Mô tả
Cây Dừa nước có thân ngầm nằm trong bùn nước, đường kính 25 – 40cm. Đầu thân ngầm mang nhiều lá kép to, dài 5 – 8m, có 2 dãy lá chét hình lông chim, dài đến 1m, rộng 2 – 7cm, trông tựa như lá cây Dừa. Cụm hoa ở các nách lá, cao đến 1m, mang hoa đơn tính, mẫu 3. Cụm hoa đực màu vàng, có nhiều hoa không cuống, nhị 3, chỉ nhị hợp thành cột cứng. Cụm hoa cái hình cầu, hoa cái có 3 lá noãn. Buồng quả hình cầu, đường kính tới 30cm, nặng chừng 3 – 5kg, mang khoảng 40 – 50 quả hạch, màu nâu sẫm. Quả chứa 1 hạt cứng, nội nhũ (cơm dừa) lúc non màu trắng đục, mềm, vừa giòn vừa dai, mùi thơm đặc trưng.
Nơi mọc
Cây Dừa nước thường mọc ở các bãi bồi sình lầy, dựa sông rạch có nước lợ, đặc biệt ở vùng cửa sông gần biển, gặp rất nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Gò Công (Tiền Giang), Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang,... Ngoài ra, cây này còn phân bố ở Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Philippines đến Australia.
Thành phần hóa học
Dịch Dừa nước (nước từ cuống buồng quả non) có tỷ lệ đường saccharose khá cao (13 – 17%), vị ngọt, dùng để sản xuất đường và rượu hoặc giấm. Ở Malaysia, hằng năm người ta đã khai thác đường Dừa nước với sản lượng 5 – 7(-20) tấn/ha. Nội nhũ Dừa nước có các hợp chất phenolic, như acid chlorogenic, acid protocatechic, acid hydroxybenzoic, acid gallic, kaempferol, tanin và saponin.
Công dụng
Theo tài liệu, nội nhũ Dừa nước ở quả non có khả năng chống oxy hóa cao hơn ở quả già (cái dừa cứng hơn, màu trắng đục hơn). Chất chiết xuất từ vỏ quả và lá Dừa nước có tác dụng kháng vi khuẩn như E. coli (gây bệnh đường ruột), S. aureus (tụ cầu vàng, gây nhiễm trùng), P. aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh, gây viêm nhiễm và nhiễm trùng huyết), S. epidermis (tụ cầu da, gây nhiễm trùng da, niêm mạc), Klebsiella pneumoniae (trực khuẩn, gây viêm phổi và đường hô hấp).
Một số nước vùng Đông Nam Á lấy chồi non của cây Dừa nước rửa sạch, ép lấy nước uống để điều trị mụn rộp, đau răng, đau đầu. Phần gốc cuống lá Dừa nước (cà bắp) đem nướng, vắt lấy nước trị bệnh sản hậu hoặc làm thuốc trị tiêu chảy. Theo Y học cổ truyền Malaysia, giấm làm từ dịch Dừa nước có tác dụng giảm đường huyết. Ở Philippines, lá Dừa nước giã nát để trị loét và các vết cắn của động vật.
Rừng Dừa nước là một nguồn tài nguyên quý giá. Từ bao đời nay, người dân vùng ven biển, cửa sông ở nước ta dùng lá Dừa nước để làm tấm lợp nhà, làm vách, phên chắn gió và đồ dùng gia đình như đan giỏ, mũ, nón, cơi trầu và gầu múc nước. Lá non dùng gói bánh dừa, bánh nếp. Sợi từ xơ bẹ lá và sống lá dùng dệt thảm, làm dây thừng, một loại dây rất bền và chịu được nước mặn.
Ngoài các giá trị kinh tế và làm thuốc, rừng Dừa nước còn là nơi chắn gió, trốn bão của ngư dân và tàu thuyền, là nơi trú ngụ và sinh trưởng của nhiều loài động vật thủy sinh.
Chú ý: Tránh nhầm lẫn với cây “Rau dừa nước”, tên khoa học là Ludwigia adcendens (L.) Hara, họ Rau dừa nước (Onagraceae). Đây là cây thảo, mọc nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, rễ mọc ở các mấu, lá hình bầu dục, hoa màu trắng mọc ở nách lá. Rau dừa nước được dùng để ăn và làm thuốc điều trị các bệnh viêm bàng quang, viêm cầu thận, albumin niệu.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}