Về bản chất, hoạt động tình dục không khác gì một hoạt động gắng sức như leo dốc hay chơi thể thao. Trong hoạt động tình dục, tim phải làm việc nhiều hơn vì vậy cần nhiều máu đến nuôi tim hơn.
Một trái tim khỏe thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu hệ thống mạch vành nuôi tim bị tắc hẹp thì hoạt động tình dục có thể dẫn đến sự mất cân bằng cung - cầu lượng máu nuôi tim.
Để dễ hình dung, hoạt động tình dục tương đương với mức độ gắng sức khi leo cầu thang 2 tầng lầu liên tiếp, hoặc đi bộ vừa phải ở tốc độ 3 – 5km/giờ, hoặc chơi cầu lông.
1. Vậy hoạt động tình dục có dễ gây ra nhồi máu cơ tim không?
Đây là nỗi ám ảnh của không ít người, xuất phát từ một số “giai thoại” về những nhân vật đột tử trong khi hoạt động tình dục. Nhưng dưới góc độ khoa học điều này hoàn toàn không đúng. Thật vậy, một khảo sát trên 45 bệnh viện tại Mỹ cho thấy đối với người khỏe mạnh, xác suất hoạt động tình dục gây ra nhồi máu cơ tim chỉ ở mức 1 phần triệu mỗi giờ. Nghiên cứu này cũng kết luận kể cả với người có bệnh mạch vành thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim do hoạt động tình dục cũng không tăng hơn bao nhiêu so với người không có bệnh.
2. Còn với người bị nhồi máu cơ tim rồi, được hay không được phép hoạt động tình dục?
Nhồi máu cơ tim là biến cố mạch vành nuôi tim bị tắc nên một vùng cơ tim đột ngột không được tưới máu nuôi, dẫn đến chết tế bào cơ tim. Sau biến cố nhồi máu cơ tim, phải mất một thời gian để trái tim thật sự ổn định về hoạt động điện lẫn chức năng co bóp. Vì vậy, bác sĩ thường khuyên người bệnh nhồi máu cơ tim hạn chế các hoạt động gắng sức trong một thời gian. Điều này khiến nhiều người bệnh và thân nhân hiểu nhầm nên kiêng hoàn toàn “chuyện yêu” sau khi nhồi máu cơ tim.
Nhưng sự thật không phải như thế!
Một nghiên cứu tại Mỹ kéo dài 22 năm theo dõi những người đã bị nhồi máu cơ tim cho thấy tỷ lệ tử vong của những người duy trì hoạt động tình dục nhiều hơn 1 lần/tuần thấp hơn 35% so với những người kiêng tránh hoạt động tình dục. Kết quả này chứng tỏ hoạt động tình dục có lợi về mặt sức khỏe cho người có bệnh tim, kể cả người bị nhồi máu cơ tim.
3. Bao lâu sau nhồi máu cơ tim có thể hoạt động tình dục trở lại?
Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố như có thông mạch vành đặt stent hay không, có triệu chứng suy tim hay không, chức năng co bóp của tim sau biến cố nhồi máu cơ tim như thế nào. Nói chung ở giai đoạn cấp tính ngay sau nhồi máu cơ tim, nên kiêng tránh các hoạt động gắng sức thể lực để trái tim hoàn toàn ổn định. Khoảng 2 – 8 tuần sau nhồi máu cơ tim và khi người bệnh có thể leo cầu thang 2 tầng lầu mà không bị đau ngực hay hụt hơi khó thở, thì có thể xem như tim đã ổn định và có thể “yêu” bình thường. Nhưng bạn nên gặp bác sĩ tim mạch để được tư vấn chính xác cho trường hợp cụ thể của bản thân.
Lưu ý về sử dụng thuốc tim mạch và thuốc trị rối loạn cương Người có bệnh tim mạch nói chung và sau nhồi máu cơ tim nói riêng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn cương. Điều chỉnh vấn đề này khá phức tạp, bệnh nhân cần được bác sĩ tim mạch tư vấn và theo dõi. Nhìn chung người bệnh sau nhồi máu cơ tim cần lưu ý 2 điều sau về sử dụng thuốc tim mạch: 1. Không được tự ý ngưng thuốc tim mạch vì nghĩ rằng chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động. Điều này rất nguy hiểm và tuyệt đối không nên, nếu không có ý kiến của bác sĩ tim mạch. 2. Các thuốc điều trị rối loạn cương (như sildenafil và tadalafil) đều có tác dụng phụ gây tụt huyết áp nặng nếu dùng cùng lúc với thuốc giãn mạch vành chống đau ngực nhóm nitrat (như nitroglycerin, isosorbid mononitrat). Vì vậy bác sĩ tim mạch sẽ hướng dẫn cho bạn cách sử dụng 2 nhóm thuốc này một cách an toàn và hiệu quả nhất. |
Theo TSK số 685
Ngày đăng: 23/08/2024
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}