Cây Hồng xiêm nguồn gốc từ miền Nam Mexico, Trung Mỹ và vùng Caribe; sau đó được lan truyền sang châu Phi và châu Á, hiện được trồng nhiều ở Mexico, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Philippines, Bangladesh. Cây Hồng xiêm được đưa vào nước ta từ Thái Lan, quả của cây hình giống như quả hồng nên có tên gọi là “Hồng xiêm”. Hồng xiêm được trồng khắp nơi trong nước ta làm cây ăn quả.
Hồng xiêm là cây thân gỗ, sống lâu năm, nhánh thường mọc xéo, mủ trắng vỏ xám nâu. Lá chụm ở chót nhánh, phiến không lông, gân phụ nhiều. Hoa đơn độc, cuống có lông nâu, bông hoa màu trắng, 6 tràng hoa hình thùy. Quả mọng, hình cầu, vỏ màu nâu vàng nhạt, khi chín có mùi thơm dễ chịu. Hạt dẹp, màu đen. \
Hồng xiêm chỉ có thể tồn tại trong môi trường nhiệt đới, ấm áp, dễ chết nếu nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng. Cây Hồng xiêm có thể trồng mọi loại đất kể cả vùng đất mặn ven biển, nhưng thích hợp nhất là đất giàu mùn, đất sét pha cát, thoát nước. Cây ra hoa quanh năm nhưng thường cho quả hai lần một năm.
Bộ phận dùng: Vỏ, lá, hạt, quả.
Thành phần hóa học: Vỏ cây già và quả xanh chứa tanin, nhựa, saponin và sapotin; khi quả chín thì chất tanin không còn. Hạt chứa 23% chất nhựa dầu và acid cyanhydric. Nhân hạt chiếm 50% của hạt nguyên chứa 1% chất saponin và 0,08% sapotin, sapotinin.
Giá trị thực phẩm: giá trị dinh dưỡng trên 100g quả chín Hồng xiêm: năng lượng 83 kcal, trong đó carbohydrat 19,96g; chất xơ 5,3g; chất béo 1,1g; chất đạm 0,44g.
Theo y học cổ truyền: quả Hồng xiêm có vị ngọt, tính mát có tác dụng bổ mát, sinh tân dịch, giải khát, nhuận tràng; vỏ cây bổ và hạ nhiệt; hạt lợi tiểu; dầu hạt có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt.
Theo y học hiện đại: trong Hồng xiêm có chứa nhiều chất chống oxy hóa; như vitamin (A, C, E, K), các chất (carotenoid, flavonoid, polyphenol, saponin…), các nguyên tố khoáng (Se, Cu, Mg, Zn,…).
– Các hợp chất chiết xuất từ lá có tác dụng chống đái tháo đường, chống oxy hóa, hạ cholesterol máu trên chuột thử nghiệm.
– Chiết xuất aceton của hạt có tác dụng kháng khuẩn chống lại các chủng Pseudomonas oleovorans và Vibrio cholerae.
– Nước sắc của quả chưa chín nhiều tanin làm giảm tiêu chảy. Chất xơ có đặc tính nhuận tràng tốt, giảm chứng táo bón và giúp bảo vệ màng nhầy ruột già đại tràng nguyên nhân gây ra những chất độc làm khó khăn vận hành ruột.
– Quả Hồng xiêm tươi, chín có nhiều nguồn vitamin, chất khoáng… là những hợp chất cần thiết cho sức khỏe vì chúng góp phần vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người.
Công dụng:
– Chất nhựa từ vỏ cây hoặc quả xanh dùng chế kẹo cao su (chewing). Nhựa chích từ vỏ cây được gọi là chicle covent, nhựa chích từ quả xanh gọi là chicle balanco, nhựa này được tiêu thụ rất nhiều ở Mỹ và Canada để dùng làm kẹo bạc hà, kẹo hồi, có khi được thêm chất pepsin với tên chewing gum hay pepsigum làm thơm miệng, sát khuẩn, chữa ho và giúp tiêu hóa.
– Vỏ thân được dùng chữa tiêu chảy và chữa sốt dùng dưới dạng thuốc sắc ngày uống 6 – 12g.
– Quả còn xanh chứa nhiều tanin và nhựa vị chát, tính bình có tác dụng làm săn, sát khuẩn chữa tiêu chảy, kiết lỵ; ngày dùng từ 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc. Quả xanh còn dùng chữa sốt rét, giải độc khi uống thuốc xổ mạnh.
– Quả chín có vị ngọt, tính mát dùng thuốc bổ dưỡng, nhuận tràng, lợi tiểu. Ngày dùng từ 3 – 4 quả.
– Lá già sắc nước uống dùng chữa ho, cảm lạnh, tiêu chảy.
– Hạt được nghiền nát dùng làm thuốc hạ sốt, lợi tiểu và để trục xuất sỏi bàng quang và thận.
– Dầu hạt có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu. Bột nhão chế biến từ hạt bôi vào vết thương do thú vật cắn có nọc độc. Hạt có chứa acid cyanhydric nên không được ăn. Nếu nuốt phải 6 hạt có thể gây ra đau bụng và nôn mửa. Lưu ý khi cho trẻ con và lớn tuổi ăn quả này cần loại bỏ hết hạt để tránh tình trạng nghẹn do nuốt phải hạt (do hạt rất trơn).
Ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, ngoài việc dùng quả chín Hồng xiêm để ăn bồi dưỡng sức khỏe còn dùng cây Hồng xiêm làm thuốc. Ở Vân Nam (Trung Quốc), vỏ thân Hồng xiêm dùng chữa viêm dạ dày, ruột cấp tính, viêm amygdal, bỏng lửa; quả dùng chữa đau dạ dày. Ở Malaysia, dùng quả xanh Hồng xiêm thái mỏng, nấu nước uống để chữa tiêu chảy. Ở Indonesia, sapotin trong cây Hồng xiêm được dùng làm chất giải nhiệt; hoa là một thành phần trong thuốc bột nhão đắp dùng cho phụ nữ khi sinh đẻ. Ở Mexico, một dung dịch trích từ hạt nghiền nát được dùng làm thuốc an thần, gây buồn ngủ.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}