PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Ngành y tế luôn nỗ lực mang lại sức khỏe tốt cho người dân"

Phan Sơn - Doanh Doanh

Y tế thông minh là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Trong những ngày đầu năm 2025, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã dành cho tạp chí Thuốc & Sức Khỏe buổi trò chuyện xung quanh câu chuyện này.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Ngày nay y tế thông minh đã khá phổ biến, nhưng trước đây khi ông còn làm quản lý Bệnh viện Nhi đồng 1 -TP.HCM chúng tôi thấy ông rất quan tâm đến nó dù khi đó công nghệ y tế chưa được nói nhiều. Xin hỏi lý do hay nguồn cảm hứng nào để ông sớm theo đuổi hướng đi này?

Mọi chuyện xuất phát từ mong muốn quản lý bệnh viện phải tốt hơn. Nhưng muốn tốt thì mình cần phải có những công cụ hỗ trợ, nếu không thì mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Thí dụ ngày đó ở Bệnh viện Nhi đồng 1 chúng tôi muốn giải quyết hai vấn đề: 1) Giảm bớt bức xúc của người dân về chuyện không đọc được toa thuốc của bác sĩ; 2) Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí của một bệnh viện tự chủ. Từ mong muốn đó, ban giám đốc quyết tâm chuyển việc kê toa bằng hình thức viết tay thành kê toa điện tử, vừa giúp đọc toa thuốc dễ dàng lại vừa giám sát được việc kê toa thuốc không hợp lý. Mục tiêu này được thực hiện bằng công cụ phần mềm kê toa thuốc và hệ thống giám sát kê đơn.

Khi đó ông có gặp khó khăn gì khi triển khai không thưa ông?

Nói thì dễ, nhưng từ khi có ý tưởng cho đến lúc triển khai được phần mềm kê toa thuốc điện tử và hệ thống giám sát kê đơn cũng mất hai năm. Tôi hay nói, trong công tác quản lý khó nhất là hoạt động giám sát vì không ai thích bị giám sát cả. Ban đầu, chúng tôi mượn toa thuốc của bệnh nhân, photo lại rồi mang đi phân tích. Sau đó khi có hệ thống giám sát kê đơn thì máy lọc ra và cho biết đơn thuốc có gần giống 90% với đơn thuốc của các bác sĩ khác đối với cùng loại bệnh đó hay không. Bác sĩ nào kê đơn có tỷ lệ tương đồng thấp hơn thì máy sẽ phát thông báo. Lúc đầu cũng có vài bác sĩ không chấp nhận, nhưng sau khi được phân tích và giải thích cặn kẽ, họ hiểu ra và đồng thuận.

TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về y tế thông minh. Năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã phát động cuộc bình chọn Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần 5, chuyên đề “Y tế thông minh”. Vì sao chọn chủ đề này, thưa ông?

Từ năm 2020, hàng năm Sở Y tế TP.HCM đều phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) tổ chức bình chọn giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam nhằm giới thiệu và nhân rộng những cách làm hay. Theo Tôi một trong những giải pháp hiệu quả và đơn giản nhất để tiến bộ là học cách làm hay của những người làm công việc giống như mình. Chứ nếu đi học tập nước ngoài thì tốn kém, và dù nước ngoài có cách làm hay thì chúng ta cũng chưa chắc áp dụng được vì hoàn cảnh và điều kiện làm việc của họ khác chúng ta. Còn ở trong nước, câu hỏi đặt ra là “Tại sao đồng nghiệp làm được, mình lại không làm được?”. Chủ đề bình chọn giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2024 là “Y tế thông minh”. Trong giai đoạn sơ tuyển chúng tôi nhận được 52 sản phẩm gửi về, sau đó chọn ra 27 sản phẩm cho vòng bình chọn.

Áp dụng công nghệ y tế hiện đại trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Sau nhiều năm tổ chức bình chọn giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam, ngành y tế TP.HCM đã nhận được gì?

Đầu tiên các đơn vị hoặc cá nhân rất vui khi việc làm hay của họ được nhìn nhận và giới thiệu rộng rãi. Thật ra trong ngành y tế luôn có những đơn vị và con người nỗ lực làm việc trong thầm lặng. Đó là công việc của họ, nhưng nếu họ được biết đến và công nhận thì tinh thần của họ sẽ tăng lên rất nhiều. Như vậy cái được thứ nhất là lan tỏa tinh thần làm việc, cái được thứ hai là kích thích các đơn vị và cá nhân khác cùng tiến lên. Như trên đã nói, qua những cuộc bình chọn hàng năm, sẽ có những đơn vị và cá nhân đặt câu hỏi: “Đồng nghiệp làm được, tại sao mình không làm được?”. Cái được cuối cùng là những cuộc thi như thế này chứng minh cho xã hội thấy rằng ngành y tế dù đâu đó có những vấn đề, nhưng nhìn chung thì toàn ngành vẫn nỗ lực không ngừng trong việc mang lại sức khỏe tốt cho người dân.

