Collagen giúp duy trì đàn hồi cho các mô và cơ quan trong cơ thể. Ảnh: png tree
Collagen là một loại protein dạng sợi quan trọng trong cơ thể người, chiếm khoảng 30% tổng lượng protein. Nó là thành phần chính của mô liên kết, giúp kết nối các bộ phận của cơ thể như da, xương, cơ, gân và dây chằng. Collagen giúp duy trì độ đàn hồi và sự khỏe mạnh của các mô và cơ quan.
Hiểu đúng về collagen
Ngoài cơ thể người, collagen chỉ được tìm thấy trong mô liên kết động vật như bò, lợn, gà và cá. Còn gelatine, thành phần quen thuộc trong kẹo, thạch hay vỏ thuốc, thực chất là một dạng collagen đã qua xử lý.
Trên trang BBC mới đây, Andrea Soares, chuyên gia dinh dưỡng tại Georgia (Mỹ) cho biết: “Có một số sản phẩm bổ sung nguồn gốc thực vật tự nhận là ‘collagen thuần chay’, nhưng thực chất chúng không chứa collagen mà chỉ có các chất giúp cơ thể bạn sản xuất collagen như vitamin C, axit amin hoặc khoáng chất”.
Trong thực tế, collagen tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và mỗi loại có đặc điểm riêng. Collagen thủy phân (hydrolysed collagen) được phân tách thành các chuỗi axit amin ngắn, dễ hấp thụ hơn qua hệ tiêu hóa. Trong khi đó, collagen loại II không biến tính (undenatured type II collagen) là thành phần chính của sụn khớp, được cho là hỗ trợ tái tạo collagen quanh khớp.
Nhưng cả hai loại này đều bị phân giải thành axit amin trong dạ dày, khiến hiệu quả thực tế của collagen vẫn là một dấu hỏi lớn. Nhìn chung, cho đến nay những tuyên bố về hiệu quả bổ sung collagen dạng uống hoàn toàn không đứng vững trước sự giám sát của những tổ chức chính thống.
Leng Heng, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao tại Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority - EFSA) chia sẻ: “Liên minh châu Âu không bật đèn xanh cho bất kỳ tuyên bố nào về lợi ích sức khỏe của việc bổ sung collagen”.
EFSA là cơ quan của EU đánh giá các rủi ro liên quan đến những thực phẩm mới. Đối với sản phẩm bổ sung collagen, EFSA xác nhận không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chúng có hiệu quả. Heng nói: “Chúng chưa được định nghĩa đầy đủ, thiếu các nghiên cứu trên người hoặc dựa trên bằng chứng từ nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm nên không thể dự đoán được hiệu quả của sản phẩm trên người”.
Một trong những thách thức lớn khi đánh giá collagen là quá trình tiêu hóa. Chia sẻ trên truyền thông, bác sĩ da liễu người Anh Anjali Mahto cho rằng, khi collagen được uống vào, nó sẽ bị phân giải thành axit amin trong dạ dày nên không có gì bảo đảm tái tạo thành collagen cho da hoặc khớp. Hơn nữa, nhiều sản phẩm collagen chứa thêm các thành phần khác có lợi cho da (như vitamin C), khiến khó xác định đâu là tác dụng riêng của collagen.
Tranh cãi hiệu quả bổ sung collagen
Trong cuốn “The Skincare Bible: Your No-Nonsense Guide to Great Skin” (tạm dịch: “Kinh thánh về chăm sóc da: Hướng dẫn thiết thực để có làn da đẹp”) phát hành vào năm 2018, bác sĩ Mahto cho biết collagen loại I tạo nên hình dạng và độ chắc khỏe cho da.
Nhưng ở độ tuổi giữa 20 thì collagen bắt đầu phân hủy nhanh hơn tốc độ cơ thể bạn có thể thay thế, lúc này da bắt đầu mất độ dày và độ chắc khỏe với tốc độ khoảng 1,5% mỗi năm.
Collagen thường thấy trong các sản phẩm dưỡng da. Ảnh: Vitaquest
Lâu nay collagen đã là một thành phần phổ biến trong các loại kem dưỡng da, nhưng người ta vẫn nghi ngờ liệu nó có thể thẩm thấu vào lớp ngoài của da hay không.
Ngoài da, collagen còn được nghiên cứu cho sức khỏe gân và khớp. Robert Erskine, nhà sinh lý học tại Đại học Liverpool John Moores, cho rằng tập thể dục kết hợp bổ sung collagen có thể kích thích tái tạo collagen, tăng cường độ bền gân, giúp di chuyển linh hoạt hơn và giảm nguy cơ chấn thương.
