Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus influenza A và B, gây ra đợt dịch cúm hàng năm, nặng nề hơn là đại dịch toàn cầu.
Cần phân biệt cúm (influenza) và cảm (common cold) ở trẻ em
Cảm lạnh thường do chủng Rhinovirus adenovirus, còn cúm do Influenza virus gây ra. Biểu hiện cảm giống cúm: sốt, chảy mũi, ho nhưng cảm lạnh thường không gây biến chứng viêm phổi như cúm.
– Mùa cúm tại Việt Nam:
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, dịch cúm ở Việt Nam thường bắt đầu sau tháng 4, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 6 đến tháng 8. Chủng cúm mùa trong 10 năm trở lại đây đa số là chủng cúm A H1N1pdm09, cúm A (H3); chủng cúm B Victoria và Yamagata. Mỗi năm, vào mùa cúm lại bùng phát những chủng virus mới. Do đó, trẻ em mặc dù đã chích ngừa cúm hoặc mắc bệnh năm trước thì vẫn có thể mắc cúm vào mùa cúm năm sau do nhiễm phải chủng mới. Cứ mỗi năm, WHO dự đoán chủng cúm mới cho mùa dịch năm sau và đưa ra khuyến cáo vắc xin. Thời điểm chích ngừa cúm ở Việt Nam được khuyến cáo là bắt đầu tháng 4 và khuyến cáo chích mỗi năm.
Nhóm trẻ có nguy cơ cao biến chứng cúm nặng
– Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.
– Trẻ mắc những bệnh mạn tính: chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, suyễn, tim bẩm sinh, suy thận mạn, xơ gan.
– Trẻ béo phì nặng.
– Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
Biểu hiện cúm ở trẻ em
– Biểu hiện cúm ở trẻ em khác biệt theo độ tuổi:
° Trẻ trên 13 tuổi biểu hiện cúm giống người lớn: khởi phát sốt đột ngột, đau đầu, đau nhức toàn thân, mệt mỏi kèm theo các triệu chứng hô hấp chảy mũi, ho, đau họng.
° Trẻ dưới 13 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, biểu hiện cúm không điển hình. Sốt cao hơn trẻ lớn, có thể sốt co giật, ít biểu hiện các triệu chứng hô hấp, biểu hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, biếng ăn. Một số biểu hiện khác ít gặp như sưng tuyến mang tai, nổi hạch cổ, viêm kết mạc.
° Bệnh cảnh có thể khác biệt tùy thuộc vào chủng cúm: cúm B thường có biểu hiện đau nhức cơ hơn cúm A, bệnh cảnh suy hô hấp thường gặp ở cúm A.
° Trong mùa cúm, trẻ có biểu hiện sốt kèm suy hô hấp đều phải được nghi ngờ nhiễm cúm bất kể trẻ đã nhiễm cúm trước đó hay đã chủng ngừa.
– Diễn tiến bệnh cúm: thường các triệu chứng sẽ giảm sau 1 tuần. Ho thường kéo dài từ 2 – 3 tuần. Trẻ lớn có thể bị suy nhược sau khi hồi phục bệnh cúm. Cần chú ý, trẻ đã khỏi bệnh từ một đợt nhiễm cúm có thể mắc lại cúm (một loại chủng cúm khác) trong đợt cúm mùa năm sau. Do đó, việc chích ngừa cúm mỗi năm ở trẻ có một vai trò rất quan trọng.
Biến chứng hay gặp của cúm ở trẻ em
– Viêm tai giữa: chiếm từ 10 – 15% trẻ mắc, thường từ ngày thứ 3 sau khi khởi phát triệu chứng cúm.
– Viêm phổi: thường là biến chứng làm cho trẻ nhập viện, viêm phổi thường nhẹ nhưng trẻ có yếu tố nguy cơ thì viêm phổi thường diễn tiến nặng.
– Viêm thanh khí phế quản: trẻ mất tiếng, thở rít, nặng có thể gây suy hô hấp.
– Bội nhiễm vi trùng: S. pneumoniae, S. aureus làm trẻ viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ tử vong. Tần suất bội nhiễm S. pneumoniae giảm khi trẻ được chủng ngừa phế cầu trước đó.
Khi nào cần xét nghiệm cúm
– Rất khó phân biệt cúm với nhiễm virus gây cảm lạnh, virus hợp bào gây viêm tiểu phế quản. Nhưng xét nghiệm không cần thiết vì phương pháp điều trị là không khác nhau đối với các bệnh trên.
– Chỉ xét nghiệm cúm đối với bệnh nhân nặng, cần phân biệt với bệnh cảnh nhiễm trùng. Có thể điều trị cúm ngay mà không cần chờ có kết quả xét nghiệm nếu nghi ngờ.
Xét nghiệm cúm đại trà còn được chỉ định trong đại dịch cúm để phòng ngừa lây nhiễm.
Phòng ngừa cúm bằng vắc xin
WHO đưa ra khuyến cáo vắc xin chủng ngừa cúm hàng năm. Chủng cúm ở Việt Nam trong mỗi mùa cúm giống chủng cúm mùa tại Nam bán cầu, do đó vùng vắc xin cúm của Việt Nam được xếp vùng vắc xin cúm ở Nam bán cầu. Thời điểm chủng ngừa cúm ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 và được khuyến cáo chủng ngừa hàng năm.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}