Y học cổ truyền

11/03/2025 GMT+0700

Những điều cần biết về đông trùng hạ thảo

TSKH Trần Công Khánh

Chúng ta thường nghe tên “Đông trùng hạ thảo”, một trong những vị thuốc quý của Đông y, nhưng chắc ít người biết rõ nguồn gốc và đặc điểm của vị thuốc này.

Thực tế, thị trường hiện nay có 2 loại Đông trùng hạ thảo, do 2 loài nấm khác nhau tạo ra, có hình dạng khác nhau, nhưng lại cùng chung một tên là Đông trùng hạ thảo (ĐTHT). Gọi như vậy gây ra sự nhầm lẫn và không đúng về mặt khoa học, cần có sự phân biệt. Nhưng vì đã quen gọi, nên không cần đổi tên, mà chỉ thêm từ ‘bắc’ (từ phương bắc) và từ ‘nam’ vào tên ĐTHT để phân biệt.

- ĐTHT bắc (do nấm Cordyceps sinensis ký sinh trên con sâu non), được tìm kiếm ngoài tự nhiên trên cao nguyên Tây Tạng, màu nâu sẫm. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

- ĐTHT nam (do nấm Cordyceps militaris nuôi cấy trên môi trường nhân tạo), được sản xuất quy mô công nghiệp ở các doanh nghiệp, có màu vàng cam, đang bán trên thị trường và được sử dụng rộng rãi.

Theo các nhà khoa học về nấm, ở Việt Nam chưa tìm thấy và không thể có ĐTHT bắc vì không có điều kiện tự nhiên giống như ở Tây Tạng hay Nepal, và cũng chưa thể nuôi cấy để tạo ra Thể quả. Hiện nay, việc nuôi cấy nhân tạo ĐTHT nam (từ loài nấm Cordyceps militaris) đang được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam.

Về giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học của 2 loài nấm đều có chất cordycepin và adenosin (với tỷ lệ khác nhau), nhưng ĐTHT nuôi cấy còn có sự khác nhau giữa sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, phụ thuộc vào chủng giống nấm và giá thể hữu cơ nuôi cấy (mỗi nơi sản xuất theo một công thức pha chế khác nhau). Giá trị y học và kinh tế của loài nấm C.militaris nuôi cấy nhân tạo cũng thấp hơn so với loài C.sisensis tự nhiên. Chúng khác nhau như thế nào?

Nuôi cấy ĐTHT tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Ảnh: Báo Hải Dương

Đông trùng hạ thảo bắc

Đông trùng hạ thảo bắc là vị thuốc y học cổ truyền từ lâu đời của Trung Quốc, được ghi trong sách ‘Bản thảo cương mục’ của Lý Thời Trân, đời nhà Minh ở Trung Quốc, từ thế kỷ XIV. Đây là sản phẩm của loài nấm túi có tên khoa học là Cordiceps sinensis (Berk.) Sacc. (tên chính thức là Ophiocordyceps sinensis (Berk.) G.H. Sung et al.), họ Nhục tòa khuẩn (Hypocreaceae). Loài Nấm túi này ký sinh trên con sâu non (ấu trùng) của một vài loài bướm trong họ Bướm đêm Hepialidae (Bộ Cánh vảy - Lepidoptera) sống ngoài tự nhiên trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Tây Tạng, Nepal (vùng núi cao hơn 3.800m, trên dãy Himalaya) và Tứ Xuyên (Trung Quốc) nhưng đang bị khai thác cạn kiệt, hiện nay còn lại rất ít và có thể sẽ biến mất vĩnh viễn.

Quá trình ký sinh của nấm Cordyceps sinensis diễn ra như sau:

Mùa đông, sâu non (gọi là Trùng) nằm ở dưới đất, bị nấm Cordyceps sinensis ký sinh vào con sâu đang sống, khi sợi nấm phát triển làm cho sâu chết. Đến mùa hè ấm áp (vào tháng 5-6), hệ sợi nấm trong con sâu tạo ra Thể quả (bộ phận sinh sản của nấm) mọc chồi lên khỏi mặt đất, có hình dạng giống như ngọn cỏ non, nhưng không phải là ‘Thảo’ (cây cỏ). Thể quả của nấm dài 4-6cm (có thể tới 11cm), đường kính khoảng 3mm, mặt ngoài màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, có những vết nhăn dọc, chất mềm. Đầu trên của Thể quả hơi phình to, mang các túi bào tử nhỏ, trong các túi đó có chứa bào tử nấm. Phần gốc của Thể quả vẫn dính liền vào đầu con sâu. Vậy vị thuốc ĐTHT bắc là xác con sâu trông như con tằm khô (có 8 đôi chân, 4 đôi chân giữa nhìn khá rõ) mang Thể quả. Bộ phận này khi khô dễ gãy.

Thời gian thu hoạch ĐTHT bắc vào đầu mùa hè, khi Thể quả của nấm đã mọc chồi lên khỏi mặt đất và bào tử của nó chưa thoát ra ngoài. Người ta đào lấy toàn bộ xác con sâu có mang Thể quả của nấm; làm sạch, rồi phơi hoặc sấy nhẹ cho khô để sử dụng.

