Vitamin D có hai nguồn cung cấp khác nhau: do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn.
Dưới tác động của tia cực tím (UVB) của ánh nắng mặt trời, các tiền chất vitamin D, 7-dehydrocholesterol có sẵn trên da, được biến đổi thành vitamin D3. Sự tổng hợp vitamin D được thực hiện ở vùng chân bì. Đối với người trưởng thành, lượng vitamin D tổng hợp ở da đáp ứng đủ cho nhu cầu cơ thể.
Tuy nhiên, sự sản xuất vitamin D3 còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
– Tập quán ăn mặc (trùm kín,…)
– Màu da: da trắng có thể tổng hợp vitamin D3 100 lần cao hơn da sậm.
– Chất lượng của da: cùng một điều kiện phơi nắng, da của người cao tuổi (80 tuổi) tổng hợp ít vitamin D3 hơn so với người 20 tuổi.
Tại Hội nghị Nhi khoa quốc tế Paris, các chuyên gia y tế lưu ý: trùm trẻ nhỏ quá kín gây hạn chế tác dụng của UVB dẫn đến hạn chế tổng hợp vitamin D3 ở da, không lợi cho sức khỏe của bé.
Nhu cầu về vitamin D
– Người trưởng thành cần mỗi ngày: 10mcg vitamin D.
– Thai phụ và trẻ em dưới 3 tuổi, do nhu cầu khoáng hóa xương cao, cần 2 lần hơn: 20mcg/ngày.
– Người cao tuổi cần nhiều vitamin D hơn do khả năng tổng hợp vitamin D3 kém hơn hoặc người cao tuổi ít ra ngoài trời.
– Trẻ dưới 12 tháng tuổi cần 4 lần hơn: 40mcg/ngày.
Vitamin D cần thiết cho xương
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sự cốt hóa xương, vì vitamin D tác động đến sự chuyển hóa calci và phosphor.
Chức năng đầu tiên của vitamin D là gia tăng sự hấp thu calci ở hệ tiêu hóa và đưa phosphat calci vào tế bào xương. Vitamin D còn điều hòa sự tái hấp thu calci ở thận và sự đào thải calci.
Lượng vitamin D dưới 30ng/ml máu có thể gây loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương, cả khi thức ăn cung cấp lượng calci cao. Theo nghiên cứu thực hiện với 8.000 phụ nữ châu Âu mãn kinh (đăng trên tạp chí Curr. Med. Res. Opin., 8.2007), 2/3 các phụ nữ mãn kinh bị loãng xương do thiếu vitamin D. Theo các chuyên gia, những người từ 65 – 70 tuổi cũng cần bổ sung vitamin D. Để có bộ xương chắc khỏe, nên sử dụng thức ăn giàu chất calci và phơi nắng.
Bệnh còi xương thường tấn công trẻ nhỏ từ 6 – 18 tháng tuổi: vùng phát triển xương không khoáng hóa được. Nếu bệnh được phát hiện sớm, có thể chữa trị bằng vitamin D.
Chứng nhuyễn xương có thể xảy ra ở người trưởng thành: xương mất chất khoáng, giảm độ rắn chắc. Nếu chụp X-quang, hình ảnh xương trong suốt với tia X.
Chứng loãng xương, do khối lượng xương giảm, tăng nguy cơ gãy xương, thường là gãy xương đùi và xương chậu, có khi chỉ sau một chấn thương nhẹ.
Ngoài chức năng củng cố xương, vitamin D còn tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa lao.
Vitamin D bảo vệ tim
Một nghiên cứu Mỹ mới đây (Am. J. Cardiol., 10.2010), dựa vào 40.000 hồ sơ bệnh nhân cho biết, 2/3 trong số 40.000 bệnh nhân bị thiếu vitamin D. Trong nhóm này, số người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa, những người có tỷ lệ vitamin D trong máu bình thường giảm 2 lần nguy cơ mắc bệnh: động mạch vành, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Thừa vitamin D có thể dẫn đến nhiều rối loạn như chán ăn, khát nước dữ dội, rối loạn tiêu hóa, tăng calci niệu, sạn thận, vôi hóa các mô (mạch máu), hôn mê.
Để tránh thừa vitamin D, nên thận trọng trong sử dụng vitamin D dược phẩm và nên nhắm vào nguồn vitamin D thực phẩm.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}