Đây là dây leo, mọc bám nhờ rễ phụ. Cành lá phía dưới rất nhỏ. Lá hình trứng (số 1), gốc lá lệch, cuống rất ngắn 1–2 mm. Phía dưới cuống lá có 2 rễ phụ để sẵn sàng bám vào tường hoặc vách đá, thân cây. Phiến lá dài 20 – 30mm, rộng 10 – 20mm. Lá ở cành sinh sản trên cao (số 2) hình bầu dục dài, phiến lá to và dầy màu xanh thẫm, dài 92mm, rộng 42mm, hai mặt nhẵn, mép nguyên, gân lá nổi rõ, 5 gân ở gốc, 3 gân ở trên. Cuống lá dài 18mm, có lông mịn màu hung. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa đực rất nhiều mọc tụ ở đỉnh, hoa cái có 4 lá đài không bằng nhau. Quả phức to, hình chóp ngược, đầu bằng, đường kính chỗ lớn 35 – 40 mm, cùi nạc, mềm xốp, màu xanh. Khi chín chuyển màu tím nâu. Mùa hoa quả: tháng 5 – 10.
Ở nước ta cây Vương bất lưu hành có mặt ở khắp nơi, trừ vùng núi cao trên 1.500m. Cây mọc bám trên tường gạch, vách đá hoặc những cây to cổ thụ. Còn được trồng để làm mát nhà, hoặc cho leo lên trụ cổng, tường nhà của các biệt thự, đình chùa, miếu… cho thêm phần cổ kính. Trồng để lấy dược liệu làm thuốc: nên trồng những hàng cột cao 3m (gỗ hoặc bê tông) cách nhau 1,5m ở trên đồi, nơi nhiều nắng cho cây leo tốt. Cây được nhân giống bằng những đoạn thân có rễ ở đốt (đặt vài đoạn thân có rễ vào hộp nhựa hoặc túi nhựa, đục thủng đáy rồi cho đầy đất, tưới ẩm, để chỗ râm mát sau 30 ngày là bén rễ, khi cây phát triển thì đem trồng). Trồng vào cuối Xuân đến đầu Thu tốt hơn. Cây ít sâu bệnh, chỉ cần đủ ẩm và nhiều nắng sẽ cho nhiều quả và cành lá.
Bộ phận dùng làm thuốc
Quả (quả xộp, vương bất lưu hành, lương phấn quả, bị lệ thực) và thân mang lá (cành lá xộp, bị lệ lạc thạc đằng), lá, rễ.
Thu hái khi quả già, vỏ còn xanh, bổ dọc, phơi sấy khô (quả đã chín để làm mứt).
Cành, lá: thu vào mùa Hè, các cành sinh sản chưa ra hoa; tuốt lá để riêng, phơi hoặc sấy khô, khi dùng thái nhỏ, sao khô.
Theo Đông y, quả có vị ngọt, chát; tính bình, có tác dụng bổ thận, tráng dương, cố tinh, hoạt huyết, hạ nhũ.
Thân cành lá: vị chua, đắng, tính bình, có tác dụng lợi thấp, khư phong, tiêu thũng, tán kết. Rễ vị đắng, chát, tính bình; có tác dụng khư phong, trừ thấp, thông lạc, thư kinh.
Công dụng
Quả là thuốc bổ được dùng từ lâu đời chữa dương ủy, di tinh, liệt dương, đau lưng, lỵ lâu ngày thoát giang, tắc tia sữa, ít sữa. Liều dùng 5 – 15g, tối đa 20 – 30g, dạng thuốc sắc hoặc chế thành cao.
Cành, lá: chữa phong thấp, đau nhức chân tay, mình mẩy; đái buốt, đái rắt, đái ra máu; thoát vị bẹn; suy nhược sau ốm; trẻ em gầy còm. Rễ chữa đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau dây thần kinh tọa.
Không dùng các vị thuốc của cây vương bất lưu hành cho phụ nữ mang thai.
Bài thuốc
Quả xộp:
- Chữa dương ủy, di tinh: Quả sộp sao khô 12g, Dây sàn sạt 12g, sắc nước uống hàng ngày.
- Chữa liệt dương, di tinh, tim loạn nhịp: Quả xộp sao khô, Bạch khiên ngưu sao khô (lượng bằng nhau). Làm bột mịn, trộn đều, đựng trong lọ khô sạch có nút kín. Ngày uống 3 lần x 6g, chiêu với nước cơm.
- Chữa sưng vú, tắc tia sữa: Quả xộp 40g, Bồ công anh, Lá Mua mỗi vị 15g, sắc uống. Kết hợp đắp thuốc ngoài: Lá bồ công anh giã nhỏ chế với giấm, chưng nóng rồi đắp.
- Chữa ít sữa sau khi sinh: Quả xộp chín 7 quả, hầm với 1 chân giò lợn, ăn và uống hết trong ngày.
- Chữa đau xương đau người: Cao đặc quả xộp, ngày uống 5 – 10g (chế cao đặc: thái nhỏ quả sộp, nấu 2 lần với nước, lọc bỏ bã, cô thành cao đặc).
Cành lá xộp:
- Chữa đau xương, đau người: Cành lá xộp cắt nhỏ, nấu với nước 2 lần, lọc bỏ bã, cô thành cao đặc. Ngày uống 5 – 10g.
- Chữa thấp khớp mãn tính: Cành lá xộp, Thổ phục linh, Rễ cỏ xước, Rễ tầm xuân mỗi thứ 20g, Dây rung rúc 12g, Thiên niên kiện, Rễ gấc, Lá lốt, Dây đau xương, Cành dâu; mỗi thứ 10g. Tất cả thái nhỏ, sao khô, sắc lấy 100ml cao lỏng, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa đái buốt, đái rắt, đái ra máu: Cành lá xộp 30g, Rễ cỏ tranh 30g, Mã đề 20g, sắc nước uống.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}