Các chỉ số khi thực hiện xét nghiệm máu. Ảnh: iStock
Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế công bố vào năm 2021 cho thấy tình trạng rối loạn mỡ máu (hay cholesterol trong máu cao) tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Tỷ lệ người có cholesterol máu cao (cholesterol toàn phần từ 5,0 mmol/L trở lên hoặc đang dùng thuốc điều trị) đã tăng vọt từ 30% lên đến 44 % từ năm 2015 đến 2021.
Theo BS.CK2 Nguyễn Huân, Phó khoa Phòng khám, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) : “Nếu không có biện pháp can thiệp quyết liệt và hiệu quả, rối loạn mỡ máu và các biến chứng tim mạch sẽ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và hệ thống y tế”.
Rối loạn mỡ máu xảy ra khi nồng độ các chất béo trong máu bị mất cân bằng. Mức cholesterol "xấu" (LDL) cao sẽ tích tụ trong thành động mạch, hình thành mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu. Ngược lại, cholesterol "tốt" (HDL) có vai trò vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô về gan để đào thải ở mức thấp. Triglyceride cao cũng liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều năm, thường không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng như đau tim hoặc đột quỵ. Cách duy nhất để phòng ngừa là kiểm tra sức khỏe định kỳ và thay đổi lối sống lành mạnh.
Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát nồng độ mỡ máu. Cần bổ sung các chất béo không bão hòa (omega-3, omega-6) từ cá béo, dầu thực vật, các loại hạt, hạn chế đường, tinh bột tinh chế và kiểm soát lượng muối tiêu thụ. Ngoài ra tăng cường thêm các hoạt động thể chất, duy trì cân nặng và hạn chế sử dụng các chất kích thích để phòng ngừa rối loạn mỡ máu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cholesterol cao gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và là nguyên nhân chính gây gánh nặng bệnh tật ở cả nước phát triển và đang phát triển. Năm 2008 tỷ lệ người lớn mắc cholesterol máu cao trên thế giới là 39%.
Các chỉ số cholesterol trong máu sẽ thay đổi theo thời gian và có sự khác nhau ở mỗi người. Theo khuyến cáo của Viện, Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI) mọi người nên bắt đầu xét nghiệm cholesterol trong giai đoạn từ 9-11 tuổi, sau đó kiểm tra định kỳ lại 5 năm/lần và người trên 45 tuổi nên xét nghiệm 1 năm/1 lần.
Theo: HCDC
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}