Bác sĩ Phù Đăng Khoa thao tác trên máy chụp X - quang AI trước khi chụp cho bệnh nhân. Ảnh: V.T
Tháng 11.2022, Sở Y tế TP.HCM triển khai đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân xã Thạnh An đến năm 2025”, trong đó ngoài việc điều động 2 bác sĩ tuyến trên đến đây tăng cường còn có việc đầu tư một máy X-quang AI.
Khi đó, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói đây là một điều “tưởng chừng khó thành hiện thực” cho công tác khám chữa bệnh ban đầu tại một trạm y tế, đặc biệt lại là trạm y tế của một xã đảo cách xa đất liền. Thật vậy, dù thuộc TP.HCM, nhưng Thạnh An cách trung tâm thành phố 70 km, địa hình trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều cường và khó có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Tại trạm y tế xã Thạnh An chiều ngày 6.1.2025, bác sĩ Luân Thanh Trường, trưởng trạm y tế, nói với người viết: “Trước đây mỗi tháng trạm trung bình khám 400 lượt bệnh nhân, nhưng từ khi có máy X-quang AI và bác sĩ tuyến trên đến tăng cường thì lượt khám tăng gần 500, tức tăng gần 20%”.
Nhưng con số này chưa nói lên tất cả, bởi theo bác sĩ Trường, từ khi triển khai đề án, nhiều bệnh nhân không còn phải vất vả lên tuyến trên khám bệnh, tiết kiệm được tiền bạc lẫn công sức. Thậm chí, biết trạm y tế ở đây có máy X-quang “xịn” và bác sĩ tuyến trên đến tăng cường, một số bệnh nhân nơi khác còn đến đây khám bệnh, chụp phim.
Cũng chiều ngày 6.1, bác sĩ Phú Đăng Khoa, khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, 1 trong 2 bác sĩ trẻ tuyến trên đến đây làm việc, đang chụp X-quang AI cho một bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Tại phòng chụp, bác sĩ Khoa giải thích, sau khi chụp bệnh nhân xong, máy lập tức chuyển hình ảnh cho AI đọc và kết quả có ngay trong vòng 1 phút. Anh nói: “Nếu bệnh nhân yêu cầu, chúng tôi in phim ra, còn nếu không, máy sẽ lưu trữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu của Sở Y tế và công ty sản xuất máy”.
Thực tế kể từ khi có máy X-quang kỹ thuật số và tích hợp AI này mà chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại Thạnh An được nâng lên rõ rệt. Trước đây, do chỉ có những công cụ chẩn đoán thô sơ, nên nhiều bệnh nhân đến trạm y tế cấp cứu đều được chuyển ngay lên tuyến trên, nhưng từ khi có máy X-quang hiện đại, tình hình đã thay đổi khá nhiều. Bác sĩ Trường chia sẻ: “Hai năm qua, nhờ máy X-quang giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh mà chúng tôi mạnh dạn giữ lại 9 ca cấp cứu chấn thương để điều trị tại chỗ”.
Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm Y tế xã Thạnh An khám cho một bệnh nhân. Ảnh: V.T.
Cũng tại trạm y tế Thạnh An còn có một hệ thống hội chẩn trực tuyến dựa trên hình ảnh được truyền tải qua PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) với các bệnh viện tuyến trên. Ứng dụng AI và PACS trong chẩn đoán X-quang phổi này rất có ích cho những nơi không có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, áp dụng nhiều tại các nước phát triển trên thế giới, nhưng lần đầu tiên có ở Việt Nam. Theo đó các cơ sở y tế tuyến trên sẽ hỗ trợ Thạnh An 24/7 để thẩm định kết quả các ca khó, ca nặng.
Sau 2 năm triển khai giải pháp này, các bác sĩ ở đây đã thực hiện được 9 ca hội chẩn với tuyến trên gồm 7 ca hội chẩn với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và 2 ca hội chẩn chuyên môn liên quan đến các bệnh lý nặng của phổi như xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, thâm nhiễm 2 đáy phổi.
Được biết việc đầu tư cho y tế xã đảo Thạnh An nằm trong chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay và những năm sắp tới của ngành y tế TP.HCM. Đây thực sự là một việc làm ý nghĩa và nhân văn, giúp thu hẹp sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe để mọi người đều được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất.
Theo TSK số 690+691
Ngày đăng: 20/01/2025
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}