Trong một nghiên cứu nhỏ trên nam giới khỏe mạnh, Erskine phát hiện rằng việc uống 30g collagen thủy phân cùng vitamin C trước khi tập luyện cường độ cao sẽ giúp tăng sản xuất collagen đáng kể. Nhưng hiệu quả này lại giảm đi ở nam giới trung niên và bị ảnh hưởng bởi giới tính do liên quan đến hormone estrogen.
Trong lĩnh vực bệnh viêm xương khớp, vai trò của bổ sung collagen cũng không rõ ràng. Tại Úc, TS David Hunter, nhà nghiên cứu lâm sàng về bệnh thấp khớp tại Đại học Sydney, đã tiến hành đánh giá có hệ thống các nghiên cứu, qua đó nhận thấy các chất bổ sung collagen dường như làm giảm cơn đau liên quan đến bệnh viêm xương khớp trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, Hunter nhấn mạnh rằng bằng chứng cho chuyện này còn hạn chế vì số nghiên cứu quá ít và chúng chỉ thực hiện trên một số ít người.
Nói chung, các quan điểm ủng hộ lợi ích của bổ sung collagen vẫn gây nhiều tranh cãi. Chưa kể những nghiên cứu về các sản phẩm này còn gây hoài nghi vì “xung đột lợi ích” khi nghiên cứu được các công ty kinh doanh thực phẩm bổ sung tài trợ hoặc do chính nhân viên các công ty này thực hiện. TS Hunter nhận định: “Rất khó tìm được một nghiên cứu độc lập nào về sản phẩm bổ sung collagen”.
Rủi ro khi sử dụng collagen
Dù rủi ro sức khỏe của việc bổ sung collagen có vẻ thấp, nhưng người sử dụng cũng không nên xem nhẹ. Rủi ro lớn nhất là việc tăng cường thu nạp protein như collagen vào người có thể gây áp lực cho thận và gan. Vì thế, những người có bệnh lý này cần cẩn trọng.
Nhìn rộng ra, việc gia tăng sản xuất các sản phẩm bổ sung collagen từ gia súc có liên quan đến nạn phá rừng ở Brazil. Tháng 3/2023, The Bureau of Investigative Journalism, một tổ chức phi chính phủ chuyên về báo chí điều tra có trụ sở tại London (Anh), đã đăng một bài điều tra công phu về vấn nạn phá rừng Amazon (Brazil) để lấy nguyên liệu sản xuất collagen.
Gia tăng sản xuất collagen có liên quan đến nạn phá rừng ở Brazil. Ảnh: The Bureau of Investigative Journalism
Bài báo có đoạn viết: “Collagen có thể được chiết xuất từ da cá, da lợn và da gia súc, nhưng đằng sau đó là một ngành công nghiệp mờ ám thúc đẩy sự tàn phá các khu rừng nhiệt đới và thúc đẩy bạo lực cũng như vi phạm quyền con người ở Amazon”.
Một rủi ro cũng đáng quan tâm là khả năng mắc bệnh não xốp truyền nhiễm (TSE hoặc bệnh prion) do dùng collagen. Tháng 7 năm qua, Ủy ban châu Âu đã lên tiếng về chuyện này. TSE có thể dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh nghiêm trọng và tử vong.
Dù nguy cơ lây TSE, theo EFSA là rất thấp, nhưng nhiều quốc gia châu Âu cũng ban hành khuyến cáo phòng ngừa, như không sử dụng cột sống gia súc trên 30 tháng tuổi để sản xuất collagen và gelatin.
Nhiều giải pháp hiệu quả giúp khỏe, đẹp Theo TS David Hunter, có nhiều lý do khác nhau để người ta tìm đến collagen và không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi liệu bổ sung collagen có đáng giá hay không. Điều này phụ thuộc vào lý do bạn muốn dùng, dùng trong bao lâu, giá cả như thế nào, collagen có được kết hợp với các thành phần khác hay không và nó có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của sức khỏe như thế nào. TS Robert Erskine lưu ý: “Không phải ai cũng phản ứng với chất bổ sung collagen theo cùng một cách”. Cuối cùng, nhiều nhà khoa học cho rằng thay vì chi hàng chục triệu đồng mỗi năm dành cho bổ sung collagen, bạn có thể chi cho chế độ ăn uống cân bằng vì điều này giúp cải thiện sức khỏe hiệu quả hơn. Ngoài tiêu thụ các thực phẩm bổ dưỡng và đa dạng, việc tăng cường tập luyện, ngủ đủ giấc và sử dụng kem chống nắng sẽ mang lại lợi ích cho da, tóc, xương, khớp theo nhiều cách khác nhau. |
Theo TSK số 696
Ý kiến của bạn
{% item.name %}
{% item.comment %}