Thật ra Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định y tế thông minh mang lại nhiều giá trị to lớn, nhưng cũng có lo ngại công nghệ mới có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe khi chúng chỉ phục vụ những người có điều kiện. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Đương nhiên bước đầu công nghệ mới, trong đó có y tế thông minh, chỉ chọn lọc một số đối tượng thụ hưởng nhất định. Vấn đề là người quản lý phải nhận ra vấn đề và tìm biện pháp giải quyết, chẳng hạn chọn công nghệ mà nhiều người được thụ hưởng thay vì chỉ một số ít người tiếp cận. Cách đây 2 năm, Sở Y tế TP.HCM được hai anh em kỹ sư Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng tặng một phần mềm X quang AI (Annalise CXR Edge) nổi tiếng cả thế giới do họ sáng chế. Khi đó họ hỏi Sở Y tế nên đặt máy ở đâu vì thành phố quá lớn. Sau khi suy nghĩ, chúng tôi quyết định đặt máy X-quang AI này tại nơi xa nhất và khó khăn nhất của thành phố là xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cử chuyên gia tìm hiểu chuyện này và công bố cho thế giới biết tại Việt Nam có một máy X-quang AI đặt ở một xã đảo xa xôi để phục vụ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đó là thí dụ cho thấy khi đầu tư y tế chúng ta nên chọn giải pháp phù hợp và đặt ở nơi nào mà nhiều người được thụ hưởng để từ đó giảm thiểu tình trạng mất công bằng trong chăm sóc y tế.

Thưa ông, nói về AI, cũng có lo ngại sự đề cao nó quá mức khiến một số bác sĩ xem nhẹ các giải pháp chẩn đoán truyền thống. Điều đó đúng chứ?

Có thể khẳng định AI không thể thay thế được con người trong lĩnh vực y học. Trong cuốn “Thời đại công nghệ 4.0” mà tôi đọc, các tác giả cho biết AI có thể thay thế được con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong y tế thì không thể thay thế. Nhân viên y tế cần hiểu chuyện này và không nên lạm dụng AI. Thật ra AI dựa trên những công trình nghiên cứu và tùy theo dữ liệu nạp vào ít hay nhiều mà nó cung cấp những chẩn đoán có mức độ chính xác khác nhau. Nhưng dù AI có chính xác đến mấy thì nó cũng chỉ do con người tạo ra, làm gì có bác sĩ AI.

Vậy trong chuyện này Sở Y tế có khuyến cáo gì không thưa ông?
Hiện tại Sở Y tế chỉ động viên các cơ sở y tế đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng vì giai đoạn này chúng ta chỉ mới ở mức độ tiếp cận AI. Khi AI phổ biến, chúng ta sẽ điều chỉnh từ từ.

Trong những năm tới y tế TP.HCM đặt mục tiêu phát triển y tế thông minh như thế nào?
Theo Tôi, ở đây đừng nghĩ phát triển là phải nghiên cứu cho ra thêm nhiều AI. Thay vào đó chúng ta nên bắt đầu từ việc tra cứu, tiếp cận trên thế giới đã có những AI nào chứng minh hiệu quả thì mình áp dụng. Ví dụ như robot phẫu thuật không chỉ có robot Da Vinci mà còn có robot của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có giá trị tương đương nhưng giá lại rẻ hơn. Hiện tại nhiều lĩnh vực y khoa như mắt, ung thư… đã áp dụng AI. Nếu chủ quan, không tìm hiểu thì chúng ta sẽ bị thụt lùi. Vì thế Sở Y tế kêu gọi các bệnh viện chuyên khoa đẩy mạnh tra cứu, sớm tiếp cận và rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe đang dần được số hóa dựa trên công nghệ AI.

Thưa ông, trước thềm năm mới 2025, trên cương vị giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông muốn nhắn gửi điều gì đến toàn thể nhân viên trong ngành?

