Đây là loại cây gỗ to, cao 15 – 20m, vỏ thân nhẵn, màu xám bóng, cành non có lông tơ màu nâu, sau nhẵn. Lá mọc so le, hình trứng hay hình bầu dục, mặt trên nhẵn, màu xanh nhạt, mặt dưới phủ lông trắng hình sao, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, có 5 – 7 đôi gân phụ. Cụm hoa là chùm dài ở kẽ lá và đầu cành, phủ nhiều lông hình sao. Hoa nhỏ, màu trắng, có mùi thơm nhẹ; đài hình chén, có 5 – 6 răng nhỏ; tràng có 5 cánh, hàn liền ở dưới, mặt ngoài có lông tơ màu vàng. Nhị 10 cánh, có lông hình sao. Bầu hình trứng, 3 ô, chứa nhiều noãn. Quả hình trứng có lông hình sao, mang đài tồn tại. Mùa hoa, quả: tháng 5 – 8.
Cây Bồ đề mọc hoang và được trồng ở một số tỉnh miền núi và trung du phía Bắc nước ta (từ Hà Tĩnh trở ra). Ngoài ra, cây còn có ở Nam Trung Quốc và Thái Lan.
Nhựa dầu từ thân cây Bồ đề để khô gọi là An tức hương hay Cánh kiến trắng, màu vàng nhạt, chất giòn, dễ vỡ, mùi thơm vani đặc biệt. Vị hơi cay, khi nhai có cảm giác sạn.
Về thành phần hóa học, theo N.Đ. Chúc (luận án Tiến sĩ, 1972), nhựa Bồ đề chứa 26,13% acid benzoic tự do, 2,75% acid cinnamic, 1,38% vanilin, 4,24% benzoyl benzoat, 1,81% cinamyl cinnamat, 1,23% benzyl cinnamat, alcol coniferylic, acid siaresimolic.
Theo y học cổ truyền, nhựa Bồ đề (An tức hương) có vị cay, đắng, tính bình, không độc; vào các kinh tâm, phế, tỳ; có tác dụng khai khiếu, an thần, tán đờm, kháng khuẩn, làm liền sẹo; dùng chữa viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, ho, đau bụng do lạnh. Dùng ngoài: nhựa Bồ đề pha dung dịch 20% trong cồn để bôi, làm vết thương chóng lành và chữa nẻ vú.
Nhựa Bồ đề còn được dùng làm hương liệu, mỹ phẩm và trong công nghiệp thực phẩm.
Ở Việt Nam, gỗ Bồ đề là nguyên liệu trong ngành gỗ dán, bột giấy, que diêm, bút chì và chế sợi nhân tạo.
Chú ý: Tránh nhầm lẫn cây Bồ đề cho vị thuốc An tức hương nói trên với cây Đa bồ đề (dân gian vẫn quen gọi là ‘Bồ đề’), tên khoa học là Ficus religiosa L., họ Dâu tằm (Moraceae). Gọi là Đa bồ đề vì cây này cùng chi Ficus với các loài Đa như Đa búp đỏ, Đa lông, Đa tía,...
Đa bồ đề là cây gỗ lớn, cao 20 – 30m. Lá hình tim dài 10 – 17cm, rộng 8 – 12cm, đầu lá kéo dài 2 – 4cm thành mũi nhọn, cuống lá mảnh, dài 5 – 8cm. Quả hình cầu, dạng sung, vả, đường kính khoảng 1cm, không cuống, lúc chín có màu đỏ đậm. Mùa hoa quả tháng 1 – 4. Cây thường được trồng ở các đình, đền, chùa, công viên, cả đồng bằng và vùng núi.
Cây Đa bồ đề có nguồn gốc ở Ấn Độ, được Phật giáo xem là một biểu tượng thiêng liêng, liên quan đến sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ngồi thiền định dưới gốc cây này và giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo.
Theo các nhà khoa học Ấn Độ (2010), cây Đa bồ đề chứa các chất như b-sitosteryl-D-glucosid, vitamin K, n-octacosanol, kaempeferol, quercetin và myricetin; có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống co giật, điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa, hạ đường huyết, hạ mỡ máu, trị giun và làm lành vết thương.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}