Viêm cơ tim là một bệnh viêm của khối cơ tim, do sự xâm nhập tế bào miễn dịch vào trong cơ tim. Thời gian qua, sau khi tiêm vaccin phòng COVID-19 dạng mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) đã ghi nhận tình trạng bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở nam giới trẻ và trẻ vị thành niên sau vài ngày tiêm. Thường gặp ở liều thứ 2, trong vòng 1 tuần, phần lớn hồi phục tốt sau chăm sóc y tế và trở lại sinh hoạt bình thường sau đó.
Chữa triệu chứng trong chứng viêm cơ tim
Giống như bất kỳ bệnh lý nào, để chữa trị trước hết phải tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân nếu có thể. Sau đó, tùy theo triệu chứng bệnh nhân sẽ được quan tâm chữa trị. Chẳng hạn như suy tim thì bệnh nhân được dùng lợi tiểu, nitrat, thuốc ức chế men chuyển, thuốc tăng co bóp cơ tim… có thể được dùng thêm thuốc kháng đông, thuốc chống loạn nhịp. Trong một số trường hợp có thể phải dùng thuốc ức chế miễn dịch (trong đó có corticoid). Ở các trung tâm tim mạch lớn của thế giới người ta còn đề cập đến vấn đề ghép tim cho các bệnh nhân viêm cơ tim gây hậu quả suy tim không phục hồi được. Bên cạnh đó bệnh nhân phải có chế độ sinh hoạt phù hợp: nghỉ ngơi tại giường, tránh các hoạt động gắng sức trong giai đoạn cấp, ăn giảm muối để chữa suy tim.
Bài bản thì như vậy nhưng thật may mắn phần lớn các trường hợp viêm cơ tim không có triệu chứng sẽ tự giới hạn, mà đa phần mắc bệnh này lại không biểu hiệu triệu chứng, nhất là các trường hợp sau tiêm vaccin mRNA đã nêu. Tất nhiên, bệnh nhân có triệu chứng sẽ tiên lượng xấu hơn, rối loạn chức năng tâm thất có thể ổn định hoặc tiến triển thành bệnh cơ tim dãn nở và suy tim. Có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị đột tử bất chấp điều trị như thế nào. Về lâu dài, nếu suy tim tiến triển sẽ làm cho bệnh nhân có tiên lượng xấu, đây là nguyên nhân gây tử vong.
Khó xác định chính xác nguyên nhân gây viêm cơ tim
Thuật ngữ “viêm cơ tim” làm người ta liên tưởng đến nguyên nhân do nhiễm trùng. Tuy nhiên, viêm cơ tim còn do những nguyên nhân khác ngoài nhiễm trùng và rất đa dạng, đôi khi không tìm thấy một nguyên nhân nào (có thể đến 50% các trường hợp viêm cơ tim). Các nhóm nguyên nhân được liệt kê ở bảng 1. Mọi người thường nghĩ rằng: các tác nhân gây bệnh nêu trên sẽ tấn công trực tiếp làm tổn thương tế bào cơ tim nhưng chỉ có một phần nhỏ trường hợp là như vậy. Một số trường hợp khác là do độc tố của vi trùng (như vi trùng bạch hầu), nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế tổn thương do miễn dịch là gặp nhiều nhất. Trong các trường hợp bị nhiễm virus chẳng hạn, khi virus không còn trong cơ thể thì viêm cơ tim vẫn tiến triển. Các tác nhân gây bệnh làm kích hoạt đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào dẫn đến tổn thương cơ tim. Đây là một dạng tự miễn dịch (người ta tìm thấy các cytokin trong cơ tim).
Triệu chứng của viêm cơ tim: không đặc hiệu
Có rất nhiều biểu hiện khác nhau ở bệnh nhân viêm cơ tim, người gặp triệu chứng này, người gặp triệu chứng khác. Người bệnh có thể bị đau ngực nhẹ, sốt, khó thở hoặc nếu viêm do virus thì sẽ có triệu chứng bị cúm trước đó 1 – 2 tuần: sốt, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, viêm hô hấp trên. Một số trường hợp bị rối loạn nhịp tim khiến họ vào bệnh viện và được chẩn đoán đúng viêm cơ tim, có thể bị nhịp nhanh, ngất, thậm chí đột tử do rối loạn nhịp nguy hiểm. Trong phần lớn các trường hợp chẩn đoán viêm cơ tim do bệnh nhân khỏe mạnh bình thường đột nhiên bị suy tim trái cấp và tình trạng suy tim này hồi phục sau khi điều trị tích cực.
Dựa trên bất thường ở tim khi thăm khám kết hợp với siêu âm tim, điện tâm đồ, thông tim, sinh thiết nội mạc cơ tim, xét nghiệm máu,… có thể chẩn đoán xác định bệnh viêm cơ tim. Xét nghiệm máu cho thấy tình trạng viêm nhiễm và tổn thương tế bào cơ tim (men tim tăng). Một số trường hợp bệnh nhân đau ngực, xét nghiệm men tim tăng được chẩn đoán nhầm với nhồi máu cơ tim cấp. Ở bệnh nhân viêm cơ tim thì các bất thường trên sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau thời gian điều trị.
Bảng 1 TÁC NHÂN GÂY VIÊM CƠ TIM |
|
RNA-virus | Picoma (Coxsackie A, B, Echo, Polio) Orthomyxo (influenza A, B, C) Paramyxo (Rubella, Mumps) Hepatitis C Toga (sốt xuất huyết, sốt vàng) |
DNA-virus | Adenovirus Parvovirus B19 Herpesvirus HIV |
Vi khuẩn | Diphtheria Salmonella corynebacteria |
Spirochete | Clamydia pneumoniae Borrelia burgdorferi |
Rickettsia | Ricketsiaa ricketsii Coxiella burmetii |
Protozoa | Trypanosoma cruzi (bệnh Chaga) Toxoplasma gondii Malaria Amaebiasis Leishmaniosis |
Parasite | Trichinella Echinococcus Ascaridae |
Nguyên nhân khác | Mycoplasma Legionella |
Nấm | Aspergillus Candida Cryptococcus Histoplasma |
Ngộ độc | Rượu |
Thuốc | Anthracycline Catecholamine Interleukin-2 Interferon-a |
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}