyết áp; Digitalis để trợ giúp sự hoạt động của tim và kiểm soát nhịp đập của tim; Coumadin để ngăn ngừa những cơn đột quỵ gây ra do sự hình thành những cục máu đông; Furosemid là một chất lợi tiểu nhằm hạ huyết áp; Lipitor giúp hạ cholesterol huyết thanh; Aspirin giúp hạn chế những rủi ro về tim mạch bởi hình thành những cục máu đông; Celebrex giảm những cơn đau khớp; Paxil cho những cơn trầm cảm, lo âu; Valium giúp cụ dễ ngủ hơn.
Những loại thuốc “thập cẩm” kể trên có thể tương tác với nhau và có thể gây nên những tác dụng phụ có thể còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh đang được điều trị. Dùng phối hợp các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông, hạ mỡ máu, kháng viêm không steroid đều có thể dẫn tới tương tác thuốc gây nguy cơ cho sức khỏe vốn dễ tổn thương ở người già. Người già càng dễ bị ảnh hưởng vì họ thường mắc phải một lúc nhiều chứng bệnh mà đối với mỗi chứng bệnh họ có thể gặp một bác sĩ khác nhau, mỗi bác sĩ sẽ kê cho họ một toa thuốc khác nhau mà không cần biết rằng bệnh nhân đang sử dụng những loại thuốc khác.
Theo TS Michael Stern (Bệnh viện Lão khoa New York), người già thường sử dụng thuốc được kê đơn với số lượng gấp đôi thanh niên; do đó, người già phải chịu một tần suất rủi ro của thuốc (phản ứng bất lợi của thuốc) cao gấp hai lần thanh niên.
Vài ghi nhận để người già uống thuốc sao cho đúng
Người già không nên tự ý mua thuốc tự điều trị (kể cả vitamin, dược thảo, thực phẩm chức năng) mà thiếu sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Tức là, người già dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị là tốt nhất. Khi đi khám bệnh, người già nên báo cho bác sĩ tất cả loại thuốc và vitamin, dược thảo, thực phẩm chức năng mình đang dùng mà các thứ ấy không phải do bác sĩ đó chỉ định, để bác sĩ có thể xem xét lại trước khi kê cho bệnh nhân một loại thuốc thích hợp hơn.
Người già luôn sử dụng đúng liều lượng của thuốc và các chỉ dẫn về dùng thuốc (như “dùng trong bữa ăn”, “trước bữa ăn một giờ”, “không sử dụng thuốc với rượu bia”, “không nên dùng thuốc này nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc…”.
Đừng cho rằng sự suy giảm sức khỏe là chỉ do bệnh tật và tuổi tác, nó có thể là hậu quả của một tác dụng phụ có hại nào đó của thuốc.
Polypharmacy thường xảy ra ở người già, vì:
– Người già thường có nhiều bệnh mãn tính đòi hỏi phải điều trị thuốc đặc hiệu (như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đột quỵ, rung nhĩ, trầm cảm…);
– Có nhiều hơn một bác sĩ chăm sóc (cho nhiều loại bệnh chuyên khoa);
– Phải nhập vào nhà dưỡng lão;
– Không đi tái khám để được kê đơn thuốc lại;
– Không thể ngưng các thuốc không cần thiết;
– Bác sĩ không nhận ra bệnh nhân đáp ứng điều trị kém hay không tuân thủ điều trị;
– Áp dụng các hướng dẫn điều trị dựa trên bằng chứng (thích hợp và cả không thích hợp)
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}