Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta, đặc biệt càng ngày càng có nhiều biến thể của nCoV gây không ít khó khăn cho tác dụng của vaccin, trong đó phải kể đến biến chủng Delta. Biến chủng này đã lây lan khắp toàn cầu làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Chúng ta đều biết, để phòng bệnh hiệu quả tốt nhất là tiêm vaccin, bởi vì, vaccin được ví như “tấm lá chắn” đối với nCoV (phòng được lây nhiễm, và nếu bị lây nhiễm thì cơ thể có kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh là nCoV). Tuy vậy, tiêm vaccin đủ liều vẫn có thể gặp một số trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2, trong số đó có thể mắc bệnh, số còn lại là người lành mang virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cho người khác khi tiếp xúc, đặc biệt là đối tượng dễ bị lây nhiễm và mắc bệnh COVID-19. Gần đây ở Bình Phước trong số bệnh nhân mắc COVID-19 có cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccin, hoặc tại Hà Nội, sáng 27.10.2021, Sở Y tế Hà Nội cho biết tính đến hết ngày 26.10.2021, thành phố đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 5.996 người từ các tỉnh phía Nam về Hà Nội, qua đó phát hiện 42 trường hợp dương tính. Đáng chú ý, trong số này có 27 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccin phòng COVID-19. Vì vậy, việc tiêm vaccin (đủ mũi) không đồng nghĩa với việc ngăn chặn 100% khả năng lây nhiễm virus.
Vai trò của vaccin phòng SARS-CoV-2
Khi được sử dụng, vaccin sẽ kích thích hệ miễn dịch cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh và đồng thời giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh tương ứng với vaccin đã dùng mỗi khi tác nhân gây bệnh đó xâm nhập cơ thể (được gọi là trí nhớ miễn dịch – Xem thêm bài Sau khi chích ngừa COVID-19 cần thu kết quả gì?, trang 5). Đối với COVID-19 cũng vậy, vaccin được ghi nhận có tác dụng làm giảm khả năng lây nhiễm, giảm khả năng nhập viện, giảm khả năng tăng nặng của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và nếu đã tiêm vaccin đủ liều, nếu mắc bệnh khó bị bệnh nặng do COVID-19 gây ra.
Về vấn đề này, ngày 10.9.2021, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ba nghiên cứu cho thấy mức độ hiệu quả cụ thể của vaccin COVID-19 trong ngăn ngừa lây nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19. Trong ba nghiên cứu của CDC Mỹ, có một nghiên cứu thực hiện với hơn 600.000 ca bệnh COVID-19 tại 13 bang chiếm khoảng 1/4 dân số Mỹ, trong thời gian từ tháng 4 – 7.2021. Kết quả cho thấy người chưa tiêm vaccin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 4,5 lần, nguy cơ nhập viện cao hơn 10 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần so với người đã tiêm đủ liều. Cũng theo CDC, Mỹ, vaccin được đánh giá cao hiệu quả trong ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong do COVID-19 ngay cả khi Delta đang là biến thể thống trị tại Mỹ thì những người tiêm đủ 2 mũi vaccin có nguy cơ chết vì COVID-19 thấp hơn 32 lần so với những người không được tiêm chủng.
