Chi Stephania có khoảng 45 loài, nguồn gốc ở miền Đông Nam châu Á và Australasia; thân các cây thuộc thảo dây leo, sống lâu năm, cao khoảng 4m, có củ lớn. Các lá được sắp xếp theo hình xoắn ốc trên thân và lá có hình lông chim với cuống lá đính ở gần tâm lá. Tên Stephania bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “vương miện”, do các bao phấn được sắp xếp giống như vương miện. Cây Stephania rotunda Lour, có tên Bình vôi vì hình dáng của phần thân dưới giống bình đựng vôi của ông bà ta ngày xưa. Cây Bình vôi thân hóa gỗ, leo quấn xoắn ốc, không có gai. Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình tim hoặc tròn, không lông, mép thường lượn sóng, gân tỏa về một phía. Phần dưới thân phát triển thành củ, tròn, xù xì, màu nâu đen, có củ nặng 20kg, có thể đến tới 40kg. Cụm hoa tán kép, cuống dài, hoa màu vàng nhạt. Quả hạch hình cầu khi chín màu đỏ tươi trong chứa một hạt hình móng ngựa. Cây ra hoa tháng 5 – 6, có quả tháng 8 – 9.
Cây Bình vôi ưa sáng, thường mọc hoang ở độ cao từ vài chục mét đến vài trăm mét trên các vùng núi đá vôi khắp nước ta nhất là các tỉnh phía Bắc. Cây phân bố từ các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn vào tới Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo). Trên thế giới còn có ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Bangladesh, Himalaya, Myanmar, Nepal…
Bộ phận dùng là củ. Củ thu hoạch quanh năm, đem về rửa sạch, cạo vỏ đen, thái mỏng, phơi hay sấy khô rồi ngâm rượu, sắc lấy nước, nấu cao, tán thành bột để dùng. Từ củ ta có thể chế biến ra chất rotundin thô hay tinh khiết.
Theo y học cổ truyền, Bình vôi vị đắng, hơi ngọt, tính mát; quy kinh Can, Tỳ; có tác dụng an thần, dưỡng huyết. Chất rotundin trong củ ít độc, có tác dụng trấn kinh rõ rệt, tác dụng điều hòa nhẹ với tim phổi, an thần, gây ngủ, chống co quắp, hạ huyết áp. Bình vôi thường được dùng làm thuốc gây ngủ, chữa sốt nóng, nhức đầu, đau dạ dày, ho nhiều đờm, hen suyễn, khó thở, viêm họng, viêm khí quản cấp và mạn tính, điều trị bệnh gout.
Theo y học hiện đại, thành phần alcaloid có tác dụng trong củ Bình vôi gồm redindin, roemerin, cepharanthin,…
Tác dụng dược lý của rotundin (L. tetrahydropanmatin): là chất giúp an thần, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp, giảm viêm, điều hòa đối với tim, hô hấp và có thể chữa hen hay chữa nấc; có tác dụng chống co giật do corasol, strichnin và sốc điện gây nên nếu dùng với liều cao. Rotundin có ưu điểm nổi bật như độc tính thấp, sự dung nạp thuốc tốt, mang lại giấc ngủ sinh lý, sau khi ngủ dậy không bị mỏi mệt, nhức đầu, hoa mắt buồn nôn, khô miệng. Rotundin còn giúp kéo dài thời gian tác dụng của các loại thuốc ngủ barbituric được thí nghiệm trên súc vật. Thí nghiệm trên thỏ trưởng thành khỏe mạnh trọng lượng 2,5kg với liều rotundin 100mg/kg thể trọng/ngày qua đường uống trong 7 ngày, có tác dụng tăng cường quá trình ức chế trong các tế bào thần kinh vùng vỏ não cảm giác vận động và thể lưới thân não, thuốc có tác dụng làm cho nhịp tim thỏ chậm lại một ít song không ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Rotundin rất ít độc khi tiêm vào mạch máu một con thỏ với liều cao hơn 30mg/kg thể trọng, con thỏ chỉ mệt 1 – 2 ngày, đồng tử bị liệt nhất thời rồi lại hết.
Tác dụng dược lý của roemerin: có tác dụng gây tê niêm mạc và phong bế. Thí nghiệm trên tim ếch Roemerin có tác dụng ức chế, làm giảm biên độ cũng như lần số co bóp ở thời kỳ tâm trương, tim ếch có thể ngưng đập nếu liều lượng cao. Đối với hệ thần kinh trung ương với liều thấp roemerin có tác dụng an thần, gây ngủ, liều cao kích thích gây co giật đến tử vong. Roemerin còn có tác dụng dãn tĩnh mạch, hạ huyết áp. Liều LD50 trên chuột là 0,125g/kg tương đương với liều độc của cocain hydroclorid.
