Chất lượng thuốc cần được hiểu đúng như thế nào?
Theo Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ, chất lượng thuốc bao gồm 4 thuộc tính: Đúng thuốc (Identity), Tinh khiết (Purity), Hiệu nghiệm (Effectiveness) và An toàn (Safety). Đối với người bệnh thì thuộc tính “Hiệu nghiệm tốt” thường dễ bị lạm dụng trong quảng cáo và là một thuộc tính dễ bị mập mờ, khó đo lường nhất.
Theo quan điểm của pháp chế dược, chất lượng thuốc là chất lượng được mô tả trong hồ sơ đăng ký. Thuốc đạt chất lượng là thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký theo tiêu chuẩn Dược điển hoặc tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất. Hồ sơ đăng ký thuốc được quy định chi tiết theo cơ quan quản lý dược phẩm của mỗi quốc gia, nhưng để đồng bộ về tiêu chuẩn giữa các quốc gia, các hồ sơ này tuân theo một hồ sơ kỹ thuật chung. Ngược lại, thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Trong hồ sơ chuyên môn không xếp loại thuốc này tốt, thuốc kia chưa tốt. Thuật ngữ “tốt” chỉ khi so sánh các thuốc với nhau. Trong GMP, khi nói đến chất lượng thuốc, có nghĩa là chất lượng được mô tả trong hồ sơ đăng ký thuốc.
Các thuốc đăng ký có cùng dược chất thì chất lượng có giống nhau không và cụ thể hơn là có hiệu nghiệm như nhau không?
Khi nói thuốc có hiệu nghiệm thì trước tiên thuốc phải chứa đúng hàm lượng dược chất và có tác dụng trị liệu như công bố trên nhãn. Tuy nhiên, hàm lượng đúng như ghi trong công thức không đồng nghĩa với việc thuốc sẽ hiệu nghiệm tương ứng. Trong sản xuất, hiệu nghiệm của một thuốc thành phẩm tùy thuộc vào các thử nghiệm kiểm tra trong quá trình sản xuất, sự tuân thủ của nhân viên sản xuất theo các chỉ dẫn sản xuất và điều cơ bản nhất là tùy thuộc vào việc xây dựng công thức hoàn hảo để đưa đến hiệu quả trị liệu cao. Chúng ta cần lưu ý đến yếu tố công thức trong hồ sơ đăng ký thuốc. Hồ sơ đăng ký thuốc quy định các yêu cầu kỹ thuật chung nhưng không quy định các thuốc đăng ký phải có công thức giống nhau. Mỗi công ty có một công thức riêng với các thành phần tá dược (các chất phụ) không giống nhau. Tên và hàm lượng dược chất giống nhau nhưng nguồn gốc nguyên liệu có thể không giống nhau (và đương nhiên giá cả cũng khác nhau) dẫn đến một vài tính chất lý - hóa không giống nhau. Chính tính chất lý hóa khác nhau của dược chất, sự khác nhau của các tá dược làm cho mỗi thuốc có độ rã trong ống tiêu hóa khác nhau, độ hòa tan khác nhau, hấp thu vào hệ tuần hoàn nhanh/chậm, nhiều ít khác nhau mà thuật ngữ chuyên môn gọi là sinh khả dụng của thuốc - thuộc tính này có thể đo lường được. Sinh khả dụng khác nhau nên dẫn đến tác dụng trị liệu khác nhau. Tóm lại, hai thuốc đăng ký giống nhau về dược chất và hàm lượng nhưng không mặc nhiên là hiệu nghiệm giống nhau.
Hiểu đúng về vai trò của nhà máy được chứng nhận đạt GMP liên quan đến chất lượng thuốc
Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP: Good Manufacturing Practices) là bộ tiêu chuẩn tối thiểu mà nhà sản xuất thuốc phải đáp ứng trong các quy trình sản xuất của họ. Đó là bộ tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất, chế biến, đóng gói, giải phóng và lưu giữ thuốc.
Như trên đã nêu, khi nói một thuốc đạt chất lượng tức là thuốc đó có chất lượng giống như chất lượng của lô thuốc đã đăng ký, cụ thể hơn các lô thuốc sản xuất thương mại phải có chất lượng nhất quán, nghĩa là có:
– Chất lượng như mô tả theo các yêu cầu của hồ sơ đăng ký thuốc
– Chất lượng đồng nhất trong cùng một lô.
