PV: Chào ông, xin bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một mối quan tâm lớn của tôi, đó là tại sao năm qua kinh tế thế giới và nước nhà gặp nhiều khó khăn thì Pharmedic lại chia cổ tức cuối năm cho cổ đông với con số bất ngờ 150% trên vốn điều lệ?
TGÐ Trần Việt Trung: Kinh tế năm 2023 đúng là “thấm đòn”. Sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế nước ta đối mặt với vô số khó khăn khi sản xuất đình trệ và thất nghiệp gia tăng. Pharmedic không nằm ngoài số đó khi 8 tháng đầu năm công nhân chỉ sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho nhiều mà không tiêu thụ được vì sức mua quá yếu. Ðể trụ được, chúng tôi phải cho CB-NV làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày/tuần như trước đây. Phải đến tháng 9, công ty mới bật lên được, để rồi kinh doanh của 4 tháng cuối năm gỡ lại cho 8 tháng trước đó. Ðây là điều chưa từng có đối với Pharmedic.
PV: Vì sao có cú lật ngược tình thế ngoạn mục này, thưa ông?
TGÐ Trần Việt Trung: Mọi chuyện xuất phát từ dịch đau mắt đỏ hồi tháng 9.2023. Khi đó cả nước bùng phát dịch rất mạnh, gấp nhiều lần so với những năm trước. Trong bối cảnh đó, Pharmedic lại có mặt hàng thuốc nhỏ mắt Natri Clorid 0,9% đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng.
Kết quả là toàn bộ hàng tồn kho của công ty được tiêu thụ sạch. Thậm chí chúng tôi phải sử dụng hết công suất dây chuyền sản xuất và tăng ca để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy là chỉ trong vài tháng cuối năm, công ty đạt và vượt gần 4% chỉ tiêu doanh thu so với kế hoạch năm 2023, tăng 3,6% (tương đương 17,780 tỷ đồng) so với năm 2022. Xin nói thêm, trong thời gian này công ty thí điểm giao hàng đi các tỉnh miền ngoài bằng xe lửa, qua đó cũng tiết kiệm đáng kể chi phí giao hàng.
Dựa trên kết quả tích cực này, cùng với việc nguồn tiền công ty tích luỹ được từ hơn 10 năm qua, nên Hội đồng quản trị công ty xin ý kiến toàn thể cổ đông quyết định trả cổ tức năm 2023 150%, trong khi mức trả cổ tức từ 2010 đến nay là 24%/năm. Riêng hai năm 2022 và 2023, lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 3 con số, cụ thể trên 100 tỷ đồng!
PV: Thành công của Pharmedic năm qua nhờ thuốc nhỏ mắt Natri Clorid 0,9% thật thú vị. Thật ra lâu nay người dùng vẫn tín nhiệm sản phẩm này, nhưng vì sao thị trường vẫn gọi nó bằng cái tên ngộ nghĩnh “nước muối Sài Gòn”?
TGÐ Trần Việt Trung (cười): Ðó là cách gọi thân thương của người tiêu dùng phía Bắc với mặt hàng thuốc nhỏ mắt truyền thống của chúng tôi bởi họ tin yêu sản phẩm này. Vì là thuốc không kê đơn, người dân chỉ cần ra nhà thuốc yêu cầu tìm mua “nước muối Sài Gòn” hoặc “nước muối có chữ P” là người bán đưa cho họ sản phẩm của chúng tôi. Pharmedic có nhiều sản phẩm, nhưng như bất kỳ nhà sản xuất nào, chúng tôi chỉ có một số mặt hàng chủ lực trong đó có Natri Clorid 0,9%.
Phải gọi chính xác Natri Clorid 0,9% của Pharmedic là “thuốc”, vì khác những sản phẩm tương tự ngoài thị trường, sản phẩm Pharmedic đạt chuẩn vi sinh khắt khe. Ngoài ra nó có thể dùng để rửa mũi, đặc biệt là rửa mũi cho trẻ sơ sinh, hay rửa trực tiếp vết thương.
Như chúng ta biết, để rửa mắt, mũi, vết thương thì sản phẩm phải bảo đảm tuyệt đối vô trùng, nếu không người dùng có thể vô tình đưa thêm tác nhân gây bệnh vào cơ thể. Nói thêm, trong dịch Covid-19 cùng với Natri Clorid 0,9% chúng tôi còn có một số mặt hàng thuốc viên và súc miệng, họng như Farzincol, Tyrotab, Chlorfast, Orafar phù hợp với thị trường. Và ngoài thuốc nhỏ mắt, Pharmedic còn những sản phẩm chủ lực như dung dịch vệ sinh phụ nữ Gynofar, dung dịch sát trùng Povidine hay thuốc lợi gan mật B.A.R.
