Sự cân bằng giữa sự phân hủy xương cũ và hình thành xương mới thay đổi tùy theo từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời chúng ta. Ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên, xương mới được hình thành rất nhanh, điều đó giải thích tại sao trong giai đoạn này xương của chúng ta phát triển to hơn và khỏe hơn (đặc hơn); mật độ xương đạt đến đỉnh điểm vào khoảng giữa đến cuối tuổi 20. Sau đó xương mới được tạo ra với tốc độ tương đương với tốc độ xương cũ bị phá hủy, bộ xương của một người bình thường vào tuổi trưởng thành được thay mới hoàn toàn trong khoảng 7 – 10 năm. Cuối cùng, từ khoảng 40 tuổi trở đi, xương bắt đầu bị phá hủy nhanh hơn thay thế; do đó, mật độ xương giảm đi dần dần.
Tất cả chúng ta đều bị mất xương ở một mức độ nào đó khi già đi. Loãng xương xảy ra khi xương trở nên mỏng manh, cấu trúc tổ ong lớn hơn và mật độ xương thấp khiến cho xương dễ bị gãy hơn. Điều này có thể là do sự mất cân bằng trong hoạt động của nguyên bào xương và hủy cốt bào, dẫn đến sự hình thành xương và tái hấp thu xương không đồng đều.
Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh do nồng độ estrogen giảm một cách tự nhiên, ngoài ra còn có thể do những nguyên nhân khác như suy sinh dục, bệnh Celiac hay do thuốc (corticoid). Sự thiếu hụt calci và vitamin D cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương vì khi calci được hấp thu từ đường ruột ít hơn, cơ thể sẽ phải giải phóng calci dự trữ để bù đắp nhằm làm tăng lượng calci trong máu. Khi đó, hoạt động hủy xương tăng lên gây mất xương nhiều hơn và tăng nguy cơ gãy xương. Các chuyên gia sức khỏe ước tính, sau 50 tuổi cứ 2 phụ nữ thì có 1 người và 4 nam giới thì có 1 người mắc bệnh loãng xương sẽ bị gãy xương do căn bệnh này. Những người đã bị gãy xương có nguy cơ bị gãy xương tiếp theo trong tương lai cao hơn: 10% trong vòng một năm, 18% trong vòng hai năm và 31% trong vòng 5 năm.
Bisphosphonat là một nhóm thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương. Do ái lực cao với khoáng chất của xương và khả năng liên kết với các tinh thể hydroxyapatit, những loại thuốc này có tác dụng tốt trong việc ức chế sự kích hoạt của hủy cốt bào và giảm sự tiêu xương; do đó, làm giảm tình trạng mất xương.
Có 2 nhóm thuốc bisphosphonat:
– Nhóm không chứa N gồm: clodronat; etidronat; tiludronat;
– Nhóm chứa N gồm: alendronat, ibandronat, olpadronat, pamidronat, risedronat, zoledronat, trong đó alendronat, risedronat, zoledronat có hiệu quả chống loãng xương tốt hơn cả.
Alendronat là một trong những loại thuốc được kê toa phổ biến nhất để điều trị loãng xương. Tại Mỹ, năm 2020, ước tính có khoảng 2,01 triệu bệnh nhân dùng thuốc này. Đối với bệnh loãng xương sau mãn kinh, alendronat là thuốc phổ biến nhất kể từ năm 1996. Alendronat làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống, xương không đốt sống và xương hông ở phụ nữ sau mãn kinh khi so sánh với việc chỉ bổ sung calci và vitamin D. Ở phụ nữ sau mãn kinh, dùng alendronat trong một năm giúp giảm 47% nguy cơ gãy xương ngoài đốt sống so với giả dược.
Ở nam giới bị loãng xương, alendronat làm tăng đáng kể mật độ xương của cột sống, hông và toàn bộ cơ thể, cùng với việc giảm tỷ lệ gãy xương đốt sống so với gãy xương ngoài xương sống.
Liều dùng: Trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh: 10mg/ngày hoặc 70mg/lần/tuần; Ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh: 5mg/ngày hoặc 35mg/lần/tuần. Điều trị loãng xương ở nam giới: 10mg/ngày hoặc 70mg/lần/tuần.
Ibandronat có thể làm tăng đáng kể mật độ xương sau 12 tháng điều trị. Sử dụng ibandronat ở phụ nữ sau mãn kinh sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng có thể làm giảm lượng xương bị mất trong vòng 6 tháng. Đáng chú ý, ibandronat đã được chứng minh là chỉ ngăn ngừa gãy xương cột sống chứ không ngăn ngừa gãy xương hông hoặc xương không đốt sống.
