Dùng thuốc đúng

04/12/2024 GMT+0700

Khi thuốc làm con người trở nên ..."xấu xí"

TS Y học lâm sàng Lê Thị Quỳnh Nhi (Singapore)

Năm 2011, Didier Jambart, một người Pháp 51 tuổi, đã kiện công ty dược Anh quốc GlaxoSmithKline khi cho rằng thuốc Requip trị Parkinson mà ông uống biến ông thành người mê cờ bạc, trộm cắp và nghiện tình dục đồng giới.

Người dùng thuốc chữa Parkinson ghi nhận những tác dụng phụ như cuồng dâm, đam mê cờ bạc và mua sắm quá độ. Ảnh: emeds.pk

Hung hăng sau khi dùng statin

Parkinson là một bệnh lý thần kinh khiến tế bào não bị thoái hóa, vì thế cơ thể thiếu hụt dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh ‘hạnh phúc’. Người bệnh có triệu chứng run rẩy, cứng cơ, chậm vận động, rối loạn thăng bằng.

Thuốc Requip (Ropinirole) giúp giảm các triệu chứng này nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ kỳ lạ nghiêm trọng. Giáo sư David Standaert, chuyên gia thần kinh của đại học Alabama tại Birmingham (Anh) nói: “Một số báo cáo trên người dùng thuốc chữa Parkinson ghi nhận những tác dụng phụ như cuồng dâm, đam mê cờ bạc và mua sắm quá độ. Chúng không phổ biến, nhưng nếu xảy ra thì thật bi kịch”.

Nghiên cứu đăng trên Archives of Neurology vào năm 2010 cho thấy khoảng 17% bệnh nhân Parkinson uống thuốc chủ vận dopamine như Requip gặp những rối loạn kiểm soát xung động, nghĩa là sau khi dùng thuốc họ bị thôi thúc làm một điều gì đó mà không thể kiểm soát.

Không chỉ thuốc trị Parkinson, loại thuốc phổ biến làm giảm mỡ máu statin cũng có thể gây một số tác dụng kỳ lạ ở người dùng. Beatrice Golomb, giáo sư y học đại học California (Hoa Kỳ), đã mô tả một người bệnh mà bà gặp khi nghiên cứu. Đó là một người đàn ông gần 60 tuổi bị đái tháo đường được dùng statin. Vợ của người bệnh cho biết kể từ khi uống thuốc, ông có biểu hiện hung hăng, nóng giận khiến người khác sợ hãi. Nhưng thật ngạc nhiên là chỉ sau 2 tuần ngưng uống statin, người bệnh quay lại con người như trước.

Người bệnh hung hăng sau khi dùng statin. Ảnh: Medinet

Nhiều ca bệnh gặp các tình huống bi kịch hơn như hôn nhân tan vỡ, thất bại nghề nghiệp, kể cả có ý định giết vợ. Điểm chung của hầu hết trường hợp này là triệu chứng chỉ xuất hiện khi họ dùng statin và họ cũng quay về bình thường sau khi …ngưng thuốc.

Vì sao có tình trạng này?

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu được ăn chế độ ăn ít cholesterol, thì mức serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh điều tiết cảm xúc và hành vi xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Điều này xảy ra trên động vật như linh trưởng, cá, ruồi giấm và kể cả con người. Vì vậy, nếu thuốc statin làm giảm cholesterol thì khả năng cao nó ảnh hưởng đến não bộ và dẫn đến các hành vi bạo lực.

Paracetamol và kháng sinh cũng là thủ phạm

Người dùng paracetamol giảm đáng kể niềm vui cá nhân và sự quan tâm đối với người chung quanh. Ảnh: Freepik

Dominik Mischkowski, nhà nghiên cứu tâm lý của đại học Ohio (Hoa Kỳ) là một trong những người tìm hiểu về mối liên hệ giữa paracetamol và tâm tính con người. Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2019, ông chia gần 200 sinh viên thành 2 nhóm, một nhóm dùng paracetamol liều 1.000mg và một nhóm dùng giả dược. Kết quả cho thấy người dùng paracetamol giảm đáng kể niềm vui cá nhân và sự quan tâm đối với người chung quanh.

Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau phổ biến. Thuốc tác động lên vùng thùy đảo (insular cortex) và tủy sống. Thùy đảo có vai trò quan trọng đối với sự đồng cảm (empathy), tức khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Như thế có khả năng một người dùng paracetamol sẽ giảm được cơn đau của mình đồng thời cũng trở nên thờ ơ với người khác.

Một vài kháng sinh cũng làm thay đổi tâm tính con người nhưng theo hướng tích cực. Ví như Isoniazid là thuốc kháng khuẩn được phát triển tại Hoa Kỳ vào những năm 1950 để trị lao. Nhưng sau đó các bác sĩ phát hiện ra các tác dụng phụ bất ngờ của nó là tạo hưng phấn, kích thích tâm thần, tăng cảm giác thèm ăn và cải thiện giấc ngủ. Từ đó isoniazid được xem là giải pháp điều trị tiềm năng cho bệnh trầm cảm. Một giải thích cho chuyện này là isoniazid ức chế enzyme monoamine oxidase (MAO), từ đó làm tăng nồng độ các monoamine trong não như noradrenaline, serotonin và dopamine.

