Có nhiều cách được cho là có thể làm trắng da: từ các biện pháp dân gian, đến các loại mỹ phẩm dùng tại chỗ hay toàn thân và cả những thủ thuật khác nhau được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ (được cấp phép hay làm chui!). Những cách này cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro mà mọi người cần phải chú ý đề phòng.
Phổ biến nhất hiện nay là nhiều người sử dụng các loại kem bôi da bày bán trên thị trường với rất nhiều chủng loại. Nhiều sản phẩm được quảng cáo rất hấp dẫn như: có thể nhanh chóng tẩy trắng da, làm bay vết thâm, vết nám, tàn nhang, vết sẹo trên da,… hoặc chống lão hóa, làm trẻ hóa da,…
Bài này chủ yếu chỉ đề cập đến các loại kem được cho là có tác dụng làm trắng da mà nhiều người thường sử dụng, với những điều cần lưu ý từ các cơ quan hữu trách và các nhà khoa học có uy tín trên thế giới.
Theo tạp chí International Dermatology, các sản phẩm tẩy trắng da đang gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng vì nhiều loại có chứa thủy ngân, một kim loại nặng độc hại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem đây là “một cuộc khủng hoảng toàn cầu, dự kiến sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn với nhu cầu tăng vọt, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á và Trung Đông” (vốn là vùng mà đa số dân có làn da sẫm màu và có thể bị mặc cảm trong mối quan hệ giao tiếp quốc tế với xu hướng kỳ thị màu da).
Theo WHO, các sản phẩm làm sáng da có chứa thủy ngân rất nguy hiểm cho sức khỏe và do đó đã bị cấm ở nhiều quốc gia. Nhưng ngay cả ở một số nước đã có quy định chặt chẽ để hạn chế những sản phẩm như vậy, chúng vẫn được quảng cáo và có sẵn cho người tiêu dùng thông qua Internet và các phương tiện khác.
Năm 2018, từ một nghiên cứu quy mô lớn các mẫu kem làm trắng da thu thập tại 17 quốc gia, bao gồm Mỹ, Mexico, Ấn Độ,… các nhà phân tích đã phát hiện là gần một nửa (47,6%) trong số 271 mẫu được kiểm tra có chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép. Giới hạn lượng thủy ngân tối đa cho phép có trong các sản phẩm dùng ngoài da là 1ppm (= 1 phần triệu!).
Trước đó, vào năm 2011, nhà chức trách y tế bang Minnesota (Mỹ) đã kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm làm sáng da được bán trong các cửa hàng Twin Cities: Có 11 trong số 27 sản phẩm (41%) chứa hàm lượng thủy ngân vô cơ quá mức (dao động từ 135 – 33.000ppm !!!).
Điều rất phổ biến là nhiều loại mỹ phẩm và kem bôi da được bày bán trên thị trường thường không ghi đúng hoặc đầy đủ thành phần các hoạt chất được sử dụng.
Thật ra, tác dụng của thủy ngân trong kem bôi da là ức chế sự hình thành của hắc tố (melanin), giúp da sáng hơn. Thủy ngân cũng có thể tác dụng trên một số dạng mụn trứng cá.
Tuy nhiên, những người sử dụng các sản phẩm có chứa thủy ngân trên da có thể bị phản ứng gây viêm da, thay đổi màu da, làm giảm khả năng bảo vệ chống nhiễm trùng của da… Nếu dùng lâu dài, thủy ngân còn có thể gây bệnh lý thần kinh ngoại biên, rối loạn tâm thần, trầm cảm, tổn thương thận… Với hàm lượng tích lũy cao, các hợp chất của thủy ngân có thể gây tử vong.
Ngoài ra, việc dùng các mỹ phẩm có chứa thủy ngân còn có thể gây tác hại cho môi trường: Thủy ngân từ mỹ phẩm có thể theo dòng nước ra sông biển, nhiễm vào các loại thủy hải sản làm nguồn thực phẩm cho người, về lâu dài có thể gây các chứng nhiễm độc, ung thư...
Ngoài thủy ngân, các hoạt chất thường được sử dụng trong kem tẩy trắng da có thể là hydroquinon, retinoid, niacinamid, vitamin C,…
– Hydroquinon có trong nhiều sản phẩm tẩy trắng da với tác dụng làm giảm sắc tố da. Kết quả thường xuất hiện trong vòng 3 – 6 tháng sau khi thoa thuốc một đến hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên, hydroquinon cũng có thể gây 1 số tác dụng phụ như: làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, kích ứng da, làm khô da, hoặc làm đổi màu da sang xanh xám hoặc đen (ochronosis),…
– Các retinoid như retinol, tretinoin... nói chung là an toàn. Chúng có thể giúp đẩy nhanh quá trình thay da, giúp mau lành vết thương, làm giảm các dấu hiệu sau viêm do mụn trứng cá, cũng như chứng tăng sắc tố ở da. Tuy nhiên, cũng như hydroquinon, các retinoid làm cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, dễ làm khô da, bong tróc da dưới ánh nắng; vì vậy, thường cần phải dùng thêm kem chống nắng.
Điều cần lưu ý là những mỹ phẩm hay dược phẩm chứa retinoid không được sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, vì có khả năng gây hại cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
– Niacinamid: Khá an toàn khi dùng với liều lượng nhỏ bôi ngoài da để làm giảm các vết đồi mồi và các dạng tăng sắc tố khác.
– Vitamin C: có thể liên kết với melanin, làm giảm sản xuất melanin và giải quyết tình trạng tăng sắc tố một cách khá an toàn, nhưng có tác dụng rất yếu và không bền.
Nói chung, tác dụng của các loại kem tẩy trắng da cũng có mức độ. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các sản phẩm này cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn.
Những nỗ lực để thay đổi tông màu da trên toàn bộ cơ thể thường không mang lại hiệu quả như ý và có thể gặp rủi ro hơn nhiều. Nó có thể dẫn đến các vết loang lổ, màu sắc không đồng đều hoặc làm tăng sắc tố, làm cho da sẫm màu hơn ở nhiều nơi.
Một số biện pháp dân gian để cải thiện làn da như tắm hoặc thoa các loại sữa tươi, yaourt, gel lô hội, mật ong, nước vo gạo, bột nghệ, bột ngũ cốc hay yến mạch,… cũng có thể có ít nhiều tác dụng, nhưng chưa được nghiên cứu và chứng minh cụ thể.
Điều cần lưu ý là ngoài lý do di truyền không thể thay đổi, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến màu sắc và độ tươi nhuận của làn da như tình trạng sức khỏe (cả thể chất và tinh thần), chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và làm việc, thời tiết (đặc biệt là việc tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời),…
Vì vậy, điều đáng quan tâm để giữ cho làn da tươi nhuận, hấp dẫn hơn là giữ gìn sức khỏe thể chất và cả tinh thần, ăn uống đủ dưỡng chất, uống đủ nước và hạn chế bia, rượu, hoặc các chất kích thích. Tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức. Tránh thức khuya, mất ngủ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời vào những giờ nắng gắt, nếu cần phải có phương tiện che chắn hoặc bôi kem chống nắng để bảo vệ.
Một điều cũng cần lưu ý là một làn da tươi nhuận, hấp dẫn… thường chỉ thể hiện ở những người luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ, không mang nét ưu tư, nhăn nhó… chứ chủ yếu không phải do ở màu da.
Điều này thì không một loại mỹ phẩm nào có thể thay thế được.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}