Liều dùng: 2,5mg mỗi ngày một lần vào buổi sáng, hoặc dùng 150mg, uống 1 lần/tháng vào cùng một ngày mỗi tháng.
Risedronat là một bisphosphonat thế hệ thứ ba. Trong 3 năm, risedronat đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ gãy xương đốt sống tới 41% và gãy xương ngoài đốt sống xuống 39%. Khi so sánh với giả dược, risedronat có tác dụng lớn hơn trong việc tăng mật độ xương của cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, mấu chuyển xương đùi và trục giữa của xương quay. Đối với phụ nữ bị loãng xương, trong độ tuổi từ 70 – 79, tỷ lệ gãy xương hông khi điều trị bằng risedronat thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược.
– Điều trị hoặc phòng ngừa loãng xương thời kỳ sau mãn kinh: uống 5mg/ngày hoặc hoặc 35mg/lần/tuần.
– Điều trị hoặc phòng ngừa loãng xương do corticoid: uống 5mg/ngày.
Zoledronat là một bisphosphonat dùng đường tiêm tĩnh mạch có thể dùng mỗi năm một lần và có hiệu lực cao nhất trong nhóm. Ở phụ nữ sau mãn kinh, nó làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương đốt sống tới 70% và gãy xương hông tới 41%. Zoledronat cũng cho thấy làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống. Ngoài ra, nó làm tăng đáng kể mật độ xương của toàn bộ hông, cột sống thắt lưng và cổ xương đùi.
– Điều trị loãng xương (sau mãn kinh hay do corticoid): một liều đơn 5mg, truyền tĩnh mạch 1 năm/lần.
– Dự phòng loãng xương: dùng 5mg truyền tĩnh mạch, cách 2 năm/lần.
Vì bisphosphonat có khả năng tích tụ trong xương và tiếp tục có tác dụng sau khi ngừng thuốc một thời gian nên đối với những bệnh nhân nguy cơ gãy xương thấp, việc điều trị có thể dừng lại sau khoảng 5 năm và không cần tiếp tục nếu mật độ xương ổn định và không bị gãy xương. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao hơn, liệu pháp bisphosphonat có thể được duy trì trong 10 năm, sau đó nghỉ tối đa 1 hoặc 2 năm. Thời gian nghỉ thuốc phụ thuộc vào từng bisphosphonat và nguy cơ của từng bệnh nhân cụ thể, điều này sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.
Cách dùng: uống thuốc vào buổi sáng lúc đói, trước ăn với nhiều nước, không ăn uống gì trong 30 – 60 phút sau uống hoặc tiêm thuốc. Người bệnh nên ngồi thẳng hoặc đi lại sau khi uống thuốc khoảng nửa tiếng để tránh tác dụng phụ. Trong thời gian dùng thuốc bisphosphonat, người bệnh vẫn cần tuân thủ việc bổ sung calci và vitamin D theo liều lượng kê đơn.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc xảy ra trên đường tiêu hóa, thuốc đã được ghi nhận là gây ra những tổn thương ở thực quản với nhiều dạng tổn thương khác nhau với nhiều cấp độ. Nhẹ thì người bệnh bị viêm thực quản, nặng thì bị loét thực quản. Nếu thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất khi uống thuốc sẽ hạn chế được tác dụng phụ này. Thuốc có thể gây ra đau cơ, đau xương nặng, đau khớp, cần báo bác sĩ và có thể phải ngưng thuốc nếu những triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
Một số biến chứng nguy hiểm khi dùng bisphosphonat kéo dài gồm hoại tử xương hàm và gãy xương đùi không điển hình. Trong khi hoại tử xương hàm khi dùng bisphosphonat dường như phổ biến hơn ở bệnh nhân ung thư, thì tỉ lệ gãy xương đùi không điển hình có liên quan đến việc dùng điều trị bisphosphonat loãng xương và dường như tăng lên sau 3 đến 5 năm điều trị. Vì vậy, người bệnh sau khi dùng thuốc khoảng 3 – 5 năm cần thông báo cho bác sĩ biết, căn cứ vào nguy cơ của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định ngừng thuốc một thời gian hay tiếp tục sử dụng. Dù ngưng sử dụng thuốc nhưng tác dụng chống gãy xương của bisphosphonat vẫn còn kéo dài một thời gian nữa mà lại giảm tác dụng phụ, đặc biệt là nguy cơ gãy xương đùi không điển hình.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}