Mới đây, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh vừa công bố thông tin trên khi tiến hành so sánh tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Anh. TS Peter, bác sĩ sức khỏe cộng đồng, cho biết, “Đây là một trong những dữ liệu đầy đủ nhất về hiệu quả của vaccin COVID-19”. Theo TS Peter “Thông điệp quan trọng là tiêm vaccin có hiệu quả cao chống lại tử vong do COVID-19, tức là người mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ tử vong thấp hơn 32 lần nếu được tiêm phòng vaccin đầy đủ so với chưa được tiêm phòng và tiêm một liều cũng giúp bảo vệ cơ thể phần nào, mặc dù ít tác dụng hơn hai liều”. Hơn thế nữa, tiêm vaccin COVID-19 giúp bảo vệ những người xung quanh, bởi vì, người được tiêm vaccin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm nCoV và ít có khả năng trở thành người mang virus không triệu chứng (hay còn gọi là người lành mang virus) cho nên ít có khả năng lây lan nCoV cho những người tiếp xúc, đặc biệt người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính, bệnh nền. Cần lưu ý rằng, càng có nhiều người (khoảng trên 80%) trong diện được tiêm chủng vaccin phòng COVID-19 thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 càng được hạn chế. Mặt khác, nếu nhiễm COVID-19, những người được tiêm chủng thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đến trung bình. Trong một số trường hợp nhất định, do độ tuổi, bệnh nền, người bệnh có thể phải chống chọi vất vả với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy không nhiều.
Một số yếu tố khiến người đã tiêm vaccin vẫn có thể nhiễm COVID-19
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người đã tiêm vaccin phòng COVID-19, trong đó lý do chính là do các biến thể mới (biến chủng Delta) xuất hiện, chúng có khả năng lây truyền cao và có thể có khả năng tránh được kháng thể do hệ miễn dịch của người được tiêm vaccin phòng COVID-19 tạo ra. Bởi vì, vaccin phòng COVID-19 được phát triển dựa trên nền tảng là chủng nCoV ban đầu nên các biến thể mới có thể né tránh kháng thể do vaccin kích thích cơ thể tạo ra. Theo BS Leif Erik Sander, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin (Đức) thì hiệu quả của vaccin giảm với biến chủng Delta và điều đó là không thể chối cãi, tuy nhiên, chính xác giảm bao nhiêu thì còn khác nhau giữa các nghiên cứu. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây trên người cao tuổi trong Viện dưỡng lão ở Mỹ đã phát hiện ra rằng vaccin Pfizer và Moderna đã giảm hiệu quả phòng ngừa bệnh từ 75% trước khi có chủng Delta xuống còn 53% sau khi chủng Delta chiếm hơn 90% các trường hợp ở Mỹ (theo Science). Một nghiên cứu khác lớn hơn từ nước Anh cũng đã nhận thấy khả năng chống lại sự nhiễm COVID-19 có triệu chứng đã giảm xuống còn 84% đối với vaccin Pfizer và 71% đối với vaccin AstraZeneca, trong giai đoạn từ tháng 5 – 8.2021 khi xuất hiện biến chủng Delta. Mặt khác, người bị suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn và các kháng thể họ nhận được từ vaccin sẽ bị suy yếu nhanh hơn theo thời gian. Chình vì lẽ đó mà nhiều quốc gia thảo luận và đưa ra khuyến cáo về nhu cầu tiêm nhắc lại vaccin sau mũi tiêm thứ 2. Ngoài hai yếu tố quan trọng trên, một phát hiện gần đây cho thấy người nghiện thuốc lá, rượu, ma túy dễ bị COVID-19 hơn mặc dù đã được tiêm vaccin.
Nên làm gì để hạn chế bị nhiễm nCoV dù đã tiêm vaccin
Trong giai đoạn hiện nay “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” là Chỉ thị 128 của Chính phủ nước ta đã được ban hành, vì vậy, dù đã được tiêm vaccin đủ liều, trước hết không được chủ quan và luôn đề cao cảnh giác với loại virus nguy hiểm này và luôn thực hiện thật tốt mọi lúc, mọi nơi khuyến nghị “5K” của ngành y tế, trong đó quan trọng nhất là đeo khẩu trang (đúng, chuẩn) và khử khuẩn bàn tay bằng cách rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dùng dung dịch sát khuẩn bàn tay nhất là mỗi khi trở về nhà, và luôn lưu ý hạn chế tập trung đông người. Đồng thời, các địa phương cần tích cực thực hiện tiêm vaccin đúng đối tượng càng sớm càng tốt trong điều kiện có thể để tăng cường miễn dịch cộng đồng.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}