Tác dụng dược lý của cepharanthin: có tác dụng giãn mạch nhẹ, tăng cường sản sinh các kháng thể nên có tác dụng rất tốt đối với bệnh nhân giảm bạch cầu do bị bom nguyên tử, tia phóng xạ; không có tác dụng phụ khi uống Cepharanthin liều cao.
Ngoài ra trong củ Bình vôi còn có các chất như tetrandrin, isotetradim có tác dụng giúp chống viêm, giảm đau, hạ nhiệt, hạ huyết áp.
Công dụng
Ở nước ta, củ Bình vôi thái nhỏ phơi khô đem sắc, tán bột hoặc ngâm rượu uống để dùng làm thuốc an thần gây ngủ, hạ sốt, hen, ho nhiều đờm, lỵ, đau bụng, đau dạ dày, chữa gout; có thể tán bột ngâm rượu 400 với tỷ lệ 1 phần bột 5 phần rượu uống với liều 5 đến 15ml rượu một ngày. Khi dùng có thể dùng riêng củ Bình vôi hoặc kết hợp với các thuốc khác tùy theo cách chữa bệnh. Ngày dùng củ Bình vôi từ 6g đến 12g dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu thuốc. Nếu dùng rotundin clohydrat hay rotundin sulfat làm thuốc trấn kinh trong các trường hợp mất ngủ, đau tim, đau dạ dày ngày dùng 0,05g – 0,10g dạng thuốc viên, thuốc bột. Dùng ngoài lấy củ tươi giã nhỏ đắp lên vết thương khi bị nhọt hoặc rắn cắn. Trên thị trường ở nước ta đã có các sản phẩm từ cây Bình vôi như viên Rotundin, Rotundin sulfat, Stilux 60… Việc bán tổng hợp thành Rotundin sulfat để sản xuất thuốc tiêm cũng được Học viện Quân Y nghiên cứu thành công.
Ở nhiều nước châu Á từ lâu cây Bình vôi đã được sử dụng để điều trị ho, sốt, rối loạn giấc ngủ, chứng viêm, bệnh hen suyễn, bệnh lao, bệnh kiết lỵ, tăng đường huyết, ung thư, bệnh đường ruột. Củ Bình vôi có nhiều công dụng để chữa bệnh tuy nhiên cần lưu ý: chất rotundin có độc tố nhẹ an toàn khi sử dụng nhưng trong củ còn có các chất khác như roemerin gây tê niêm mạc và giảm nhịp tim, nên nếu dùng 30g một ngày sẽ gây ngộ độc. Có khuyến cáo nên sử dụng trong thời gian 2 tuần, ngừng một thời gian sau đó lại dùng tiếp; phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên dùng củ Bình vôi.
Một số bài thuốc
– Chữa mất ngủ do suy nhược thần kinh: Bình vôi, Lạc tiên, Vông nem mỗi thứ 12g, Liên tâm, Cam thảo 6g. Sắc lấy nước, uống ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
– Chữa động kinh, thần kinh căng thẳng: Bình vôi, Câu đằng, Viễn chí, Thiên ma mỗi vị 12g; sắc lấy nước, uống ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
– Chữa bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm phế quản, ho: Bình vôi, Huyền sâm, Cát cánh mỗi vị 12g, Trần bì 10g, Sắc lấy nước, uống ngày uống 1 thang, chia làm 2 - 3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
– Chữa bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày: Bình vôi, Dạ cẩm, Khổ sâm, Xa tiền tử mỗi vị 12g. Sắc lấy nước, uống ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
Trong chi Stephania có nhiều cây được dùng làm thuốc. Tại Trung Quốc, loài Stephania tetrandra S. Moore gọi là Hanfangji, Hán phấn phòng kỷ là cây thuốc nằm trong số 50 loại thảo mộc cơ bản trong y học cổ truyền Trung Quốc có tác dụng với bàng quang, thận và lá lách dùng điều trị bệnh liệt mặt, hen suyễn, viêm dây thần kinh, gút, tổn thương cột sống. Cây Stephania japonica (Thunb.) miers gọi là Thiên kim đằng, Lõi tiền dùng chữa đau bụng, lỵ, ho, phù thũng, đái dắt, đái buốt, ghẻ ngứa.
Ở nước ta còn có các cây Bình vôi Hoa đầu Stephania cepharantha Hayata; cây Bình vôi nhị ngắn Stephania brachyandra Diels; cây Bình vôi tán ngắn Stephania sinica Diels; cây Bình vôi trắng Stephania pierret Diels; cây Bình vôi Campuchia Stephania cambodica Gagnep.; cây Bình vôi Quảng Tây Stephania kwangsiensis H.S. Lo cũng đều được dùng làm thuốc.
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}