Gepotidacin có thể khắc phục tình trạng kháng thuốc trong điều trị NTĐT. Ảnh: ISM
Thuốc hứa hẹn khắc phục tinh trạng kháng thuốc
Lần sau cùng FDA phê duyệt một kháng sinh mới để trị nhiễm trùng đường tiểu (NTĐT) không biến chứng ở phụ nữ là năm 1996, đó là thuốc fosfomycin đường uống. Từ đó đến nay các kháng sinh được FDA phê duyệt trị NTĐT cấp không biến chứng đều phát triển từ các nhóm kháng sinh có sẵn. Có thể kể đến như Pivya (pivmecillina) hoặc Orlynvah (sulopenem etzadroxil + probenecid), cả hai thuộc nhóm beta-lactam, một họ kháng sinh lâu đời và phổ biến.
Nhưng gepotidacin là một kháng sinh hoàn toàn mới về cấu trúc lẫn cơ chế tác động lên tác nhân gây bệnh. Thuốc tấn công cùng lúc vào topoisomerase II (còn gọi là DNA gyrase) và topoisomerase IV của vi khuẩn, hai enzyme cần thiết để vi khuẩn sinh sôi. Bằng cách này, gepotidacin ức chế quá trình sao chép DNA của vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Thuốc hứa hẹn làm chậm quá trình tiến hóa kháng thuốc của vi khuẩn vì vi khuẩn phải tích luỹ được cả 2 cơ chế đề kháng cùng lúc mới có thể né tránh được tác dụng của kháng sinh.
Gepotidacin đã vượt qua 2 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên hơn 3.000 người từ 12 tuổi trở lên. Thuốc có hiệu quả ngang bằng hoặc tốt hơn nitrofurantoin, một kháng sinh thường được kê đơn để điều trị NTĐT. Cụ thể gepotidacin điều trị thành công lần lượt 50% và 58% trường hợp lần lượt trong hai nghiên cứu so với tỷ lệ thành công 43% và 47% của nitrofurantoin. Gepotidacin được FDA phê duyệt điều trị cho phụ nữ và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có cân nặng ít nhất 40 kg, bị NTĐT cấp (không biến chứng) gây ra bởi những tác nhân Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Citrobacter freundii complex, Staphylococcus saprophyticus và Enterococcus faecalis.
Căn bệnh phổ biến ở phụ nữ
Ước tính hơn một nửa phụ nữ thế giới có thể bị NTĐT ít nhất một lần trong đời với tỷ lệ tái phát 30%. Ảnh: AUC
NTĐT là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Ước tính hơn một nửa phụ nữ trên thế giới có thể bị NTĐT ít nhất một lần trong đời với tỷ lệ tái phát 30%. Một nghiên cứu đăng trên Frontiers in Public Health vào năm 2022, ước tính trong năm 2019 toàn cầu có gần 405 triệu ca NTĐT ở phụ nữ, tăng 60% so với năm 1990 (252 triệu ca). Trong năm đó, bệnh cũng cướp đi sinh mạng của gần 240.000 người, tăng đến 140% so với năm 1990 (98.500 ca).
Sở dĩ NTĐT phổ biến ở phụ nữ vì niệu đạo của họ ngắn và gần với trực tràng, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường tiểu. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm phụ nữ dễ bị NTĐT là quan hệ tình dục và sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra sau tuổi mãn kinh, lượng estrogen của phụ nữ suy giảm, khiến lớp niêm mạc mỏng hơn và hệ sinh vật có lợi giảm đi, qua đó làm gia tăng cơ hội lây nhiễm.
Hiện tại, kháng sinh vẫn là phương pháp điều trị chính cho NTĐT, nhưng tình trạng tái phát của bệnh và nguy cơ kháng thuốc ngày càng tăng khiến vấn đề càng trở nên đáng quan tâm. Bệnh không chỉ gây đau đớn, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng sống, thậm chí ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ và sức khoẻ tổng thể của người bệnh.
Kết quả của nghiên cứu GESPRIT tại 5 quốc gia châu Âu cho thấy hơn 50% phụ nữ NTĐT gặp phải các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm. Đặc biệt ở những người thường xuyên bị tái nhiễm, các tác động này còn ảnh hưởng nặng nề lên sức khoẻ tâm thần của người bệnh.
Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trong hệ tiêu hóa là thủ phạm chính gây ra 80% trường hợp bệnh. Ảnh: Everyday Health
Trên báo The Guardian năm 2019, Jade Henderson, 27 tuổi, một phụ nữ sống tại Durham (Anh) đã chia sẻ nỗi khổ sở của cô trong những ngày tháng bị NTĐT. Cô nói: “Tôi hầu như không ra khỏi nhà vì liên tục cảm thấy mình cần đi vệ sinh, đến mức không thể tập trung vào bất cứ điều gì ngoài cảm giác khó chịu và bất tiện. Nó không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn khiến nhiều mối quan hệ bị đổ vỡ”.
Câu chuyện của Jade phản ánh một thực tế đáng báo động là bệnh nhân tái nhiễm buộc phải dùng nhiều đợt kháng sinh kéo dài và gia tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn đề kháng. Với sự ra đời của gepotidacin, trước mắt các bác sĩ đã có thêm một vũ khí hữu hiệu để điều trị NTĐT. Dự kiến thuốc sẽ được GSK tung ra thị trường vào nửa cuối năm 2025 với tên thương mại Blujepa. Ngoài NTĐT, gepotidacin cũng đang được nghiên cứu về khả năng điều trị những bệnh nhiễm trùng khác. Thuốc đã trải qua thử nghiệm giai đoạn III trong điều trị bệnh lậu không biến chứng.
Tiến sĩ Thomas Hooton, giáo sư y khoa của Trường Y Đại học Miami (Hoa Kỳ), cho biết: “Đối với nhiều người, NTĐT cấp tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Do số lượng bệnh nhân tái nhiễm ngày càng nhiều, y học cần tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thêm nhiều kháng sinh mới nhằm giải quyết những thách thức trong điều trị và gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe”.
Theo: TSK số 694
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}