HỎI: Tôi được người quen tặng một số củ (hình dưới) nói là Tam thất, nhưng tôi tra cứu trên mạng thì nhìn giống Tam thất gừng.
Vui lòng cho hỏi củ này là củ gì, công dụng và cách sử dụng? (Bạn có mail huynhngoc...@yahoo.com đã gửi câu hỏi)
ĐÁP: Qua ảnh chụp, mẫu vật mà bạn hỏi có thể là Tam thất gừng, còn gọi là Khương tam thất, Tam thất nam (Stablianthus thorelii Gagnep.), thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Đây là cây thảo, sống nhiều năm, cao khoảng 20cm, hơi giống cây Nghệ nhỏ. Thân rễ phân nhánh, mang nhiều củ nhỏ hình con quay, dài 1,2 – 1,5cm, nhẵn, xếp thành chuỗi, mặt ngoài màu vàng ngà, có nhiều vòng ngang, mặt cắt màu trắng ngà, chất mềm, mùi hăng, vị hơi tê. Lá đơn, màu xanh lục pha nâu tím, gồm 3 – 5 lá có cuống dài và bẹ phát triển, phiến lá nguyên, hình mác thuôn dài, đầu nhọn. Cụm hoa xuất hiện trước khi có lá, mọc ở gốc, gồm 1 lá bắc hình ống, dài 3 – 3,5cm, phân 2 thùy ở đầu, trong có 4 – 5 hoa không cuống, hình ống, cánh môi xẻ nông, màu trắng, họng vàng. Chưa thấy quả. Mùa hoa: tháng 4 – 5.
Tam thất gừng có vị cay, hơi đắng, tính ấm, vào kinh can, vị; có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, hành khí, chỉ thống. Dùng chữa sưng đau do chấn thương, phong thấp đau nhức xương; thổ huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt quá nhiều, hành kinh chậm kỳ, đau bụng khi có kinh; đầy bụng ăn không tiêu; rắn cắn. Ngày dùng 4 – 8g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài lấy củ tán bột để rắc hoặc đắp.
Đơn thuốc chữa kinh nguyệt không đều, loạn kỳ, vòng kinh dài ngắn không chừng, người gầy da xanh sạm, hoặc sau khi sinh rong huyết kéo dài, kém ăn, chóng mặt, đau đầu, mỏi mệt: Tam thất gừng, Hồi đầu, hai vị bằng nhau, tán nhỏ, dùng mỗi lần 2 – 3g, ngày uống 2 – 3 lần, với nước chín, vào khoảng giữa buổi, và trước khi đi ngủ. Uống 5 – 7 ngày liền. (Lương y L.T.Đức).
Để giúp bạn nhận biết vị Tam thất thật, xin cung cấp thêm một số thông tin sau:
Tam thất, còn gọi là Sâm tâm thất, Sanchi ginseng, Kim bất hoán (vị thuốc quý, vàng cũng không đổi được); tên khoa học là Panax notoginseng (Burk.) F.H. Chen, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Củ Tam thất đa số có hình con quay, hoặc hình trụ, dài 2 – 4cm, đường kính 1 – 2,5cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của thân cây rụng hằng năm tạo thành. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc xám vàng, có nhiều nếp nhăn dọc. Trên củ chính có thể còn mang những củ nhỏ và vết tích của rễ con. Thịt củ màu xám xanh, mặt cắt ngang nhìn rõ các tia tỏa tròn của mạch gỗ. Tam thất thật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ.
Theo y học cổ truyền, Tam thất có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm; vào các kinh can, thận; có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ huyết, cầm máu, tiêu sưng viêm, trị thiếu máu, người mệt mỏi, nhức đầu, ít ngủ. Tam thất giúp phục hồi sức khỏe cho người suy nhược, thường dùng cho sản phụ, người trải qua bệnh nặng, nhất là hỗ trợ điều trị bệnh u bướu. Tam thất là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền, nên đã bị làm giả bởi nhiều cây khác, thuộc các họ khác. Tất nhiên, các loại ‘hàng giả’ này không có những tác dụng quý của vị Tam thất thuộc họ Nhân sâm.
Trên thị trường, người ta dùng rễ củ và thân rễ các loài sau đây để làm Tam thất giả:
– Thổ tam thất, còn gọi là Tam thất nam (Gynura pinnatifida L., họ Cúc (Asteraceae). Cây thảo, cao 40 – 60cm. Rễ củ mập, gần hình cầu, dài 4 – 5cm, đường kính 3,5 – 4cm, mặt ngoài sần sùi màu vàng nâu, thịt củ màu vàng ngà, vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi. Nó có tác dụng như vị Bạch truật, nên được gọi là Bạch truật nam; dùng chữa bệnh phụ nữ. Cây này được trồng ở Hải Dương, Hưng Yên.
– Hồi đầu thảo (Tacca plantaginea (Hance) Drenth), họ Râu hùm (Taccaceae). Cây thảo, cao 20 – 30cm. Rễ củ nạc, hình tròn hay hình trứng, không đều, dài 1,5 – 2cm. Đầu củ sần sùi, mặt ngoài màu trắng bẩn, mặt cắt có màu trắng đục, vị đắng, mùi thơm hăng. Nó có tác dụng bổ huyết, làm tan máu ứ, thông kinh bế, tiêu sưng viêm, nhuận tràng, lợi mật, giúp tiêu hóa.
– Ngải máu, còn gọi là Tam thất nam, Cẩm địa la (Kaempferia rotunda L.), họ Gừng (Zingiberaceae). Cây thảo, cao 30 – 40cm, tựa như cây Tam thất gừng, thân rễ hình cầu to bằng đầu ngón tay. Hoa màu tím. Ngải máu có tác dụng bổ huyết, điều kinh, chữa bế kinh, đau bụng, chữa đau dạ dày.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}