– Chất lượng đồng nhất giữa các lô.
Theo Cơ quan Dược phẩm châu Âu, GMP yêu cầu các loại thuốc phải:
– Có chất lượng nhất quán;
– Thích hợp cho mục đích sử dụng của chúng;
– Đáp ứng các yêu cầu của giấy cho phép đưa ra thị trường hay giấy cho phép thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên trong thực tiễn sản xuất không dễ dàng đạt được yêu cầu “nhất quán” này vì rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thuốc liên quan đến con người sản xuất, nguyên liệu, thiết bị, môi trường, phương pháp sản xuất. Nói một cách khác, chất lượng thuốc là một hàm số biến thiên theo các yếu tố trên. Chính những nguyên tắc của GMP hướng dẫn nhà sản xuất triển khai để sản xuất thuốc có chất lượng phù hợp và nhất quán như chất lượng của thuốc đăng ký. GMP chính là công cụ để đạt được mục đích trên.
Hình bên minh họa GMP giúp cho thuốc sản xuất ở giai đoạn công nghiệp có chất lượng nhất quán và phù hợp với chất lượng thuốc đã đăng ký.
GMP giúp nhà sản xuất ra thuốc có chất lượng nhất quán như đăng ký bằng cách kiểm tra/giám sát các yếu tố gây biến thiên chất lượng thuốc, thí dụ GMP yêu cầu phải kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu đầu vào nhưng chọn nguyên liệu như thế nào, xây dựng công thức thành phần ra sao thì GMP không can thiệp vào. GMP tập trung vào mục tiêu giảm thiểu các rủi ro, những rủi ro này không thể kiểm soát được bởi các thử nghiệm trên sản phẩm cuối cùng, đó là:
– Tạp nhiễm và tạp nhiễm chéo (để đáp ứng yêu cầu về Tinh khiết).
– Nhầm lẫn (lẫn lộn), sai sót (để đáp ứng yêu cầu về Đúng thuốc).
GMP không hướng dẫn xây dựng công thức như thế nào mà tùy vào kiến thức, kinh nghiệm của mỗi nhà sản xuất thuốc. Nhiều người (ngay cả người trong ngành) cứ hiểu rằng xây dựng nhà máy GMP hiện đại thì sẽ mặc nhiên là thuốc (hay TPCN) sẽ có chất lượng cao. Đây là sự hiểu nhầm lớn.
Hiện nay có công ty khi xây dựng công thức nhưng các tính chất lý hóa của nguyên liệu không được khảo sát kỹ lưỡng (thí dụ không để ý kích thước nguyên liệu, ưu tiên loại nguyên liệu giá rẻ tiền hơn…), công thức được thiết kế sơ sài… thì dù thuốc này được sản xuất trong nhà máy GMP có nhà xưởng, thiết bị hiện đại cũng không hẳn là thuốc đó có tác dụng trị liệu tương đương với thuốc của công ty khác hay với biệt dược gốc. Tương tự như một người thợ chế biến thức ăn tệ thì dù họ nấu ăn trong một nhà bếp hiện đại cũng không làm cho thức ăn sẽ ngon hơn.
Như vậy chất lượng của thuốc bắt đầu từ phòng Nghiên cứu và Phát triển qua việc thiết kế công thức thuốc khi đăng ký như thế nào, chứ không phải từ sản xuất. Mục đích của giai đoạn sản xuất ở quy mô công nghiệp là sản xuất ra các thuốc có chất lượng giống y như chất lượng của lô thuốc đã đăng ký thuốc.
Nâng cao chất lượng thuốc phải được thực hiện thông qua việc nghiên cứu nâng cao các tiêu chuẩn của thuốc đăng ký. Điều này được thể hiện trong hồ sơ đăng ký thuốc.
Cần nhấn mạnh: nhà máy GMP là điều kiện cần thiết để giúp sản xuất ra thuốc có chất lượng nhất quán và phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng như trong hồ sơ mà nhà sản xuất đăng ký với cơ quan quản lý nhưng chưa đủ để làm cho thuốc đạt hiệu quả trị liệu cao. Như vậy hai thuốc cùng sản xuất trong nhà máy GMP thì chưa mặc nhiên là chất lượng thuốc của chúng như nhau.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}