Theo các nhà khoa học, thành phần hóa học của ĐTHT bắc có nhiều amino acid, nguyên tố vi lượng (Si, K, Na…), 28 acid béo bão hòa và không bão hòa, các loại vitamin B1, B2, B12, E, K…, các chất vô cơ và hữu cơ như K, Na, Ca, Mg, Fe, Cu, Mn, Se…, và chủ yếu là chất cordycepin (3’deoxyadenosin, công thức C10H13 N5 O3 ) và adenosin. Hai chất này có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, bảo vệ thận, tim mạch, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, tăng cường sinh lý, phục hồi sức khỏe, kích thích tinh thần hưng phấn, thậm chí có thể hạn chế tác hại của tia tử ngoại, chất phóng xạ… Đặc biệt, chất cordycepin có giá trị cao trong y học, có khả năng ức chế sự lan truyền tế bào ung thư, phục hồi tuyến tụy.

Theo Dược điển Trung Quốc, ĐTHT bắc có vị ngọt, tính bình, có nhiều tác dụng như: bổ phế, ích thận, chỉ huyết, hoá đàm; chữa viêm phế quản, ho lâu ngày, hen xuyễn, ho ra máu; làm giảm lượng LDL cholesterol máu, giảm đường huyết, viêm gan B, xơ gan, chữa liệt dương, suy giảm hệ miễn dịch, lưng gối đau mỏi.

Đông trùng hạ thảo nam

Vị thuốc ĐTHT nam đang bán trên thị trường hiện nay là sản phẩm của loài nấm cùng chi, cùng họ, nhưng khác loài với C. sinensis, tên là Cordyceps militaris (Berk.) Sacc., nuôi cấy trên môi trường nhân tạo vô trùng (chất nền sinh khối), do các doanh nghiệp sản xuất trên quy mô công nghiệp. Thể quả của ĐTHT nam có màu cam, dài 4-6cm tùy loại giá thể, rỗng ở giữa. Đầu trên của Thể quả có các đốm màu cam sáng. Đặc biệt, chất cordycepin và adenosin của ĐTHT nam còn có sự khác nhau giữa sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất.

Giá trị dược liệu của ĐTHT nam: Theo các thông tin trên Internet (chưa được chứng minh rõ ràng), ĐTHT nam cũng có các tác dụng chống ung thư, chống ôxy hóa, điều hòa hoạt động miễn dịch, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm nhiễm, tăng khả năng phục hồi các tổn thương gan, tăng số lượng tinh trùng. Giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học của ĐTHT nam bằng 75-80% ĐTHT bắc từ tự nhiên.

Trước đây, một số chợ miền núi vùng Tây Bắc nước ta như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Hòa Bình có bán các chai rượu ngâm sâu Chít. Người Thái gọi sâu Chít là ‘Tồ đuổng khem’, dân gian cũng gọi là ‘Đông trùng hạ thảo nam’. Đây là ấu trùng của loài sâu bướm Brihaspa atrostigmella Moore, họ Crambidae (Bộ Cánh vảy - Lepidoptera), sống trong ngọn thân cây Chít, còn gọi là cây Đót (Thysanolaena maxima (Roxb.) Kuntze), họ Lúa (Poaceae). Những con sâu non này không có nấm Cordyceps ký sinh, nên không thể có hoạt chất và tác dụng như ĐTHT nói trên.

Theo TSK số 692

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Thận trọng khi dùng thuốc thảo dược

12/04/2025 09:00:00 GMT+0700

Mặc dù thuốc thảo dược thường được coi là an toàn hơn so với thuốc tây y nhưng việc sử dụng không đúng cách hoặc thiếu hiểu biết có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

sile

Lại phải cảnh báo về sự an toàn của thuốc thảo dược

10/04/2025 12:00:00 GMT+0700

Đầu năm nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành ghép gan cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị suy gan có nguy cơ tử vong sau khi dùng thuốc Nam.

sile

Thanh lọc cơ thể với 3 vị thuốc y học cổ truyền phổ biến

04/04/2025 00:00:00 GMT+0700

Cuộc sống hiện đại dẫn đến sự thay đổi của nhiều thói quen sinh hoạt con người, trong đó không ít thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và điều này đặt ra nhu cầu thanh lọc cơ thể.

sile

Những điều cần biết về đông trùng hạ thảo

11/03/2025 00:00:00 GMT+0700

Chúng ta thường nghe tên “Đông trùng hạ thảo”, một trong những vị thuốc quý của Đông y, nhưng chắc ít người biết rõ nguồn gốc và đặc điểm của vị thuốc này.

sile

Phóng sự ảnh: "Vào rừng tìm thuốc quý"

23/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Nằm trên cao nguyên M’Nông với độ cao trung bình từ 600- 700 mét so với mặt nước biển, Đắk Nông có địa hình và khí hậu rất đa dạng, phong phú. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi này, Đắk Nông đã sở hữu tài nguyên rừng phong phú với thảm thực vật đa dạng được ví như “mỏ vàng dược liệu”.

sile

Kỷ Tử "báu vật" giúp trẻ lâu sống thọ

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Ngoài mong muốn sống hạnh phúc, không lo lắng cuộc sống vật chất, con người thời nào cũng mong sống trẻ khỏe, trường thọ. Kỷ tử là một trong những giải pháp giúp họ thực hiện được ước mơ sau này.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}