PV: Ra đời vào năm 1981, hơn 40 năm qua trong khi nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam chứng kiến bao thăng trầm thì Pharmedic vẫn phát triển ổn định và nhiều năm dẫn đầu toàn hệ thống Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) về doanh thu và lợi nhuận. Bí quyết nào có được điều này?
TGÐ Trần Việt Trung: Yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công có lẽ xuất phát từ mô hình mẹ - con được áp dụng sau một số lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, văn hoá và du lịch, nên chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Thứ hai là chúng tôi tập trung vào những mặt hàng chủ lực như thuốc nhỏ mắt, thuốc dùng ngoài để rửa, vệ sinh; thuốc tẩy trùng và sát khuẩn; mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Pharmedic xem mình được xã hội phân công, nên chỉ nhắm vào những mặt hàng quan trọng thiết yếu. Thí dụ nước muối của những đơn vị khác sản xuất theo hướng mỹ phẩm thì nước muối của Pharmedic lại là thuốc và sử dụng rất tiện lợi cho nhiều nhu cầu của cuộc sống.
Một yếu tố khác dẫn đến thành công là công ty kiên trì theo đuổi triết lý kinh doanh, mong muốn cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý, có ích cho sức khỏe cộng đồng và được tin tưởng ở mọi khu vực, vùng lãnh thổ. Công ty luôn xem khách hàng là trung tâm, cam kết thỏa mãn mọi nhu cầu hợp lý của họ, và tâm niệm sự hài lòng của khách hàng là bạn đồng hành của mình.
TGĐ TRẦN VIỆT TRUNG: “Pharmedic xem mình được xã hội phân công, nên chỉ nhắm vào những mặt hàng quan trọng thiết yếu” |
PV: Ngoài thuận lợi, có lẽ công ty cũng gặp không ít khó khăn. Ðâu là những khó khăn lớn mà công ty đang gặp phải?
TGÐ Trần Việt Trung: Trước tiên là một số bất cập về quy định pháp luật trong lĩnh vực dược. Chẳng hạn thông tư về đăng ký thuốc mới (TT 08/2022) có nhiều thay đổi và chưa thống nhất khi làm hồ sơ. Số đăng ký (SÐK) tuy từng bước được cải tiến, nhưng vì lượng tồn đọng quá nhiều nên ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dược. Hy vọng Luật sửa đổi sẽ được Quốc Hội thông qua trong năm nay sẽ giải quyết điều này.
Khó khăn khác là nếu chiếu theo công văn 2238/QLD-ÐK quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược thì một số thuốc không kê đơn và dùng ngoài của công ty không thể gia hạn SÐK do vướng xuất xứ công thức hoặc phải cung cấp dữ liệu lâm sàng. Ðiều này khiến SÐK một số thuốc của công ty đã có mặt trên thị trường từ vài chục năm nay, trong đó có những mặt hàng chủ lực, sẽ phải hết hạn vào ngày 31.12.2024 theo Nghị Quyết của Quốc Hội. Chưa kể, như nhiều doanh nghiệp dược khác, Pharmedic còn đối mặt với vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, hàng nhái và hàng giả - nhất là những mặt hàng được sử dụng nhiều và có uy tín trên thị trường.
PV: Dự báo thời gian tới kinh tế toàn cầu và nước nhà vẫn gặp nhiều thách thức, công ty đề ra định hướng gì để vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển?
TGĐ Trần Việt Trung: Do nhà máy hiện tại của công ty ở quận 12 không thể phát triển và mở rộng, nên công ty đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới trong khu công nghiệp. Nhà máy này sẽ đạt chuẩn GMP-EU của châu Âu để các mặt hàng của công ty có thể xâm nhập vào thị trường các nước tiên tiến cũng như đấu thầu ở nhóm cao hơn, đáp ứng nhu cầu thuốc với chất lượng cao hơn cho xã hội. Một định hướng khác là công ty phát triển các loại thuốc theo hướng công nghệ sinh học, phát triển mặt hàng thuốc trị điều trị ung thư.
Ngoài những giải pháp sản xuất, công ty vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến đội ngũ hơn 700 nhân viên; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của họ; làm sao để người lao động luôn yên tâm làm việc, gắn bó và cống hiến lâu dài cho sự phát triển bền vững của công ty. Như trong đợt dịch Covid-19, công ty và nhà máy phải đóng cửa trong gần 3 tháng, thế nhưng công ty vẫn cố gắng trả lương đầy đủ cho mọi nhân viên.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}