Sảy thai luôn luôn là một chấn thương tâm lý, nhưng sau lần đó, trong 95% các trường hợp, thai nghén xảy ra bình thường. Tuy nhiên, nếu sảy thai liên tiếp cần phải kiểm tra tổng quát: tìm hiểu về tiền sử gia đình, phân tích nhiễm sắc thể của vợ chồng để tìm bất thường gen, xét nghiệm phát hiện một bệnh tự miễn như bệnh “lupus” đỏ, loại bỏ rối loạn về đông máu, định lượng hormon,…
Các nghiên cứu mới nhất thiên về dinh dưỡng cho thấy: béo phì hay gầy ốm có tác động xấu đến khả năng sinh sản. Đây là hai yếu tố nguy cơ sẩy thai. Nguy cơ gia tăng khi chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 ở phụ nữ quá béo cũng như khi BMI dưới 18,5 ở phụ nữ gầy còm quá mức. Không chỉ do trọng lượng cao, mà còn do khối mỡ bụng ảnh hưởng xấu đến thai. Nhiều mỡ bụng phản ánh nồng độ đường huyết cao. Béo phì tác động xấu đến noãn, phôi và nội mạc tử cung. Trọng lượng càng cao, chất lượng của noãn càng kém. Vì vậy, sự phát triển của phôi cũng bị biến chất. Chất lượng của nội mạc cũng bị tác động của thừa cân, béo phì; cả khi trứng đã làm tổ ở nội mạc, cũng có thể dẫn đến sẩy thai. Nghiên cứu cho thấy, sẩy thai liên kết với thừa cân, béo phì ở các trường hợp mang thai bình thường cũng như mang thai do thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện nay, các bác sĩ phụ khoa khuyên các phụ nữ muốn áp dụng sinh đẻ y học hỗ trợ, nên giảm cân nếu béo phì.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các phụ nữ bị sảy thai liên tiếp thường thiếu vitamin B9 (acid folic). Đôi khi, họ có tính đa hình di truyền, nên không hấp thu được B9. Nếu chế độ ăn của họ chứa ít B9, sự thiếu hụt B9 càng cao. Nhiều nghiên cứu đã xác định: những phụ nữ được bổ sung vitamin nhóm B giảm nguy cơ sẩy thai. Nếu phụ nữ được cung cấp nhóm vitamin B trước và trong lúc mang thai, nguy cơ sẩy thai giảm đến 57%.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}