Năm 2025 là một năm rất đặc biệt của cả nước, TP.HCM và ngành y tế. Ở cấp độ quốc gia và thành phố là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đối với ngành y tế có kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), còn riêng Sở Y tế TP.HCM có kỷ niệm 50 năm thành lập (1975-2025).

Đầu tiên tôi mong muốn toàn ngành y tế tiếp tục nỗ lực và dấn thân với những chương trình hành động cụ thể mà ngành đề ra. Trong những ngày cuối năm 2024, tôi đã viết ra 45 hoạt động khác nhau cho 9 nhóm hoạt động trọng tâm. Trong các nhóm này, quan trọng nhất là việc sắp xếp tổ chức và tinh gọn bộ máy ngành y tế. Ngành sẽ tiếp nhận một số cơ sở trước đây không thuộc y tế. Nhưng khi nhận về rồi, ngành y tế không chỉ giúp họ hoạt động mà còn phải hoạt động tốt hơn.

Điều tiếp theo, tôi mong muốn các cơ sở thực hiện và nâng cao tinh thần kiềng 3 chân. Chân đầu tiên là phát triển chuyên môn kỹ thuật để rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước. Các bệnh viện tuyến cuối của thành phố phải luôn là chỗ dựa vững chắc cho y tế cơ sở. Chân thứ hai là không ngừng đổi mới và cải tiến để nâng cao sự hài lòng của người bệnh khi đến cơ sở y tế. Điều này nhằm giữ chân người bệnh ở các tuyến và hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, các nhà quản lý cũng phải quan tâm và tìm giải pháp giữ chân nhân viên cũng như thu hút nhân tài. Chân cuối cùng và cũng là bài học lớn của cả ngành, đó là tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động. Nếu có vấn đề gì mà quy định pháp luật không còn phù hợp hoặc chưa có quy định thì mạnh dạn có đề án xin thành phố cho làm thí điểm.

Riêng đối với khối bệnh viện, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để bệnh viện phát triển bền vững. Ở đây có ba nhóm giải pháp: 1) Nâng cao năng lực quản lý; 2) Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của thành phố; 3) Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại hoặc trang thiết bị thích hợp. Ở đây trang thiết bị thích hợp là trang thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ, có hiệu quả cao, nhưng chi phí đầu tư lại thấp. Không phải cứ chạy theo trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu là tốt, vì đôi khi điều này gây ra lãng phí.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
 

Theo TSK số 690 + 691

Ngày đăng: 20/01/2025



 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Sa sút trí tuệ - Vấn đề sức khỏe toàn cầu

03/02/2025 00:00:00 GMT+0700

Bệnh Alzheimer là một bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận các chức năng học tập, trí nhớ và khả năng suy nghĩ khác, gây suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh. Infographic sau đây sẽ cho bạn hiểu hơn về bệnh này.

sile

Phóng sự ảnh: "Vào rừng tìm thuốc quý"

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Nằm trên cao nguyên M’Nông với độ cao trung bình từ 600- 700 mét so với mặt nước biển, Đắk Nông có địa hình và khí hậu rất đa dạng, phong phú. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi này, Đắk Nông đã sở hữu tài nguyên rừng phong phú với thảm thực vật đa dạng được ví như “mỏ vàng dược liệu”.

sile

Kỷ Tử "báu vật" giúp trẻ lâu sống thọ

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Ngoài mong muốn sống hạnh phúc, không lo lắng cuộc sống vật chất, con người thời nào cũng mong sống trẻ khỏe, trường thọ. Kỷ tử là một trong những giải pháp giúp họ thực hiện được ước mơ sau này.

sile

Thạnh An có máy X-quang AI

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Có lẽ trước tháng 11.2022 không mấy người biết đến xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nhưng sau thời điểm đó, hòn đảo này bỗng nhiên nổi tiếng vì trạm y tế ở đây có một máy chụp X-quang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

sile

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Ngành y tế luôn nỗ lực mang lại sức khỏe tốt cho người dân"

20/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Y tế thông minh là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Trong những ngày đầu năm 2025, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã dành cho tạp chí Thuốc & Sức Khỏe buổi trò chuyện xung quanh câu chuyện này.

sile

Bác sĩ Việt Nam can thiệp tim mạch trực tiếp tại hội nghị quốc tế

17/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Hơn 30 bệnh nhân bệnh tim bẩm sinh được can thiệp tim mạch từ 6 trung tâm y khoa trong và ngoài nước với hình ảnh can thiệp được truyền trực tiếp đến hội nghị quốc tế tại TP.HCM.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}