Nhưng cũng có kháng sinh làm thay đổi tâm tính con người theo hướng tiêu cực, được ghi nhận lần đầu vào năm 2011 trong tạp chí General Hospital Psychiatry. Đó là trường hợp một cụ ông 75 tuổi, không có tiền sử bệnh tâm thần lại đột nhiên bị trầm cảm cấp tính và có ý định tự vẫn. Sau đó cơ quan điều tra ghi nhận đây là hậu quả của việc bác sĩ cho ông dùng 2 loại kháng sinh levofloxacin và trimethoprim sulphamethoxazole để điều trị nhiễm trùng sau phẫu thuật ung thư đại tràng.

Một số nghiên cứu cũng ghi nhận tác dụng phụ của các kháng sinh khác, như fluoroquinolones có thể gây rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, xuất hiện cơn hoảng loạn và suy giảm nhận thức. Lý giải ở đây là tác dụng của thuốc kháng sinh thông qua trục não-ruột-hệ vi sinh đường ruột (brain–gut–microbiota axis).

Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò quan trọng trong các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng thay đổi của hệ vi sinh đường ruột và bệnh trầm cảm nặng vì hệ vi sinh đường ruột liên quan đến sự tổng hợp của nhiều chất dẫn truyền thần kinh serotonin, norepinephrine và dopamine. Như thế một số kháng sinh làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột cũng có thể gây trầm cảm cho người dùng.

Nghiên cứu của một nhóm tác giả Trung Quốc đăng trên BMC Psychiatry vào năm 2023 cho thấy hiệu quả của prebiotic (carbohydrate mà con người không thể tiêu hóa như chất xơ), probiotic (vi sinh vật) và synbiotics (kết hợp prebiotic và probiotic) đối với khả năng cải thiện tình trạng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình.

DIDIER JAMBART ĐƯỢC BỒI THƯỜNG GẦN 250.000 USD

Didier Jambart (phải) xúc động sau khi nghe phán quyết. Ảnh: OUEST-FRANCE

Tháng 12/2012 tòa phúc thẩm thành phố Rennes (Pháp) buộc GlaxoSmithKline bồi thường 197.000 euro (gần 250.000 USD) cho Didier Jambart. Sau khi nghe phán quyết, ông bật khóc và nói với hãng tin AFP: “Bảy năm qua tôi đã chiến đấu với nguồn tài chính ít ỏi để ghi nhận một sự thật là GSK đã lừa dối và làm đảo lộn cuộc sống của tôi”.

Tòa án kết tội GSK đã không nêu rõ những tác hại của thuốc Requip, sản phẩm lưu hành tại Pháp từ năm 2003-2005 nhưng không hề cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc.

Jambart không phải là bệnh nhân Parkinson đầu tiên kiện một hãng dược về những tác dụng phụ của thuốc dùng. Trước đó năm 2008 tòa án Minneapolis đã buộc Pfizer và Boehringer Ingelheim bồi thường 8,2 triệu USD cho Gary Charbonneau khi ông dùng thuốc Mirapex và xuất hiện nhiều tính cách bất thường. Năm 2010, hơn 100 bệnh nhân Úc cũng kiện Pfizer và Aspen Pharmacare, nhà sản xuất các thuốc Cabaser và Permax khi họ dùng thuốc rồi trở nên nghiện cờ bạc, tình dục.

Do những phản đối của công chúng về nhóm thuốc trị Parkinson mà sau đó các hãng thuốc phải ghi cảnh báo lên nhãn bao bì sản phẩm để bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn thuốc.
 

 

Theo TSK SỐ 688

Ngày đăng: 4/12/2024
 

[Banner Mid] Hồng Phát


Ý kiến của bạn

{% item.name %}

{% item.comment %}

Đọc thêm

sile

Hệ vi khuẩn đường ruột, con đường từ phân đến thuốc

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Hơn một thập kỷ trước, con người biết rất ít về hệ vi khuẩn đường ruột (microbiome) sống vui vẻ bên trong và trên cơ thể chúng ta. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng có thể thay đổi tương lai sức khỏe con người.

sile

Vì sao chưa có thuốc ngừa thai nam?

21/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Đã có thuốc tránh thai nữ giới, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có thuốc tương tự cho quý ông? Vấn đề không đơn giản.

sile

Tết nhất cẩn thận bệnh tim mạch

31/01/2025 00:00:00 GMT+0700

Tết Nguyên Đán là dịp đoàn tụ gia đình cũng như gặp gỡ bạn bè người thân. Những bệnh nhân tim mạch cần lưu ý các biến cố tim mạch quan trọng như rung nhĩ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim có xu hướng tăng vào dịp năm mới.

sile

Bảo quản thuốc tại nhà cũng phải đúng cách

18/12/2024 00:00:00 GMT+0700

Ngày nay có lẽ gia đình nào cũng để một ít thuốc cần thiết tại nhà để dùng khi hữu sự. Nhưng nếu bảo quản thuốc sai cách, thuốc có thể gây hại cho người dùng.

sile

Khi thuốc làm con người trở nên ..."xấu xí"

04/12/2024 00:00:00 GMT+0700

Năm 2011, Didier Jambart, một người Pháp 51 tuổi, đã kiện công ty dược Anh quốc GlaxoSmithKline khi cho rằng thuốc Requip trị Parkinson mà ông uống biến ông thành người mê cờ bạc, trộm cắp và nghiện tình dục đồng giới.

sile

Những điều cần biết về vaccine sốt xuất huyết

04/11/2024 00:00:00 GMT+0700

Tháng 5 năm nay Bộ Y tế cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam và tháng 9 qua, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai tiêm vaccine này cho người dân.

sile

{% item.title %}

{% item.time_ago %}

{% item.short_description %}